Thứ sáu, 26/04/2024

Chợ Đồng Xuân

Chợ Đồng Xuân là một trong những chợ lớn nhất tại Hà Nội, trong khu phố cổ Hà Nội. Chợ có lịch sử tồn tại hàng trăm năm từ thời phong kiến nhà Nguyễn.

Chợ Đồng Xuân nằm trong khu phố cổ, phía tây là phố Đồng Xuân, phía bắc là phố Hàng Khoai, phía nam là phố Cầu Đông, phía đông là ngõ chợ Đồng Xuân. Cổng chợ nhìn sang phía tây, phía trước là một khoảng trống nhỏ. Phía Bắc có quán Huyền Thiên - sau đổi thành chùa Huyền Thiên. Ngay sát sau chợ là chợ Bắc Qua. Người dân họp chợ trên hai khu đất ở cạnh chùa Cầu Đông ở phố Hàng Đường và cạnh đền Bạch Mã ở phố Hàng Buồm vì hai khu đất đó gần bến sông, tiện cho thuyền đi lại. Vì vậy nhiều người gọi cả hai là chợ Đồng Xuân - Bắc Qua.

Trong thời gian xây dựng lại thành Thăng Long vào mùa hạ năm Giáp Tí (1804), Tổng trấn Nguyễn Văn Thành đã cho đặt ngôi chợ lớn ở cửa chính đông, hay còn gọi là chợ Đồng Xuân ngày nay.

Sau khi trở thành nhượng địa của Pháp năm 1888, khi những dấu tích cuối của sông Tô Lịch và hồ Thái Cực bị lấp hoàn toàn, đốc lý Landes Charles (nắm quyền từ 08/6/1899 đến 15/01/1890) ra quyết định xóa bỏ hai ngôi chợ cũ của Hà Nội vốn họp cạnh đền Bạch Mã và Cầu Đông, dồn tất cả về họp ở chợ nhỏ nằm trước cửa đền Huyền Thiên, thuộc phường Đồng Xuân. Năm 1889 có tên là chợ Mới, nhưng năm 1890 đổi thành Đồng Xuân. Trong năm đầu tiên chợ họp ngoài trời, hoặc có che mái lá giống như hai chợ cũ.

Ban đầu, chợ họp ngoài trời, diện tích chợ nhỏ rồi sau đó lan ra phố Hàng Khoai, Hàng Gạo. Tuy là chợ hàng ngày nhưng mỗi tháng có một phiên họp vào ngày đầu tháng âm lịch, chợ phiên đông đúc kẻ mua người bán hơn ngày thường do bà con các vùng ngoại thành mang bán các loại cây giống, súc vật giống như lợn, chó, mèo... Vì số người mua bán quá đông nên chính quyền thành phố cho phép tràn sang khu đất mới lấp. Để bắt tất cả kẻ mua người bán phải vào chợ và không chiếm đường đi của các phố xung quanh, đồng thời không bỏ sót thuế, chính quyền cho quây xung quanh bằng rào tre với diện tích khoảng 10.000 mét vuông. Chợ Đồng Xuân ban đầu không có hàng lối, những người bán cùng mặt hàng tự ngồi gần nhau để dễ bán dễ mua. Thấy thuế chợ Đồng Xuân là nguồn thu lớn nhất cho ngân sách nên Landes Charles quyết định nâng chợ phiên từ tháng một lần lên hai lần, đồng thời cho xây lại chợ. Khung chợ đúc bằng gang chuyển từ Pháp sang và có năm bộ kèo, mỗi bộ dài 52 mét, cao 19 mét, mái lợp bằng tôn để che mưa che nắng. Năm 1892, trong kế hoạch xây dựng lại khu vực phố cổ để Hà Nội văn minh hơn, chính quyền thành phố đã cho xây tường ở mặt cổng ra vào và đến năm 1893 thì xây tường bao xung quanh. Vào chợ có ba lối, cổng chính là mặt phố Đồng Xuân hiện nay với ba cổng, cổng bên ở phố Hàng Khoai và một cổng ở phố Hàng Chiếu. Đồng Xuân trở thành chợ lớn nhất Bắc Kỳ vừa bán lẻ vừa bán buôn cho người các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra.

