Thứ bảy, 27/04/2024

Hội quán Phúc Kiến

Hội quán Phúc Kiến tọa lạc ở số nhà 40, phố Lãn Ông, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một dãy phố cổ, trước kia gọi là phố Phúc Kiến, vì là nơi cư ngụ của Hoa kiều gốc tỉnh Phúc Kiến.

Theo những miêu tả trên văn bia, thì hội quán Phúc Kiến hiện nay vẫn giữ nguyên được quy mô của lần tu sửa vào năm Trung Hoa dân quốc thứ 14 (1925), với khối kiến trúc đá đồ sộ trong một khuôn viên rộng lớn. Quy hoạch mặt bằng của di tích bao gồm: Tam quan, sân, phương đình, hậu cung, khu học hiệu nằm phía sau và hai bên kiến trúc chính.

Tam quan là một nếp nhà ngang 3 gian, xây gạch kiểu đầu hồi bít đốc với các bộ vì gỗ kiểu chồng rường hai hàng chân. Trong kết cấu trên, cột phía ngoài được làm vuông, tạo gờở các cạnh, hệ thống dép đỡ hoành thì làm dài, uốn theo văn mây cuôn, vươn ra khoảng không. Đỡđầu hoành có một cốn tai cột (hoặc gọi là củng đơn) trang trí hình rồng; dưới xà ngang là hình một con ve hoặc một con sư tử có tác dụng trang trí và đỡ xà nách. Phía bên trái tam quan có một số tranh đá vẽđề tài phong cảnh gắn trên tường. Diềm lá tàu được chia thành những ô trang trí: ô thì khắc thơ, ô thì họa phong cảnh, có ô lại là hình hoa lá…

Qua một khoảng sân rộng là tới phương đình. Nếp nhà này được xây dựng với mục đích dùng làm nơi hội họp của bản phố. Nhà được xây kiểu chồng diêm tám mái, nhưng phần cổ diêm ở dây hầu như không nhìn thấy. Bộ khung gỗ gồm 4 cột góc đỡ đao và hai bộ vì đỡ nóc mái. Ở đây, không những hệ thống dép đỡ hoành vươn dài, mà cả những dép đỡ rường cũng vươn dài, tạo thành những tầng dép cao thấp nhấp nhô. Khoảng cách giữa xà ngang của vì với xà hạđược gắn đôi sư tử hướng mặt vào trong. Nét đặc biệt trong kết cấu kiến trúc của toà nhà này là việc sử dụng hệ “củng ba phương” để đỡ bốn góc mái. Kết cấu này được kết hợp bởi ba thanh xà ngắn ăn từđầu cột góc, một vương ra dỡ mái, một đỡ hàng xà cuối cùng, và một chạy theo chiều ngang. Phần cuối của xà đều có hình búp sen thả xuống tạo nên một thể đối trọng để đỡ phần kiến trúc mái. Phần cột đỡ các vì, có một bẩy ngang, được tạo hình một con rồng với đặc trưng rõ nét của nghệ thuật thời Nguyễn. Hệ thống cột ởđây được làm kiểu cột bát giác, tạo các cạnh gờ.

Nối phương đình với hậu cung là một mái cong (vỏ mái cua), phần này gồm hai ván mê dày, được chạm kín toàn bộ bề mặt với các hình rồng, hoa lá… bằng kỹ thuật chạm lộng, chạm nổi.

Hậu cung nằm phía sau phương đình. Nhà xây gạch, ba gian kiểu đầu hồi bít đốc. Bốn bộ vì ở đây được làm theo lối “chồng kẻ biến thể năm hàng chân”. Hai vì hồi chỉ còn lại một cột quân của nửa vì sau, còn lại đều trốn cột. Hai vì giữa được làm đủ năm cột. Kết cấu vì nóc của các vì này là kiểu “chồng rường con nhị” với hai thành rường nhô lên. Nối các cột cái và cột quân là một kẻ dài, cong, vẫn thường gặp trong các kiến trúc tôn giáo truyền thống Việt Nam. Cái khác ở đây là lối rải hoành theo kiểu “thượng tứ hạ tứ” và sự nâng chiều cao của kiến trúc một cách rõ rệt. Các ban thờ được bài trí chạy ngang theo lòng nhà. Chính giữa là ban thờ Thiên Hậu với một pho tượng lớn được đặt trong khám gỗ chạm trổ cầu kỳ, phía trên treo biển gỗ lớn ghi các đời sắc phong cho Thiên Hậu.

Phía sau và hai bên khối kiến trúc trên, là phần kiến trúc gạch xây hai tầng, mang phong cách kiến trúc Pháp. Trước khối nhà này treo một bức hoành phi có 4 chữ Hán lớn: “Phúc Kiến học hiệu”. Hiện nay, các diện tích này được sử dụng làm lớp học cho trường tiểu học Hồng Hà.

Hội quán Phúc Kiến là di tích mang giá trị lịch sử, có ý nghĩa trong việc nghiên cứu lịch sử Thủ đô, đặc biệt là về kinh thành Thăng Long và khu phố cổ Hà Nội. Tấm bia “Phúc Kiến hội quán hưng sáng lục” niên hiệu Gia Long thứ 16 (1817) không chỉ phản ánh niên đại ra đời của di tích, mà hơn thế nữa, nó còn cho biết khu vực này vốn thuộc khu phía đông của hoàng thành Thăng Long thời Lê vàđã được mở mang trở thành một phần của khu phố cổ Hà Nội ngay từđầu thế kỷ 19, sau khi nhà Nguyễn phá huỷ Hoàng thành Thăng Long để xây thành Hà Nội.

Hội quán Phúc Kiến được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 27/8/2007.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,837,088