Thứ bảy, 20/04/2024

Tơ lụa Hàng Gai

10

10

10

Phố Hàng Gai dài 250m, từ góc Hàng Đào, cạnh Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục đến ngã tư Hàng Hòm - Hàng Trống, nối với phố Hàng Bông, cắt ngang phố Lương Văn Can. Phố Hàng Gai nguyên là đất phường Đông Hà (nửa phố phía Đông) và phố Cổ Vũ (nửa phố phía Tây), đều thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi thành tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Thời Pháp thuộc vẫn gọi là Hàng Gai (Rue du Chanvre), tên dân gian gọi là phố Hàng Thừng. Đoạn đầu phố đến ngõ Tô Tịch, xưa gọi là phố Hàng Tiện. Trên phố này có hai ngôi đình là đình Đông Hà ở số nhà 46 thờ Quý Minh là một người con của Sơn Tinh, có công chống Thủy Tinh và đình Cổ Vũ ở số nhà 85 thờ Bạch Mã cùng Linh Lang.

Trước kia nhà trong phố chỉ là những ngôi nhà cổ một tầng, hoặc có gác thì cũng là gác xép gọi là kiểu “chồng diêm”, không có cửa sổ hoặc chỉ trổ một cửa sổ nhỏ trông xuống đường. Mặt ngoài nhà đóng cửa lùa. Nhà thường hẹp bề mặt nhưng ăn sâu vào trong, có nhiều lớp, cách nhau là những khoảng sân vuông. Lớp trong đôi khi có nhà gác, có nhà cầu, có vườn hoa cây cảnh, cổng sau thông ra ngõ hoặc phố khác.

Từ xưa, Hà Nội đã là nơi nuôi dưỡng cho biết bao nghệ nhân tài danh, cũng là nơi hội tụ tinh hoa của làng nghề thủ công ở khắp mọi miền đất nước. Phố nghề Hà Nội chính là cái cầu nối giữa sản xuất ở làng, mang ra phố tiêu thụ. Khoảng thập niên đầu thế kỷ 20, những thợ thủ công tiện gỗ, làm thừng gai phố Hàng Gai nhường chỗ cho những nhà buôn nhiều vốn hơn; chính từ lẽ đó phố Hàng Gai không nổi tiếng về hàng tiện và hàng dây gai mà lại được nhắc nhở đến nhiều về nghề in sách mộc bản và nghề buôn tơ lụa. Từ đó đến nay phố Hàng Gai thành phố chuyên bán các sản phẩm được sản xuất từ tơ lụa, vải vóc.

Phố Hàng Gai vẫn giữ được truyền thống phố “tơ, lụa”, trên phố có 120 cửa hàng kinh doanh, trong số đó có trên 75% hộ gia đình kinh doanh tơ lụa hoặc hàng hóa và dịch vụ kết hợp mặt hàng tơ lụa với nhiều cửa hàng hàng đầu về tơ lụa, quần áo thời trang, sản phẩm thêu tay mang tính truyền thống hết sức độc đáo và mới lạ, hay những mặt hàng thủ công mỹ nghệ theo phong cách dân tộc thiểu số, những phòng tranh giới thiệu tranh giấy dó cổ truyền, tranh sơn dầu… Trong những năm gần đây, những cửa hàng này không chỉ kinh doanh những đồ tơ lụa may sẵn thuần túy mà đã có những mặt hàng mang nét riêng cho  mình, như: Cự Thành chuyên về vải, Hoa Silk chuyên về khăn lụa, Kelly Silk chuyên may đo nóng, Khải Silk luôn hấp dẫn bởi những thiết kế Âu hóa trên nền chất liệu Á Đông. De Maison với biểu tượng thuyền buồm luôn dành tặng cho thượng khách những phụ kiện trang phục hay đồ lưu niệm thật ấn tượng bất ngờ. Thảo Silk mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm cao cấp như vải lụa, quần áo, khăn và cà vạt được tạo nên từ những bàn tay khéo léo, tỉ mẩn của những nghệ nhân từ khắp các làng lụa trên Việt Nam như Vạn Phúc, Bảo Lộc... 

Nhằm khôi phục bảo tồn làng nghề, phố nghề, phát triển kinh doanh, UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển (trường Đại học Kinh tế Quốc dân) xây dựng đề án phố Hàng Gai là phố chuyên doanh hàng tơ lụa, đảm bảo trên 70% đơn vị chuyên doanh hàng tơ lụa, số còn lại kinh doanh hàng hóa dịch vụ liên quan đến tơ lụa. Tất cả, luôn lưu giữ trong mình tinh hoa của làng nghề truyền thống Việt Nam. 

Là phố tơ lụa, Hàng Gai đã trở thành con phố đẹp, sầm uất bậc nhất Hà Nội với những cửa hàng tơ lụa san sát, thuận tiện cho việc mua sắm của du khách trong và ngoài nước mỗi lần đến thăm Hà Nội. Qua đó góp phần khôi phục phố nghề, phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh du lịch của quận Hoàn Kiếm và Thủ đô.

10

10

10


Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,770,697