Thứ năm, 09/05/2024

Di tích cách mạng Trụ sở Báo tin tức

Di tích cách mạng 105 phố Phùng Hưng là trụ sở báo Tin tức, cơ quan ngôn luận công khai của Đảng năm 1938, nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. 

Với thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp do Đảng Cộng sản Pháp làm nòng cốt, Chính phủ Pháp buộc phải sửa đổi một phần chính sách cai trị, ban bố một số quyền tự do (như tự do ngôn luận, hội họp, lập nghiệp đoàn…) nhưng phải xin phép, đặc biệt thể lệ xin phép xuất bản sách báo được dễ dàng hơn trước, nếu xuất bản bằng tiếng Pháp thì không phải xin phép. Tháng 3/1937, Xứ uỷ Bắc Kỳ chính thức được thành lập. Đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) được phân công phụ trách công tác công khai và báo chí, vừa là xứ uỷ viên, vừa phụ trách bí thư chi bộ báo chí. Dưới sự lãnh đạo của Xứ uỷ, trực tiếp là chi bộ báo chí, những tờ báo tiếng Pháp và tiếng Việt của Đảng liên tiếp ra đời như tờ Le Travail, Rassemblement, En Avant, Notre voix, Hà Thành thời báo, Thời thế, Bạn dân, Thế giới…

Đến năm 1938, Hà Thành thời báo, Thời thế, Bạn dân, Thế giới lần lượt bị đóng cửa. Xứ uỷ và Thành uỷ Hà Nội quyết định ra tờ Tin tức làm cơ quan tuyên truyền và vận động thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương ở Hà Nội. Báo Tin tức do đồng chí Trường Chinh chỉ đạo, chủ bút Trần Huy Liệu, mỗi tuần ra 2 số, mỗi số 7.000 bản với danh nghĩa chính thức: Mặt trận bình dân. Số 1 ra ngày 2/4/1938, số cuối cùng (43) ra ngày 15/10/1938. Toà soạn gồm các đồng chí Trần Đình Long, Trần Huy Liệu, Văn Tân, Khuất Duy Tiến… Ban trị sự có đồng chí Nguyễn Văn Phúc và một số đồng chí khác.

Tin tức có nhiều thông tín viên, phần lớn là công nhân, thanh niên, học sinh Hà Nội và các tỉnh lân cận. Tin tức ra đời đúng vào lúc phong trào cách mạng đang lên mạnh đã góp phần vào cuộc đấu tranh đòi quyền tự do, dân chủ.

Báo Tin tức thường xuyên đưa những sự kiện nóng hổi lên mặt báo, như tin đấu tranh của công nhân hoả xa, tin đấu tranh của công nhân đồn điền Chatin, đám tang đồng chí Nguyễn Thế Rục, đám tang đồng chí Phan Thanh…

Toà soạn báo Tin tức còn là nơi tập trung một phần công tác tổ chức của Đảng, chính ở đây đã có những cuộc gặp gỡ của các chi bộ địa phương, nơi giới thiệu một số cơ sở bí mật của Đảng với quần chúng được giác ngộ cách mạng. Đây cũng là một địa điểm liên lạc của nhiều đồng chí trong Trung ương và Xứ uỷ như đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Tô Hiệu…

Giữa năm 1939, bọn phản động tay sai ra tay khủng bố cách mạng. Các đoàn thể nghiệp đoàn đều bị giải tán. Tin tức cũng như báo chí tiến bộ khác đều bị tịch thu, đóng cửa. Nhiều đồng chí bị bắt, tù đầy (Trần Huy Liệu, Trần Đình Long…).

Sau khi Tin tức bị đóng cửa, nhà 105 vẫn được giữ nguyên hiện trạng với các di vật có liên quan như tủ đứng, bàn gỗ, bộ xa lông, bàn vuông, quầy báo, ghế tựa, bàn làm việc.

Nhà số 105 phố Phùng Hưng – Trụ sở của báo “Tin tức” đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội gắn biển Lưu niệm Cách mạng kháng chiến.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,953,938