Thứ bảy, 27/04/2024

Cổng Ô Quan Chưởng

Đông Hà môn (cửa Đông Hà) - thường được gọi là Ô Quan Chưởng nằm ở cuối phố Ô Quan Chưởng nối liền với đầu phố Hàng Chiếu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Thời Lê, khu vực Ô Quan Chưởng thuộc thôn Thanh Hà, phường Đông Hà - một trong 36 phố phường ở phía đông kinh thành Thăng Long xưa. Như vậy, Đông Hà Môn là tên gọi chính xác nhất của cửa ô này. Tuy nhiên, nhân dân vẫn quen gọi là Ô Quan Chưởng vì có truyền thuyết rằng: Thứ nhất, vào cuối đời Lê có ông quan Chưởng ấn về hưu, lập tư dinh ở cạnh cửa ô này. Thứ hai, vào thời Nguyễn có viên quan Chưởng cơ kiểm soát cửa ô này. Thứ ba, vào năm 1873 giặc Pháp đánh thành Hà Nội có viên quan Chưởng vệ cùng binh lính dưới quyền đã chiến đấu anh dũng hy sinh ngay tại cửa ô này nên nhân dân gọi là Ô Quan Chưởng và từ đó đến nay đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân Thủ đô.

Công trình kiến trúc cổng Ô Quan Chưởng là kết quả của lần xây dựng vào năm Gia Long 3 (1804), theo kiến trúc dựng cổng theo kiểu “Vọng lâu”, một kiểu kiến trúc đặc trưng thời Nguyễn như ta thường thấy: kiến trúc gồm 2 tầng, tầng dưới có 3 cửa, tầng trên có Vọng lâu 4 mái, thu nhỏ hơn tầng dưới, xung quanh có lan can trang trí các hình lục lăng và tứ giác hay hoa thị.

Cửa chính nối thông hai phố Ô Quan Chưởng và Hàng Chiếu có chiều cao 3m, rộng gần 3m, được làm theo kiểu vòm cuốn. Hai cửa phụ cùng dạng, tạo lối đi trên vỉa hè, rộng 1,65m, cao 2,5m. Toàn bộ cổng có chiều rộng hơn 20m, dày 7m, được xây bằng gạch vồ, đá, kích thước khá lớn, tương tự như loại xây tường ở Văn Miếu Quốc Tử Giám. Mặt trước, phía đông trên cửa, thẳng dưới Vọng lâu, được xây trát khung hình chữ nhật có đắp nổi 3 chữ Hán bằng mảnh sứ màu xanh “Đông Hà Môn”. Mặt sau quay ra phố Hàng Chiếu, có tấm biển đá cỡ 0,8m x 1m được gắn trên tường, đây là tấm bia “Thân cấm khư tệ” (Lệnh cấm trừ tệ) được lập vào ngày 12/4/1881 (Tự Đức thứ 34) trong đó ghi lệnh sức của Tổng đốc Hà Ninh (Hoàng Diệu) và Tuần phủ Hà Nội (Hoàng Văn Xứng) cấm lý dịch các thôn, phường gây khó dễ, sách nhiễu dân chúng khi họ có việc nhà, khi đi lại buôn bán, làm ăn trên sông, ở chợ… Có lẽ đây là hiện vật duy nhất thuộc loại này mà hiện nay chúng ta có tại di tích này.

“Đông Hà môn” là tên gọi của một cửa vòng ngoài của kinh thành Thăng Long xưa, lại là cửa ra bến sông Hồng, nên suốt trong mấy thế kỷ thời phong kiến, chắc chắn chiếm một vị trí quan trọng đối với việc giao lưu buôn bán và phòng chống quân xâm lược.

Trải qua tháng năm với bao thăng trầm của lịch sử đất nước, kinh thành Thăng Long xưa không còn. Những dấu tích xưa còn lại Thành cổ Hà Nội với thềm Điện Kính Thiên, Đoan Môn, Cửa Bắc, Hậu Lâu. Các cửa ô duy nhất chỉ còn lại là cửa Đông Hà - Ô Quan Chưởng, đó là minh chứng cho “Thăng Long 36 phố phường”. Nằm trong khu phố cổ Hà Nội ngày nay, cổng Ô Quan Chưởng là di tích lịch sử đã được xếp hạng cấp Quốc gia ngày 5/9/1994.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,836,358