Thứ sáu, 29/03/2024

Kim Hoàn Hàng Bạc

10

10

10

Phố Hàng Bạc dài 280m, từ cuối phố Hàng Mắm - ngã ba với phố Mã Mây, chạy ngang qua ngã tư với phố Tạ Hiện - Đinh Liệt, đến chỗ giáp ranh hai phố Hàng Đào - Hàng Ngang. Trước kia, đây là đất phường Đông Các, sau là các thôn Đông Thọ, Dũng Hãn, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương cũ.

Trước đây ở Kinh đô Thăng Long, làng nghề Định Công nổi tiếng với các thợ kim hoàn làm nghề vàng bạc. Ông tổ nghề Kim hoàn làng nghề Định Công là ba anh em: Trần Hoà, Trần Điện và Trần Điền cùng nhau mở cửa hàng vàng bạc lấy tên là: “Kim hoàn”. Ba anh em đã truyền dạy nghề làm vàng bạc cho dân làng Định Công đời này qua đời khác, về sau rủ nhau ra phường Đông Các (nay là phố Hàng Bạc) để hành nghề. Vào thời điểm đó, tại phố Hàng Bạc đã có những thợ kim hoàn của các vùng khác đến giao lưu mua bán là thợ bạc Đồng Xâm và thợ bạc Châu Khê

Phố Hàng Bạc trước đây có xưởng đúc bạc nén (số nhà 58), do yêu cầu cần có chỗ giao dịch họ đã lập thêm đình Thượng ở số nhà 50 (đình Trương Thị) và đình Hạ ở số 42 (đình Kim Ngân) - ngày xưa là Ty quan (cơ quan đại diện của triều đình) thu nhận bạc nén thành phẩm. Đầu thế kỷ 20, phố Hàng Bạc vẫn là một phố cổ với 2 dãy nhà chồng diêm và những hiệu thợ bạc mà thiết bị và bài trí giống hệt nhau: một tủ kính con treo vài vòng khánh, ống vôi, xà tích bạc với một số dụng cụ đơn giản như cái bễ hơi, cái đe, búa, kìm, rũa, kéo, vài mảnh nồi đất, hòn gạch nung, đất nung đủ cho người thợ thủ công vàng bạc làm ra những sản phẩm mỹ nghệ làm đẹp cho đời được mọi người nhất là lớp quý tộc yêu thích. Ngày nay phố nghề Hàng Bạc vẫn giữ được nét cổ xưa cùng với nhiều của hàng, cửa hiệu buôn bán và làm nghề vàng bạc truyền thống. Ngoài lớp nghệ nhân kim hoàn có kinh nghiệm hàng mấy chục năm là đông đảo thế hệ các thợ trẻ xuất thân từ các làng nghề kim hoàn truyền thống như: Châu Khê (tỉnh Hải Dương), Định Công (thành phố Hà Nội), Đồng Xâm (tỉnh Thái Bình). 

Với đồ nghề thủ công, cùng với đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, sáng tạo và tỉ mỉ, người thợ kim hoàn phố Hàng Bạc đã làm nên những sản phẩm vàng bạc có độ tinh xảo cao, nhất là đồ trang sức. Trong thuật ngữ chuyên môn, người ta phân biệt các sản phẩm này thành hai loại: đồ trơn (không chạm khắc) như nhẫn, khuyên tai cho phụ nữ, vòng xuyến cho phụ nữ hoặc trẻ em và đồ chạm (có chạm, khắc). Người thợ kim hoàn ở Hàng Bạc thường chạm khắc trên các đồ vàng bạc theo các mẫu trang trí nhất định. Tứ linh (long, ly- còn gọi là lân, quy, phượng) là loại mẫu phổ biến nhất. Trên các đồ vàng, bạc, ta còn thấy người thợ kim hoàn chạm trổ hình ảnh con người, hoặc hình ảnh các loại cây mà theo quan niệm phương đông thì đó là tượng trưng cho những phẩm chất cao quý của người quân tử: trúc, mai, lan, cúc... Nói chung ở bất kỳ đồ vàng bạc chạm khắc hoặc đồ nữ trang nào người ta đều dễ nhận thấy hai đặc điểm nổi bật: tạo dáng nghệ thuật và tạo văn (nét chìm, nổi) tinh xảo, sinh động.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến nay nghề Kim hoàn vẫn tồn tại và phát triển đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ng­ười dân ở các địa ph­ương có nghề. Hàng năm, quận Hoàn Kiếm tổ chức Lễ hội nghề Kim hoàn vào tháng giêng âm lịch nhằm tái hiện và phản ánh đậm nét văn hóa truyền thống Thăng Long - Hà Nội, thể hiện đạo lý uống nước, nhớ nguồn, đền ơn, đáp nghĩa vinh danh ông Tổ nghề Kim hoàn.

 10 10 10

10

10

10


Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,544,168