Cuối thế kỷ XIX, chợ Đồng Xuân không chỉ có các mặt hàng sản xuất trong nước mà chợ bán rất nhiều hàng hóa tiêu dùng nhập từ nước ngoài, trong đó có táo, lê nhập từ San Fransico (Mỹ), vải từ Anh, hàng tiêu dùng từ Pháp, Hồng Kông và Thượng Hải (Trung Quốc), nên người ta bắt đầu chia thành từng dãy, đồng thời quy định cụ thể khu vực này bán hàng gì, khu vực kia bán hàng gì. Thẳng cổng chính là dãy bán vải, bên trái là bán hoa quả, kế đó là bán tạp hóa rồi đến các quầy bán thịt, rau, đồ sắt, ăn uống và có cả khu vực dành cho những người xem bói. Trong bài hát xẩm Vui nhất là chợ Đồng Xuân, người ta liệt kê ra rất cụ thể chuyện này:

... Vui nhất có chợ Đồng Xuân

Mùa nào thức nấy xa gần xem mua

Cổng giữa có chị bán dừa

Hàng cau, hàng quýt, hàng dưa, hàng hồng

Ai ơi đứng lại mà trông

Hàng vóc hàng nhiễu thong dong mượt mà

Ngoài chợ có chị hàng hoa

Có người đổi bạc đi ra đi vào

Nào hàng bún nấu bán rao...

Đầu thế kỷ XX, rau quả từ Đà Lạt chuyển ra theo tàu hỏa, su hào, bắp cải từ Sapa chuyển về bằng ô tô và nhiều mặt hàng sản xuất từ Sài Gòn chuyển ra như xà phòng Cô Ba, nước hoa, rồi bàn chải, dầu nóng... Vì là chợ lớn, lại đầy đủ các mặt hàng nên sáng sáng đàn bà con gái người Pháp, Nhật, Ấn... và me Tây, muốn mua sắm gì đều phải lên Đồng Xuân.

Phục vụ cho những người bán hàng và mua hàng là những đội bâté (phu chuyên mang vác thuê). Trong bộ sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn viết: “Các phường bâté này là trẻ em cả trai lẫn gái dưới 16 tuổi chuyên cắp rổ theo người đi chợ, họ mua cái gì thì bỏ vào rổ của chúng, sau khi mua đủ chúng sẽ mang ra xe cho họ và nhận tiền boa".

Do hội tụ được đủ các yếu tố thuận lợi về giao thông và dân cư, đặc biệt từ khi người Pháp xây dựng xong Cầu Long Biên cùng với việc duy trì các phố buôn bán và sản xuất hàng thủ công truyền thống như Hàng Chiếu, Hàng Giấy, Hàng Đậu... Nằm trong khu phố cổ gần bến sông và trung tâm đầu mối của các mặt hàng nông sản nên chợ nhanh chóng trở thành điểm buôn bán sầm uất thu hút sự chú ý của giới thương nhân trong và ngoài nước.

Không chỉ là nơi buôn bán huyên náo, nhộn nhịp, chợ Đồng Xuân còn chứa đựng nhiều giá trị văn hoá, tinh thần phản ánh cuộc sống, sinh hoạt của người dân kẻ chợ xưa và trở thành một góc của Hà thành, là điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách khi dừng chân ở Hà Nội. Nói như nhà văn Băng Sơn: "Ai có dịp về Hà Nội, nếu chưa đi chợ Đồng Xuân thì coi như mới biết một phần nhỏ, một góc bé, hoặc chưa đến Hà Nội”.

Từ sau ngày quân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản Hà Nội, chợ Đồng Xuân là chợ lớn nhất thành phố Hà Nội. Vào khoảng năm 1990, chợ được xây dựng lại, phá bỏ hai dãy hai bên, ba dãy giữa xây lên ba tầng. Hai tấm cửa hai bên cũng bị dỡ, nhưng vẫn còn giữ hai cột ngoài cùng.

