Thứ bảy, 27/04/2024

Kênh doanh nghiệp / / Ý NGHĨA VÀ CÂU CHUYỆN ĐẰNG SAU NHỮNG BIỂU TƯỢNG TẠI ĐỀN BẠCH MÃ

Ý NGHĨA VÀ CÂU CHUYỆN ĐẰNG SAU NHỮNG BIỂU TƯỢNG TẠI ĐỀN BẠCH MÃ

Là một trong những đền thờ được xây dựng có niên đại khá sớm tại Hà Nội, đền Bạch Mã mang nhiều ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật. Đặc biệt đền Bạch Mã còn là một trong bốn “Tứ trấn Thăng Long” vì vậy tầm quan trọng của đền đối với đời sống tín ngưỡng người dân Hà Nội vô cùng quan trọng.

Là một trong những đền thờ được xây dựng có niên đại khá sớm tại Hà Nội, đền Bạch Mã mang nhiều ý nghĩa về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật. Đặc biệt đền Bạch Mã còn là một trong bốn “Tứ trấn Thăng Long” vì vậy tầm quan trọng của đền đối với đời sống tín ngưỡng người dân Hà Nội vô cùng quan trọng. Tham quan đền Bạch Mã, các du khách không chỉ được biết thêm về những thông tin lịch sử bổ ích mà đây còn là nơi để ta tìm hiểu thêm về các ý nghĩa của biểu tượng văn hóa Việt Nam thông qua hệ thống tượng và phù điêu tại đền Bạch Mã.

Tượng Phỗng: Hai bên hương án Trung tế trước Hậu cung bài trí đôi tượng Phỗng trong tư thế quỳ đăng đối trên một bệ vuông đặt trên 1 bệ tam cấp. Đầu đội mũ vải, trang trí họa tiết, hai bên vấn tròn, khuôn mặt biểu cảm với mắt mở, gò má nhô cao, miệng hở để lộ hàm răng, hai bàn tay áp vào nhau giơ trước ngực, cổ tay đeo vòng. Thân để trần, trang trí họa tiết hình khánh trước ngực, bủng ỏng, quần phủ sát xuống để lộ đầu gối.

Dạng thức chạm khắc tượng Phỗng cùng họa tiết trang trí có niên đại tương đồng với tượng Đức thần thờ trong Hậu cung. Về ý nghĩa tượng Phỗng, tác giả Lê Quý Đôn cho biết: “Trước hương án trong nhà tôn miếu, đục hình người nước Ngưu Hống, mắt sâu, bụng phệ (tục gọi là “Phỗng”), quỳ đối diện ở hai bên cũng gọi là người Chiêm Thành, không rõ bắt đầu từ thời đại nào. Làm như thế, có lẽ để tỏ rõ võ công bình Man”.

Ngựa Bạch - Bạch Mã: Tượng đứng trên kiệu rồng dạng long xa. Tượng này được tạc lại khoảng 10 năm trở lại đây, mô phỏng lại tượng Bạch Mã đã có trước khi xếp hạng. Niên đại của tượng Bạch Mã hiện nay tuy muộn, nhưng lại giúp liên hệ đến một giai thoại về thời kỳ ngôi đền cùng tên gọi mới hình thành. Việt điện u linh chép:

“Đến đời Lý Thái Tổ dời kinh đô đến Thăng Long, vì đô thành hễ đắp lại lở nên sai người đến đền cầu đảo. Chợt thấy con ngựa trắng từ trong đền đi ra, qua thành một vòng, đi đến đâu có dấu vết đến đấy, rồi vào trong đền thì biến mất. Sau theo vết ngựa đi để đắp thành thì thành không lở nữa. Bèn thờ làm Thành hoàng Thăng Long". [Dẫn theo 1]

Tượng Nghê: là cách gọi khác nhau của con vật có nhiều yếu tố gần gũi với Sư Tử cũng có khi gọi là con lân. Tượng Nghê được tạc một đôi, đăng đối trên bệ của kiệu Bát cống. Khuôn mặt nghê khá biểu cảm như đang vui cười, đầu ngẩng, mắt mở, mồm hơi mở, hai chân trước hơi trùng xuống, lưng võng theo chân phía ngoài đặt trên quả cầu, hai chân sau duỗi, đẩy mông nhô lên. Trên xà lòng của Phương đình, Nghê có đầu to, mũi nở, tai trâu, mắt hình xoáy ốc hơi lồi, đuôi kết thành ba ngọn đao mác dài.

