Thứ sáu, 26/04/2024

Đình Đức Môn & Chùa Cầu Đông

Chùa Cầu Đông và đình Đức Môn hiện nay ở số nhà 38B Hàng Đường, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Theo bản đồ Thăng Long thời Hồng Đức và bản đồ Minh Mệnh (1831) thì chùa Đông Môn ở cửa phía đông kinh thành Thăng Long xưa. Do vậy chùa Cầu Đông - đình Đức Môn mang tên gắn với địa danh là Đông Môn (cửa phía đông).

1. Chùa Cầu Đông 

Chùa Cầu Đông hay Đông Môn Tự là ngôi chùa của làng Đông Hoa Môn. Tương truyền chùa có từ đầu thời Lý, đến thời Trần lại được Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung cho sửa sang. Tuy nhiên hiện nay chỉ lưu giữđược những tấm bia dựng nhân dịp chùa được trùng tu lớn vào các năm 1624, 1639, 1711, 1816 khắc ghi lại vị trí và quá trình xây chùa từ thời Lê Trung Hưng.

Vào đời Vĩnh Tộ (1619-1629) chưa có phố Hàng Đường, nhưng theo văn bia đã có đường cái đi qua chùa và phường Diên Hưng (nay là khu vực từ phố Hàng Ngang tới phố Hàng Đường). Trong văn bia “Đông Môn Tự Ký” do nhà sư Thích Đạo Án (thế danh Nguyễn Văn Hiệp) chủ trì tạo tác vào tháng 10 năm Vĩnh Tộ thứ 6 (1624) có mô tả việc mua đất của Tăng thống Đạo Tâm (thế danh Phạm Đức) để mở rộng chùa “Bốn phía thửa ruộng ấy: trên giáp cầu đá, dưới giáp phường Diên Hưng, phía trước giáp đường cái, phía sau giáp Đông Ngục”. Một số thư tịch cũ cũng ghi Diên Hưng là một phường buôn bán sầm uất của Thăng Long xưa, rất nhiều thương gia các nước như Hà Lan, Bồ Đào Nha, Anh và đông nhất là Trung Quốc đã đến đây.

Qua nhiều lần trùng tu chùa gần như vẫn giữ theo kiến trúc cũ, chủ yếu mang phong cách nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn, có thêm đài bia tưởng niệm liệt sỹ. Tam quan trông khá to cao so với khuôn viên hẹp của chùa, được xây kiểu hai tầng tám mái với gác chuông. Bố cục toà tam bảo vẫn theo hình chữ “Công”, gồm 5 gian tiền đường và 3 gian ống muống (thiêu hương) nối liền với 3 gian thượng điện thờ Phật. Bên trái chùa làđình Đức Môn cùng chung bức vách và khoảnh sân của tiền đường. Ngôi tháp 5 tầng vàđài liệt sĩđối diện nhau qua sân này. Sân nhỏ phía sau thượng điện dẫn tới nhà thờ Mẫu và nhà thờ Tổ, bên phải là nhà Tăng.

Ngoài các bia đá và quả chuông cổ đã kể ở trên, trong chùa Cầu Đông còn có gần 60 pho tượng tròn. So với các ngôi chùa khác trên địa bàn Hà Nội, số lượng tượng như thế là tương đối nhiều.

Trong chính điện có ba pho tượng Tam Thế được tạo tác vào nửa đầu thế kỷ 18, hình thức gần giống nhau. Đây là những cổ vật quý hiếm và đạt giá trị nghệ thuật cao. Tượng đeo vòng anh lạc, khuôn mặt như phụ nữ, mang phong cách tượng Phật thế kỷ 17-18 ở nước ta.

