Thứ năm, 25/04/2024

Cầu Long Biên

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua con sông Hồng nối hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên của Hà Nội. Cây cầu do Pháp xây dựng từ năm 1898 đến 1902, đặt tên là Doumer theo tên của Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ là Paul Doumer. Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ ghi thời gian thi công và nhà thầu xây dựng: '1899 -1902 - Daydé & Pillé - Paris. 

Ngày ấy, trên địa bàn Hà Nội, tuyến đường sắt lớn nhất và quan trọng nhất được xây dựng là tuyến từ Hà Nội đi Phủ Lạng Thương (biên giới Việt – Trung) đã được tổ chức đấu thầu vào năm 1896. Trong khuôn khổ của công trình này, vị trí của ga Hà Nội và việc nghiên cứu để xây dựng các cầu lớn bằng thép cho đường sắt rộng 1 mét dọc theo tuyến đường này, đặc biệt là cây cầu lớn bắc qua sông Hồng cũng được chính quyền thuộc địa quan tâm ngay từ năm 1896. Ngoài mục đích phục vụ chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất, việc xây dựng cơ sở hạ tầng kể trên còn nhằm phục vụ đàn áp các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của người dân Bắc Kỳ. Năm 1897, trong số các dự án đưa ra bởi các nhà xây dựng chính của Pháp về việc xây cầu Hà Nội, nhà thầu Daydé et Pillé đã được Toàn quyền Đông Dương lựa chọn. Sau khi đã trúng thầu, ngày 12/8/1898, Công ty Daydé et Pillé đã ủy nhiệm cho kỹ sư Saint Fort Mortier làm chỉ huy xây dựng công trình cầu và làm đại diện chính thức của công ty tại Bắc Kỳ. Ngày 13/9/1898, cây cầu chính thức được khởi công xây dựng. Để chào đón sự kiện trọng đại này, từ ngày 11 đến ngày 14/9/1898, chính quyền thuộc địa đã tổ chức nhiều cuộc vui chơi xung quanh hồ Hoàn Kiếm. 

Điều hành công việc xây dựng là đội ngũ gần 40 giám đốc, kỹ sư, chuyên gia và đốc công người Pháp do kỹ sư Saint Fort Mortier làm chỉ huy cùng với hơn 3.000 công nhân người Việt. Tổng thể cầu bao gồm một cây cầu bằng kim loại dựng trên những mố và trụ cầu xây kiên cố. Cầu dài 2290m qua sông và 896m cầu dẫn, cầu gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ với lối kiến trúc độc đáo. Cây cầu được thiết kế với một đường sắt đơn chạy ở giữa còn hai bên là hai làn đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ. Luồng giao thông của cầu theo hướng đi xuôi ở phía trái cầu chứ không phải ở bên phải như các cầu thông thường khác.

Ngày 28/2/1902, vào lúc 8 giờ 30 phút, chuyến tàu đầu tiên khởi hành từ ga Hà Nội đưa vua Thành Thái và Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer cùng đoàn tùy tùng tới đầu cầu để làm lễ khánh thành, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân bản xứ. Tại buổi lễ này, cây cầu được mang tên Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer – người khai sinh ra nó. Vào thời điểm này, cầu Paul Doumer là cây cầu dài thứ hai trên thế giới (chỉ sau cầu Brooklyn bắc qua sông East-River của Mỹ), thậm chí được gọi là tháp Eiffel nằm ngang của Hà Nội.

Chùng với việc khánh thành cầu, Toàn quyền Đông Dương đã chính thức cho phép tuyến đường sắt từ Hà Nội đi biên giới Việt – Trung, đoạn Hà Nội – Gia Lâm được đưa vào khai thác từ ngày 8/4/1902 và cũng vào ngày này, bến phà đường sông của Hà Nội đã bị xóa bỏ, nhu cầu đi lại thông thương của dân chúng không còn gặp khó khăn khi phải vượt qua sông Hồng mùa mưa lũ nữa.

Sau ngày Hà Nội được giải phóng, năm 1954 cầu được đổi tên thành cầu Long Biên. Cầu Long Biên đã chứng kiến những dấu mốc quan trọng nhất của dân tộc hai cuộc kháng chiến lớn nhất của dân tộc ta chính là cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và tiếp đến là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Trong chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam giai đoạn đầu (1965 - 1968) cầu Long Biên bị ném bom 10 lần, hỏng 7 nhịp và 4 trụ lớn. Giai đoạn cuối (1969 - 1972) cầu bị ném bom 4 lần, phá hỏng 1500m cầu và hai trụ lớn bị cắt đứt. Các nhịp của cầu bị bom đánh đổ đã được thay bằng các dầm bán vĩnh cửu, có khẩu độ ngắn đặt trên các trụ mới.

Sau năm 1975, vào thời bình Hà Nội liên tục xây dựng thêm các cầu khác nối hai bờ sông Hồng. Từ thập kỷ 1990, cầu Long Biên chỉ còn được sử dụng cho tàu hỏa, xe đạp và người đi bộ. Cuối năm 2005, xe máy được phép đi qua cầu Long Biên để giảm việc ùn tắc cầu Chương Dương.

Cầu Long Biên đã được UBND thành phố Hà Nội gắn biển Địa điểm lưu niệm sự kiện Cách mạng kháng chiến theo quyết định số 4680/QĐ-UBND ngày 10/09/2014.

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,822,115