Tuy có cùng phong cách, niên đại tạo tác song mỗi linh vật vẫn có sự khác biệt một vài chi tiết, tạo ra sự sinh động của nhóm tượng trang trí trên kiến trúc. Tạo hình của nghê cùng với kiệu Bát cống mang phong cách chạm khắc thế kỷ XVIII-XIX.

Về ý nghĩa của tượng Nghê thường được liên tưởng đến điềm báo “hễ có đấng vương giả chí nhân ra đời thì có con lân hiện ra”. Nghiên cứu của tác giả Jean Chevalier và Alain Gheerbrant cho rằng “… ở Viễn Đông, sư tử là con vật thuần túy có tính biểu trưng, rất giống với rồng, có khi được đồng nhất với rồng. Nó giữ vai trò bảo vệ chống lại các thế lực ác độc” .

Tượng Cá chép, đắp trên hệ mái, máng xối hình cá chép:  Được nhắc đến trong nội dung văn bia “Bạch Mã thần từ bi ký” dựng năm Chính Hòa thứ 8 (1687) cho biết đền được xây dựng từ lâu đời thờ dư khí linh thiêng ở núi Nùng, có La Thành bao bọc bên phải, lại có sông Hồng chảy vòng bên trái… đền có đắp hình rồng cá chép, miếu đền được tô vẽ điêu khắc rất nguy nga.[1] Việc sử dụng hình tượng cá chép ở các nếp nối giữa cái phần trong điện thờ không chỉ mang chức năng đơn thuần mà còn chưa đựng nhiều ý nghĩa, giá trị nghệ thuật. Đầu máng xối hình con cá chép hoặc hình con cóc có cấu tạo gồm hình con cóc, cá chép làm bằng gốm tráng men gắn vào đầu máng xối hoặc được đắp rồi sau đó cẩn mảnh sứ màu, miệng quay xuống dưới. Khi trời mưa, dòng nước phun từ xối xuống đất qua miệng hình con cá chép, con cóc tạo nên hình ảnh khá thú vị và độc đáo. Nghệ nhân xưa sử dụng hình ảnh con cá chép và con cóc trang trí ở đầu máng xối có những dụng ý sâu sắc. Cá chép sống ở môi trường nước, tượng trưng cho sức mạnh, sự giàu có và thành đạt. [2]

Hình tượng dơi trên cửa và tường: Xuất hiện trên nhiều không gian của đền Bạch Mã chắc chắn phải kể đến hình ảnh của con dơi tại các cánh cửa, phần trên đầu các vòm cửa. Có nhiều sự kết hợp như Dơi ngậm chuỗi tiền/ đồng tiền hay Dơi chầu chữ “Thọ”. Lý giải cho hình ảnh dơi trở thành biểu tượng được trang trí nhiều đến như vậy là bởi khi phát âm từ dơi qua tiếng Hán nôm là “Bức” đọc biến âm thì nghe giống “Phúc” vì vậy mà hình ảnh dơi thường được gắn với những điều đẹp đẽ, may mắn.  

Thông thường để có hạnh phúc viên mãn người ta trang trí năm con dơi tượng trưng cho ngũ phúc. Năm điều phúc đó là:

Thọ tức là sống lâu

Phú tức là giàu có

Khang ninh tức là yên ổn và có sức khỏe

Du hảo đức tức là yêu mến đức hạnh

Khảo chung mệnh tức là chết mà không bệnh tật khi tuổi già

Vì vậy các hình ảnh dơi ngậm đồng tiền mang đến ý nghĩa tượng trưng cho sự giàu có sung sướng hạnh phúc và sống lâu trăm tuổi. Như vậy, có thể thấy sự phối hợp giữa hình ảnh con dơi và các hình tượng đi kèm nó để làm tăng sức biểu cảm của hình tượng mà không làm mất đi tính thẩm mỹ.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Doãn Minh, Đặng Hồng Sơn, Lịch sử và quá trình tu sửa đền Bạch Mã, Kỷ yếu Tọa đàm khoa học “Giá Trị di sản văn hóa đền Bạch Mã”
  2. Nguyễn Tuyết Phi, Nghệ thuật trang trí ống, máng xối tại các di tích trong khu phố cổ Hội An, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.

Để tìm hiểu thêm thông tin về Đền Bạch Mã, xin kính mời quý vị và các bạn cùng khám phá không gian 360 qua đường link: https://hoankiem360.vn/chi_tiet_di_tich_lich_su/den-bach-ma.html

 

Thực hiện: Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội


 

 

 

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,839,770