Thứ sáu, 26/04/2024

Kênh doanh nghiệp / / Trọn bộ kinh nghiệm du lịch quận Hoàn Kiếm: Ở đâu, chơi gì, ăn gì?

Trọn bộ kinh nghiệm du lịch quận Hoàn Kiếm: Ở đâu, chơi gì, ăn gì?

Quận Hoàn Kiếm là nơi được khách du lịch lựa chọn hàng đầu, không chỉ bởi vị trí trung tâm, mà còn bởi không khí nhộn nhịp và cảm giác về một Hà Nội xưa cũ. Phương tiện đi thăm quan xung quanh quận Hoàn Kiếm có thể là xích Llô, xe máy hay thậm chí là đi bộ để cảm nhận hết nhịp đập cuộc sống sinh hoạt của người dân Thủ Đô. Sau đây là trọn bộ kinh nghiệm du lịch quận Hoàn Kiếm, các bạn hãy lưu lại nhé!

1 - Đến Hoàn Kiếm thì ở đâu?

Du khách có thể lựa chọn những khách sạn, nhà nghỉ ở quận Hoàn Kiếm giá rẻ để có một chuyến đi thật tiết kiệm. Sau đây là một vài gợi ý:

Khách sạn Bluebell Hà Nội

  • Địa chỉ: 41 Ngõ Huyện, Hàng Trống, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Số điện thoại: 024 3938 2398.
  • Khách sạn Bluebell nằm ở trung tâm phố cổ nhưng có mức giá rất mềm. Với mức giá từ 300.000 – 400.000 đồng/ phòng, Bluebell được nhiều du khách lựa chọn làm nơi nghỉ chân khi đi du lịch Hà Nội.

Khách sạn Violet

  • Địa chỉ: 18 Cầu Gỗ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
  • Điện thoại: 024 3824 7386
  • Đặc biệt Violet Hotel nằm ngay vị trí trung tâm, gần với phố cổ, gần với những điểm đến đẹp ở quận Hoàn Kiếm. Giá phòng cũng khá ổn với mức khoảng 300.000 đồng/phòng.

Golden Time Hostel

  • Địa chỉ: 108 Mã Mây, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Điện thoại: 0947 494 889
  • Về giá cả khách sạn Golden Time Hostel có mức giá trung bình khoảng 400.000 – 500.000 đồng/ phòng dành cho 2 người.

2 - Có gì chơi ở quận Hoàn Kiếm?

Hồ Hoàn Kiếm

Hồ Hoàn Kiếm là danh thắng tự nhiên hàng đầu của của thủ đô Hà Nội và là điểm hẹn của du khách gần xa. Hồ Hoàn Kiếm, hay còn gọi là hồ Gươm gắn liền với sự tích trao trả kiếm của vua Lê Lợi. Hồ Hoàn Kiếm có 2 đảo: đảo Ngọc là đảo lớn nhất có cây cầu Thê Húc uốn cong bắc ngang nối ra đảo và đảo Rùa nhỏ hơn, có ngôi tháp cổ nằm giữa bốn bề long lanh mặt nước. Được xem là hòn ngọc của Thủ đô, hồ Hoàn Kiếm không chỉ là nơi hóng gió, dạo mát của người dân mà còn là địa điểm trung tâm với xung quanh là các chứng tích lịch sử.

Hồ Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm thủ đô, được bao quanh bởi 3 con phố Hàng Khay – Lê Thái Tổ – Đinh Tiên Hoàng. Trước đây hồ còn có một số tên gọi khác như hồ Lục Thủy (hồ nước xanh) hay hồ Thủy Quân (bởi hồ từng là nơi để huấn luyện thủy binh chiến đấu). Đến thế kỉ thứ XV, hồ được đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm (trả gươm), gắn liền với sự tích trả gươm báu cho rùa vàng của vua Lê Thái Tổ.

Hồ Hoàn Kiếm là nơi tụ hội, điểm hẹn lý tưởng bốn mùa: Rực rỡ trong sắc đào và các lễ hội truyền thống vào mùa xuân; lồng lộng những cơn gió xua tan đi cái nóng oi bức của mùa hè; say đắm với những cành liễu rủ trong màn sương huyền ảo của mùa thu; lộng lẫy trong cơn mưa lá vàng và những giọt mưa phùn lất phất bay của mùa đông.

Phố đi bộ Hà Nội

Đến thời điểm hiện tại, phố đi bộ Hà Nội quanh Hồ Hoàn Kiếm đã và đang dần trở thành một trong những điểm nhấn du lịch của thủ đô, là nơi để mọi người hẹn hò, vui chơi, và chậm lại giữa những con đường hối hả đông đúc.