Năm 1994, chợ Đồng Xuân đã bị hỏa hoạn, lửa thiêu trụi gần như toàn bộ các gian hàng trong chợ. Sau đó, chợ đươc xây dựng lại.

Chợ Đồng Xuân là chợ đầu mối chủ yếu dành cho bán buôn. Tuy nhiên dạo quanh trong chợ, người mua vẫn tìm được cho mình những quầy hàng bán lẻ. Bên trong, chợ được chia làm 3 tầng chủ yếu với đầy đủ các mặt hàng thiết yếu, gồm:

- Tầng trệt: Ngay từ cửa vào là những hàng bán quần áo, kính râm, giày dép, vali cho đến đồ điện tử như điện thoại, cáp sạc, pin sạc, đèn pin siêu sáng, loa, đài radio... nhưng chủ yếu là những mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc.

- Tầng 2: Là khu vực bán buôn bán lẻ quần áo cho người lớn và các loại vải vóc, gấm, lụa...

- Tầng 3: Chủ yếu người ta bán đồ dành cho trẻ sơ sinh...

Phía sau chợ có các hàng bán chim thú cảnh. Hàng thực phẩm và ăn uống chủ yếu bán ở chợ Bắc Qua. Phía Bắc của chợ, là các hàng ăn, phục vụ khách cả ăn đêm. Xung quanh chợ lúc nào cũng đông đúc nhộn nhịp. Hàng hóa từ đây vận chuyển đi khắp các tỉnh phía Bắc.

Có lịch sử hình thành từ thời Nguyễn, ngôi nhà chợ ngày nay buôn bán đủ mọi mặt hàng từ quần áo, giày dép, đồ gia dụng, đến thức ăn được chính quyền Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ XIX. Nhưng hầu hết khách du lịch tìm đến chợ để tham quan hơn là mua sắm thật sự.

Như hầu hết mọi ngôi chợ trên cả nước, có rất nhiều thứ thú vị chờ du khách khám phá. Và nhớ xem kỹ nhãn hiệu trước khi mua bất kỳ món hàng có thương hiệu nào. Nhớ trả giá nếu sạp không có bảng thông báo miễn mặc cả. Và hãy nhẹ nhàng, từ tốn khi trả giá để tránh những phiền toái không đáng có.

Tuy tham quan chợ luôn thú vị, hãy nhớ rằng nhiều món hàng sẽ khó có thể mang về bằng đường hàng không hoặc phải ký gửi hành lý. Tuy nhiên, trong chợ có vài sạp bán những sản phẩm thủ công truyền thống hoặc quà lưu niệm và đây có thể là lựa chọn phù hợp cho du khách.

Chợ Đồng Xuân còn là di tích lịch sử nổi tiếng với những trang vàng oanh liệt. Nổi bật là sự kiện Hà Nội "60 ngày đêm khói lửa"; Trận đánh Chợ Đồng Xuân ngày 14/02/1947 là điểm du lịch thú mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quan, mua bán tại chợ. Ở góc tây bắc của chợ có đài Cảm Tử để kỉ niệm ngày Toàn quốc kháng chiến diễn ra vào năm 1946.

Thực hiện chủ trương phát triển thương mại - du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan mua bán của du khách trong và ngoài nước ngày một tăng cao, Công ty cổ phần Đồng Xuân đã khai trương chợ đêm Đồng Xuân, kết nối với tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân tạo thành chuỗi chợ đêm kéo dài từ bờ hồ Hoàn Kiếm đến chợ Đồng Xuân. Tại đây, vào các tối thứ Bảy hàng tuần tổ chức biểu diễn văn nghệ dân gian "Hà thành 36 phố phường". Năm 2010, khai trương tuyến xe ô tô điện chở khách du lịch tham quan khu phố cổ Hà Nội. Tuyến du lịch đi qua 28 tuyến phố thương mại, phố nghề, phố ẩm thực và 121 di tích lịch sử văn hóa - lịch sử cách mạng, 859 công trình kiến trúc có giá trị.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,832,187