Thứ sáu, 26/04/2024

Đình Thanh Hà

Đình Thanh Hà ở số 10 Ngõ Gạch, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trước đây, đình thuộc thôn Thanh Hà, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Theo tấm bia "Trùng tu Thanh Hà đình bi ký" do Thọ Hà cư sĩ Bùi Tú Lĩnh soạn năm TựĐức thứ tám (1855) thì vùng đất này trước là thôn Tiền Nội, tổng Hậu Túc, đến thế kỷ XIX đổi thành thôn Thanh Hà.

Đình Thanh Hà thờ tướng quân Trần Lựu - một vị tướng anh hùng có nhiều công lao đóng góp trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta thời Trần - thế kỷ 13. Theo sử sách và văn bia: Đại vương tên là Trần Lựu, sống ở thời nhà Trần. Trần Lựu được vua Trần phong tước, lĩnh 3 vạn quân đi đánh giặc phương Bắc. Ngày khải hoàn, Đại vương trở về thôn Thanh Hà, tổng Đồng Xuân, thành Thăng Long khao thưởng quân sĩ và các bậc phụ lão ở quanh vùng. Người người đều vui mừng và quý mến. Thấy rằng đây là vùng đất kỳ lạ, ắt có nhiều văn nhân tài tử và sản sinh nhiều anh hào. Đại vương thấy mây mù ảm đạm, sấm chớp dữ dội, lập tức hoá tại đây. Đình được dựng nên ở nơi này để thờĐại vương như một vị Thành hoàng làng, được vua ban sắc phong vào hàng Thượng đẳng thần.

Đình Thanh Hà là một công trình kiến trúc đình làng truyền thống, có nhiều giá trịở Thủđô. Đình nằm theo hướng đông ngoảnh mặt ra đường phố cổ, với lối kết cấu kiến trúc chữ "công", bao gồm Tam quan, nhà Tiền bái, Phương đình và Hậu cung bằng những vật liệu kiến trúc truyền thống.

Cổng Tam quan được xây sát hè phố, có ba cửa ra vào rộng hẹp khác nhau, qua sân hẹp vào tòa Tiền bái. Toà Tiền bái được làm theo kiểu tường hồi bít đốc, gồm 3 gian. Toà Hậu cung cũng làm theo kiểu bốn hàng chân, song thay cho hàng cột cái phía ngoài này được xây bằng tường để tạo nên sựu thâm nghiêm của điện thờ. Bên trong Hậu cung đặt khám thờ, có cửa võng được trạm trổ tinh xảo, sơn son thếp vàng.

Đình Thanh Hàđã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Kiến trúc hiện nay của đình là sản phẩm của lần mở mang, tu bổ vào năm 1840.

Di tích đình Thanh Hà có một bề dày lịch sử, trong đó còn lưu giữa một khối lượng lớn những di vật phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu, và nhiều về số lượng, thần phả, sắc hong, hoành phi, câu đối, cửa võng, chuông, đại tự, khánh văn bia, ngựa thờ, đồ gốm sứ v.v… có niên đại trải dài từ thời Lê sang thời Nguyễn. Tiêu biểu còn có hơn 50 viên gạch trang trí thời Mạc và 9 tấm bia đá thời Nguyễn, trong đó, quan trọng hơn cả là bia "Thanh Hà ngọc phả bi ký" khắc lại một bia thời Lê, và bia "Trùng tu Thanh Hàđình bi ký" ghi lại sự tích và lịch sử xây dựng.

Hàng năm, lễ hội của đình vào ngày 4 tháng 4 và ngày 15 tháng 9 âm lịch (là ngày sinh và ngày hoá của Thành hoàng).

Nằm giữa trung tâm Thủđô, trong khu vực 36 phố phường cổ xưa, đình Thanh Hà từ lâu đã trở thành trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng cộng đồng. Đặc biệt trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, nơi đây là chỉ huy sở, trạm cứu thương, trạm tiếp tế cho bộđội chiến đấu với một hệ thống hầm hào từđình toả khắp các khu phố góp phần vào thắng lợi 60 ngày đêm giam chân giặc ở Liên khu I.

Đình Thanh Hà đã được Bộ Văn hoá và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 21/11/1989.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,834,324