Phố đi bộ Hà Nội

Phố đi bộ Hà Nội chính thức hoạt động vào mỗi cuối tuần. Thời gian phố đi bộ bắt đầu từ 19 giờ tối thứ Sáu đến 24 giờ ngày Chủ Nhật hàng tuần tại khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ phụ cận. Xuôi theo những con đường nằm trong khu phố đi bộ, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những nhóm nghệ sĩ trình diễn với nhiều những phong cách, thể loại âm nhạc khác nhau.

Điều thú vị ở phố đi bộ Hà Nội đó là tuy không có những trò chơi hay dịch vụ công nghệ hiện đại, nhưng nó lại hấp dẫn và thu hút bởi những trò chơi mang đậm nét đẹp truyền thống, những trò chơi đậm đà bản sắc dân tộc và tinh thần văn hoá Việt Nam. Cứ mỗi một đoạn trên phố đi bộ, ta lại sẽ thấy có một đoàn người đang chơi ô ăn quan hay kéo co, chơi chuyền hay đá cầu… Nhiều hoạt động mang tính cộng đồng diễn ra tại đây đã thu hút và hấp dẫn được rất nhiều các bạn trẻ.

Tượng đài Lý Thái Tổ

Tượng đài Vua Lý Thái Tổ được đặt tại vườn hoa Lý Thái Tổ, đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, trung tâm thủ đô Hà Nội. Tượng đài là một công trình kiến trúc văn hoá đẹp, nhằm tôn vinh Vua Lý Thái Tổ (974 – 1028), người có công khai sáng kinh thành Thăng Long. Tượng đài được khởi công xây dựng ngày 17/08/2004 và khánh thành ngày 07/10/2004. Đây là bức tượng bằng đồng nguyên chất, đúc liền khối, nặng 34 tấn (tượng 14 tấn, bệ 20 tấn), cao 10,10 m (tượng cao 6,8 m, bệ cao 3,3 m).

Tượng đài Lý Thái Tổ là một địa điểm vui chơi, giải trí không còn xa lạ gì đối với giới trẻ Hà Nội. Đây là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong các dịp lễ kỷ niệm quan trọng của đất nước. Tượng đài Lý Thái Tổ là một địa điểm vui chơi, giải trí không còn xa lạ gì đối với giới trẻ Hà Nội.

Tượng đài khắc hoạ hình tượng người có công khởi lập và tạo dựng nên mảnh đất ngàn năm văn hiến – Vua Lý Thái Tổ, đầu đội mũ bình thiên, tay phải cầm “Chiếu dời đô”, tay trái chỉ xuống nơi định đô. Tượng được đặt trên đài hình bát giác (tượng trưng cho tám hướng), phần trên đài cách điệu hình bốn cổng thành Hà Nội, phần bệ gồm ba bậc thềm tượng trưng cho thiên thời – địa lợi – nhân hoà, những yếu tố làm cơ sở để Vua Lý Thái Tổ đặt niên hiệu Thuận Thiên.

Tràng Tiền Plaza

Tràng Tiền Plaza là một trong những trung tâm thương mại lâu đời nhất ở Việt Nam. Mang giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, Tràng Tiền được xem như một viên ngọc quý giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Với diện mạo sang trọng và nhưng vẫn giữ được cho mình nét cổ điển xưa cũ vốn có, chắc hẳn rất ít người biết Tràng Tiền Plaza chính là một trong những tòa nhà mang biểu tượng lịch sử, chứng kiến nhiều sự thay đổi của Thủ đô thời bấy giờ.

Tràng Tiền Plaza tọa lạc trên con phố cùng tên trên quận Hoàn Kiếm, rất gần Bưu điện Hà Nội và nhìn ra hồ Hoàn Kiếm, trên vị trí của Bách hóa Tổng hợp Hà Nội cũ. Nhiều tài liệu lịch sử đã ghi lại rằng, nơi đây có vị trí đắc địa về phong thủy, hội tụ tinh khí về tài vượng, thích hợp phát triển thương nghiệp lâu dài. Chính vì vậy, đầu thời nhà Nguyễn một xưởng đúc tiền kẽm được mở ra tại đây nên phố được đặt tên là Tràng Tiền.

Tràng Tiền Plaza có 3 mặt tiền, là nơi quy tụ nhiều cửa hàng kinh doanh vào loại sớm nhất tại Hà Nội với đủ các loại hình dịch vụ từ nhà hát, rạp chiếu bóng, khách sạn, hiệu thuốc, cửa hàng bách hóa, hiệu sách, nhà in, nhà xuất bản, ngân hàng… Trong đó, địa danh nổi tiếng nhất gắn liền với phố thương mại Tràng Tiền là cửa hàng bách hóa được xây dựng từ năm 1902 mà tên gọi của nó – “nhà Godard” – cho đến nay vẫn còn được nhiều cao niên ở Hà Nội nhắc nhớ.