Trong điện còn có pho tượng Tuyết Sơn áo buông trên vai, lộ tấm thân gầy, nét mặt thanh tao, thoát tục, dáng vẻ gần với tượng Tuyết Sơn ở chùa Nành (Ninh Hiệp, Gia Lâm) và chùa Tây Phương (Thạch Thất). Ngoài ra cần kể đến các pho tượng khác như: Di Lặc, Quan Âm Thiên Thủ, các Thánh Mẫu... Đặc biệt, cuối hành lang hậu cung tại chùa Cầu Đông có một ban thờ tượng Trần Thủ Độ và phu nhân Trần Thị Dung.

2. Đình Đức Môn 

Đình Đức Môn và chùa Đông Môn đã tạo thành một tổng thể di tích trên một thửa đất liền khoảnh, theo lối “tả Thần - hữu Phật”. Đình thờ thần Ngô Văn Long, một tướng thời Hùng Vương thứ 18, có công lớn trong buổi đầu dựng nước và giữ nước.

Hiện nay trong đình còn tấm hoành phi ghi ba chữ “Đức Môn từ”, như vậy tiền thân của đình Đức Môn là ngôi đền Đức Môn, còn đôi câu đối đề:

“Hùng đồ thập bát thế, tả mệnh ngật kim Phật tử huân thần tiêu vĩ vọng

Đông quán sổ bách niên giáng thần nhị hậu kỳ tiêm giai mộng kỷ Thần hưu”. 

Dịch nghĩa:

 Giúp nước từ thời Hùng Vương thứ 18, con Phật tôi hiền nên công vĩ đại 

Giáng Thần ở Cầu Đông mấy trăm năm trước, thẻ ban mộng ứng ghi dấu uy linh.

Truyền thuyết về “Long thần” kể rằng: “Đời Hùng Duệ Vương 18 có một người tên là Ngô Văn Long sinh ra ở Nghệ An (không rõ vùng nào) có tài cung nỏ. Đến tuổi trưởng thành, ông thường tụ tập trai làng luyện tập võ bị. Bấy giờ ở Nghệ An có giặc Hồ Lư xâm chiếm, ông mang quân đi dẹp giặc, giặc tan. Sau đó, ông cùng các binh sĩ kéo ra đất Phong Châu, yết kiến vua Hùng. Hùng Duệ Vương thấy ông là người có công vì dân vì nước… bèn ban sắc phong làm tướng, rồi truyền cho ông đưa quân về trấn giữ vùng hạ lưu sông Hồng.

Thời kỳ Thục Phán nổi lên cướp ngôi vua Hùng, ông đã cùng Tản Viên mang quân chống lại. Về sau, ông về đóng ở ven Hồ Tây, rồi mất ở đó. Đến thời Lý Thái Tổ, nhà vua đã sắc phong cho ông hiệu “Long thần” và cho phép nhân dân thờ ông ở chùa Hàm Long (Hà Nội) cùng nhiều chùa khác. Tương truyền, sau đó ông đã hiện về âm phù cho Lê Lợi dẹp quân Minh ở nhiều nơi.

Kiến trúc đình Đức Môn gồm 3 nếp nhà song song để thông nhau, gồm 3 gian xây kiểu đầu hồi bít đốc. Tường bao kín bốn bề. Phía trước trổ cửa nách thông từ chùa Cầu Đông sang đình. Kiến trúc nghệ thuật đơn giản, bộ khung nhà thể hiện bằng các vì kèo tuột ở toà trung tế, đại đình và hậu cung. Khung mái thể hiện cuốn vòm, kiểu vỏ cua.

Những di vật quý hiếm còn bảo lưu trong đình Đức Môn và chùa Cầu Đông như: bộ sưu tập bia đá có niên đại từ: 1624, 1639, 1712, 1817 đã góp phần cung cấp tư liệu cho các nhà nghiên cứu sử học, tôn giáo vàđịa lý hiểu rõ hơn về mảnh đất ở phía đông thành Thăng Long - Hà Nội.

Chùa Cầu Đông, đình Đức Môn đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 05/9/1989.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,831,889