Thứ bảy, 04/05/2024

Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây

10

10

10

Ngôi nhà 87 Mã Mây được xây dựng vào đầu thế kỷ 19 theo kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam với chức năng sử dụng để ở và bán hàng.

Gia chủ nhà 87 Mã Mây trước năm 1945 ở đây và bán hàng gạo, sau năm 1945 đã bán lại cho một gia đình người Hoa ở và bán thuốc Bắc. Năm 1954, gia đình người Hoa di cư vào Nam, để lại ngôi nhà dưới sự quản lý của nhà nước. Năm 1954, Sở Nhà đất bố trí cho 5 gia đình đến sinh sống tại ngôi nhà này.

Ngôi nhà đã được cải tạo làm thí điểm năm 1999 với sự hợp tác giữa thành phố Hà Nội (Việt Nam) và thành phố Toulouse (Cộng hòa Pháp) trong dự án “Bảo tồn, tôn tạo phố cổ Hà nội”. Hiện nay, ngôi nhà 87 Mã Mây là ngôi nhà mẫu của ngôi nhà di sản truyền thống trong khu phố cổ Hà Nội. 

Ngôi nhà có diện tích là 157,6 m2, được xây dựng vuông góc với đường phố; có chiều dài đất là 28m, chiều rộng mặt tiền 5m và chiều rộng của mặt hậu là 6m. Vì vậy hình thức của miếng đất là "nở hậu", mảnh đất "nở hậu" như vậy sẽ mang lại phúc lộc về hậu vận. Mặt bằng có cơ cấu không gian kiến trúc kiểu nhà truyền thống phố cổ Hà Nội, đó là: Nhà 1 - Sân 1 - Nhà 2 - Sân 2 - Bếp - Nhà 3 (vệ sinh, kho).

Như vậy không gian kiến trúc của ngôi nhà được phân chia bởi từng lớp nhà và sân: Lớp nhà ngoài (lớp nhà 1): tầng 1 để bán hàng, tầng 2 gian tiếp khách và gian thờ. Lớp nhà trong (lớp nhà 2): tầng 1 gồm nơi cất giữ hàng hoá và nơi dành cho người giúp việc; tầng 2 là phòng ngủ của chủ nhà với hiên trước có mái là nơi ngồi uống trà hay chơi cờ tướng của gia chủ và hiên sau là sân phơi thuốc bắc. Hai lớp nhà này được cách nhau bằng sân rộng để lấy ánh sáng và thông thoáng cho toàn bộ ngôi nhà. Ở sân thứ nhất (sân 1, được gọi là sân khô), gia chủ trang trí bằng các chậu cây cảnh bonsai để mang thêm nét thiên nhiên vào không gian nhà. Sân thứ 2: một phần có mái che là nơi nấu nướng (bếp), phần còn lại của sân là bể chứa nước mưa và sân để giặt giũ (được gọi là sân nước). Lớp nhà trong cùng (lớp nhà 3) là khu phụ gồm vệ sinh và kho.

Với cách bài trí không gian như vậy ngôi nhà hình ống này có điều kiện tiện nghi rất tốt về thông gió và lấy sáng. Đây là một trong những ưu điểm lớn trong việc bố cục không gian nhà ở truyền thống Việt Nam nói chung và của phố cổ Hà Nội nói riêng trong việc thích nghi và phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương.

Kết cấu chịu lực chính của ngôi nhà là gỗ, gồm hệ thống cột gỗ và dầm gỗ vì kèo gỗ tạo nên. Tường bao là tường gạch với kỹ thuật xây dựng truyền thống (gạch đặc, đúc thủ công, xây bằng vữa vôi: vôi và cát, không sử dụng xi măng). Hệ thống kết cấu mái là hệ thống vì kèo gỗ theo kiểu nhà dân gian truyền thống (chồng rường). Mái dốc 2 phía được lợp bằng ngói ta, 2 lớp ngói: lớp ngói lót là ngói chiếu và lớp ngói trên là ngói mũi hài. 

Phần nội thất của ngôi nhà được bài trí bởi đồ gỗ cổ đặc biệt là phòng khách và phòng ngủ. Với ý nghĩa phòng khách là nơi trang trọng nên gia chủ đã đặt bàn thờ tổ tiên với hoành phi câu đối và bộ trường kỷ tiếp khách; trên tường treo bộ tứ quý khắc gỗ. Phòng ngủ cũng được bài trí một cách cẩn thận, gọn gàng để tiết kiệm diện tích với bộ sập gụ, tủ chè và 1 bộ bàn ghế để gia chủ uống nước, ăn và tiếp khách thân thiết. Phía trước và phía sau phòng ngủ có hiên và sân trời là nơi gia chủ ngồi uống trà hay chơi cờ tướng.

Hiện nay, ngôi nhà trở thành điểm thông tin, tuyên truyền giới thiệu đến người dân và du khách về kiến trúc, cách bảo tồn, tôn tạo ngôi nhà phố cổ của người Việt trong khu phố cổ Hà Nội đồng thời là dịp được hiểu sâu hơn về nếp sống, sinh hoạt của người Hà Nội xưa.

Ngôi nhà 87 Mã Mây đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di sản văn hóa kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 18/02/2004.

10

10

10


Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,911,510