Thứ sáu, 26/04/2024

Chùa Quán Sứ – Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Chùa Quán Sứ toạ lạc tại số 73 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Phố Quán Sứ trước đây thuộc thôn An Tập, huyện Thọ Xương, thành Thăng Long. Thời Lê, thôn An Tập thuộc Tổng Nội, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên.

Theo chú thích bản đồ Hồng Đức thành Thăng Long thời Hậu Lê thì chùa Quán Sứ là một trong bốn di tích tiêu biểu ở cửa Nam kinh thành Thăng Long là: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Khâm Thiên Giám, đền Nam Giao, chùa Quán Sứ.

Chùa Quán Sứ được xây dựng vào thế kỷ 15. Nguyên ngày xưa ở phường Cổ Vũ chưa có chùa, chỉ có mấy gian nhà tranh ở phía Nam, dân làng dùng làm chỗ tế thần cầu yên gọi là xóm An Tập. Theo sách Hoàng Lê nhất thống chí, vào thời vua Lê Thế Tông, các nước Chiêm ThànhAi Lao thường cử sứ giả sang triều cống Việt Nam. Nhà vua cho dựng một tòa nhà gọi là Quán Sứ để tiếp đón các sứ thần đến Thăng Long. Vì sứ thần các nước này đều sùng đạo Phật nên lại dựng thêm một ngôi chùa cũng nằm trong khuôn viên Quán Sứ để họ có điều kiện hành lễ. Thời gian đã xóa đi dấu ấn khu nhà Quán Sứ nhưng ngôi chùa thì vẫn tồn tại. Chùa hiện còn tấm bia dựng năm Thiệu Trị II (1842) do Lê Duy Trung soạn có ghi: “…Tiền đường thờ Phật, Hậu đường thờ Lý Quốc Sư. Đầu đời Gia Long đổi ra Bắc Thành chia đặt các đồn quân. Chùa ở giáp đồn hậu quân”.

Chùa được xây dựng trong một không gian rộng thoáng, quay hướng Tây nhìn ra phố Quán Sứ. Các công trình kiến trúc của chùa gồm: cổng Tam quan, gác chuông, Tiền đường, Thượng điện, hai nhà Dải vũ, nhà thờ Tổ. 

Cổng Tam quan gác chuông xây bằng gạch kiểu chồng diêm ba tầng, mái lợp giả ngói ống. Chùa chính được xây trên nền cao hơn mặt sân 1,8 m, từ sân lên nền nhà xây 12 bậc bó vỉa bằng xi măng. Nhà Tiền đường xây kiểu nhà mái chồng diêm, mái lợp giả ngói ống. Nhà Thượng điện 4 gian xây nối với gian giữa tiền đường chạy dọc về phía sau, mái lợp giả ngói ống. Hai hồi gian cuối của gian Thượng điện nối với hai gian bên, một bên để thờ Lý Quốc Sư, một bên thờ Già Lam Chân Tể. Nhà thờ Tổ phía sau xây hai tầng, mái lợp ngói Tây. Tầng trên là nơi thờ Tổ, tầng dưới là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hai bên sân và hai hồi chùa là hai dãy nhà tả hữu vu xây kiểu nhà hai tầng, lợp ngói ta mũi hài. Dãy nhà bên tả là Văn phòng Hội đồng chứng minh và Văn phòng Giáo hội. Tầng hai nhà bên hữu là Văn phòng Hội Nghiên cứu Phật học và Văn phòng Hội đồng trị sự Trung ương. Gian bên trái tiền đường đặt ban thờ tượng Quan âm chuẩn đề, gian bên phải đặt ban thờ tượng Thánh tăng. Chính giữa là hệ thống 4 lớp tượng pháp: Ba pho tượng Tam thế (quá khứ, hiện tại và tương lai); Tượng A Di Đà tư thế ngồi thiền trên tòa sen; Chính giữa tượng Thích Ca niêm hoa, hai bên là tượng Bồ Tát; Tòa Cửu Long và Phật Thích ca sơ sinh.

Tại chùa còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị nghệ thuật cao của thế kỷ 18, 19, 20 như: 27 pho tượng tròn được tạo tác công phu tinh xảo phủ thiếp vàng lộng lẫy, 8 tấm bia hậu trong đó có 1 tấm bia niên hiệu Tự Đức 8 (1855), hai tấm bia niên hiệu Tự Đức 29 (1876), 4 tấm bia niên hiệu Tự Đức 34 (1881), 13 đôi câu đối sơn son thếp vàng, 5 quả chuông đồng kích thước lớn nhỏ khác nhau cùng nhiều đồ thờ tự khác như: cửa võng, cuốn thư, y môn, hương án… 

Gần đây, tại gian Quan âm của chùa trưng bày trong tủ kính pho tượng (được làm bằng sáp với kích cỡ như người thật) Hoà thượng Thích Thanh Tứ, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 

Năm 1934, Phật giáo Bắc Kỳ đóng Hội quán tại chùa. Tới năm 1942, Hội Phật giáo Việt Nam ra đời lấy chùa Quán Sứ làm trụ sở Trung ương Hội, nên đã xây dựng lại chùa khang trang và có tính hiện đại như ngày nay. Trải qua thời gian dài tồn tại, chùa đã trùng tu sửa chữa nhiều lần. Sau đợt trùng tu năm 1942, đến năm 1994 trùng tu nhà thờ Tổ và hai dãy nhà Giải vũ phía ngoài.

Chùa Quán Sứ là một trong rất ít ngôi chùa ở Việt Nam mà tên chùa cũng như nhiều câu đối đều được viết bằng chữ quốc ngữ. Hiện tại, chùa là trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngôi Quốc tự chung của các thiện nam tín nữ trên đất Việt. Phân viện Nghiên cứu Phật học thuộc Giáo hội và văn phòng tổ chức Phật giáo Châu Á vì hòa bình (ở Việt Nam) cũng đặt ở đây.

Nửa thế kỷ qua, chùa Quán Sứ đã chứng kiến nhiều hoạt động quan trọng của Phật giáo Việt Nam, trong đó có sự thống nhất tổ chức Phật giáo trong nước và sự hòa nhập của Phật giáo Việt Nam với Phật giáo thế giới. Chính nơi đây vào ngày 13 tháng 5 năm 1951 (mồng 8 tháng Tư năm Tân Mão) lần đầu tiên lá cờ Phật giáo thế giới do Thượng tọa Tố Liên mang về từ Colombo đã xuất hiện trên bầu trời Hà Nội.

Chùa Quán Sứ là di tích có vị trí quan trọng trong việc nghiên cứu, tìm hiểu các giá trị văn hóa đặc sắc của kinh thành Thăng Long xưa qua các triều đại.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,834,135