Thứ sáu, 26/04/2024

Nhà hát lớn và Quảng trường Cách mạng tháng Tám

Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc văn hóa đặc sắc trong di sản kiến trúc Pháp còn tồn tại và phát huy tác dụng đến ngày nay. Nhà hát Lớn được xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911 theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Broyer Harley. Công trình có quy mô bề thế, đồ sộ, diện tích tổng thể là 2600m2, chiều dài trung bình 87m, chiều rộng trung bình 30m, điểm cao nhất so với mặt đường là 34m. Nhà hát Lớn Hà Nội được thiết kế theo kiểu Grand Opera do đó nhìn tổng thể gần như một bản sao thu nhỏ của Nhà hát Opera ở thủ đô Paris, Pháp.

Kết cấu kiến trúc chủ yếu của Nhà hát mang phong cách kiến trúc cổ điển Pháp với kiểu mái hai mảng lợp ngói đá hoặc ngói ardoise, các họa tiết trang trí trên vòm trần, các vòng nguyệt quế và huy chương trên tường. Đây là phong cách kiến trúc phổ biến ở Pháp cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. 

Mặt bằng Nhà hát Lớn Hà Nội được chia thành ba phần tương đối rõ rệt. Không gian đầu tiên ngay lối vào là chính sảnh với một cầu thang hình chữ T bằng đá dẫn lên tầng hai. Đây là nơi đầu tiên đón khách tới nhà hát, gạch lát nền sử dụng loại đá vân thạch kết hợp với những họa tiết trang trí theo tinh thần cổ điển, đem lại cảm giác sang trọng. Hệ thống đèn chùm nhỏ treo trên tường được mạ đồng theo lối cổ, còn đèn chùm phía trên cao được mạ một lớp vàng bằng công nghệ hiện đại. Nhà hát bao gồm một số phòng lớn và các sảnh, hành lang cũng có kích thước khá lớn, với gần 900 chỗ ngồi và sân khấu có kích thước 24m x 24m.

Lúc đầu Nhà hát được xây dựng với ý đồ truyền bá văn hóa phương Tây, là nơi nghỉ ngơi, giải trí của tầng lớp quan chức thực dân và thượng lưu bản xứ. Từ khi giải phóng Thủ đô đến nay, Nhà hát Lớn đã được sử dụng là một Nhà hát quốc gia với nhiều loại hình nghệ thuật cổ điển chọn lọc như: ballet, opera, kịch nói, giao hưởng… phục vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Năm 1997, Nhà hát được trùng tu sửa chữa lớn, trên cơ sở phục chế bảo tồn các kiến trúc nguyên mẫu. Trong hơn 100 năm tồn tại, Nhà hát Lớn Hà Nội đã là nơi gặp gỡ, giao lưu, là cầu nối truyền tải nhiều giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại đến với những thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Phía trước Nhà hát là một quảng trường rộng, là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại gắn liền với cuộc Cách mạng Tháng Tám và những năm đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Vì vậy, tháng 2 năm 1994, Quảng trường được đặt tên là “Quảng trường Cách mạng tháng Tám”. 

Các sự kiện lịch sử trọng đại có thể kể đến như: Ngày 17/8/1945, tại Quảng trường Nhà hát Lớn diễn ra cuộc mít tinh ra mắt mặt trận Việt Minh. Ngày 29/8/1945, đoàn quân giải phóng từ Việt Bắc về, ra mắt đồng bào Thủ đô. Ngày 16/9/1945 tại Quảng trường Nhà hát đã diễn ra "Tuần lễ vàng". Đầu tháng 10/1945 tổ chức ngày "Nam Bộ kháng chiến" tại Quảng trường Nhà hát. Ngày 5/3/1946 Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá đầu tiên họp kì thứ nhất tại Nhà hát. Ngày 2/9/1946, mít tinh kỷ niệm 1 năm chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, cũng là lần đầu tiên Bác Hồ đặt chân vào Nhà hát Lớn Hà Nội. Ngày 9/10/1946 Quốc hội khóa I họp kỳ thứ 2, thông qua Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Nhà hát Lớn hiện nay đã qua nhiều lần tu bổ, nhưng vẫn giữ gìn nguyên hiện trạng mặt ngoài ngôi nhà, các bậc lên xuống ở phía trước và tấm biển đá ghi sự kiện lịch sử của di tích cách mạng. Nhà hát Lớn đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật năm 2004. Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đặt gắn biển di tích cách mạng “Quảng trường Cách mạng Tháng Tám”. Năm 2011, Nhà hát Lớn và Quảng trường Cách mạng Tháng Tám đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Quốc gia.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,829,739