Chợ đêm Đồng Xuân

Chợ đêm Đồng Xuân nằm trong khu phố cổ Hà Nội. Chợ kéo dài khoảng 3km từ đầu hồ Hoàn Kiếm, qua phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường và kết thúc ở ngõ chợ Đồng Xuân. Vào buổi tối thứ 7 hàng tuần, hai đầu tuyến phố thường tổ chức các buổi biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống như hát chèo, xẩm quan họ, ca trù… Đây được coi là nét độc đáo của chợ đêm. Và, nhờ đó chợ đêm thu hút đông đảo du khách hơn, đặc biệt là du khách nước ngoài.

Không giống những chợ đêm khác, chợ đêm Đồng Xuân thường họp vào các ngày thứ 6, thứ 7 và Chủ Nhật hàng tuần. Du khách cân nhắc thời gian để ghé tham quan cho phù hợp. Chợ họp vào thời gian từ khoảng 18h đến 22h30. Tuy nhiên, từ 17h00 các chủ sạp đã ra sớm và chuẩn bị tươm tất hàng hóa cho sạp của mình. Chợ họp đông nhất là vào khoảng 20h đến 22h đêm. Nếu muốn mua hàng hóa thì du khách nên đi sớm để tiện lựa chọn.

Bạn có thể ngắm, xem hàng, hỏi giá thoải mái. Nếu là người mở hàng đầu tiên thì bạn nên mua hàng để chủ hàng được buôn may bán đắt nhé. Tuy nhiên, nếu không mua thì họ vẫn vui vẻ với bạn. Khi chợ đông đúc, lượng khách tham quan và mua sắm trong chợ tăng lên. Lúc này, du khách cân nhắc khi chọn lựa hàng hóa. Bởi vì, họ sẽ kiểm soát kỹ hơn vì sợ hàng hóa “không cánh mà bay”.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Hà Nội trong tim mỗi người không chỉ là trung tâm đầu não quốc gia mà Hà Nội còn khắc sâu bởi những kí ức lịch sử, những minh chứng của một Thăng Long hào hoa ngàn năm văn vật. Một trong những địa điểm mà mỗi khi nhắc đến Hà thành, không ai không khỏi bâng khuâng về một thời oanh liệt chống Pháp – quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục có tên gọi từ năm 1945 do thị trưởng Trần Văn Lai đặt. Đông Kinh là tên gọi của kinh thành Thăng Long, Nghĩa Thục là tên gọi chỉ trường dạy việc nghĩa. Tại đây đã rèn luyện và nuôi dạy hàng trăm chí sĩ yêu nước đứng lên chống thực dân Pháp. Và cũng chính tại đây đã chứng minh những cuộc hành hành man rợ của thực dân Pháp với các chiến sĩ yêu nước của dân tộc ta.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nằm ở sát bờ phía tây-bắc của Hồ Gươm, thuộc phường Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tại đây có một đài phun nước hình tròn, là nơi giao nhau của 5 phố: Lê Thái Tổ, Hàng Đào, Hàng Gai, Đinh Tiên Hoàng, Cầu Gỗ. Ngày nay, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục vẫn còn đó và là nơi ghi dấu những kỉ niệm gần gũi, thân thương nhất với những cư dân thủ đô. Những dịp chào mừng năm mới, hay các show biểu diễn ca nhạc tại các tuyến phố đi bộ của những ca sĩ nổi tiếng, thì quảng trường này luôn là lựa chọn bởi vị trí trung tâm đắc địa của nó.

Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ

Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ được xây dựng tại số 50 phố Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm trên diện tích 458m², có tổng diện tích sàn 1256m² và nằm trong khu dân cư Phố cổ Hà Nội. Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, trước đây là rạp hát tuồng Lạc Việt được xây dựng trong thời Pháp thuộc với phong cách kiến trúc Việt – Pháp với hệ kết cấu nhà công nghiệp khung thép mái tôn.

Phương án kiến trúc của công trình mới đã được tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc về bảo tồn, giữ lại đường nét hình dáng của công trình cũ thể hiện trên vật liệu mới và công trình được xây dựng trên nền công trình cũ khi xây dựng đã giữ lại được một bức tường mặt trước công trình trên. Tái hiện lại kiến trúc nhà truyền thống trong khu Phố cổ Hà Nội. Đây là kiểu nhà ống có sân trong kết hợp với cây xanh, lấy ánh sáng từ hai đầu tạo nên sự thông thoáng cho ngôi nhà.

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội khi đi vào hoạt động sẽ là điểm đến hấp hẫn của du khách, là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của khu Phố cổ. Trưng bày giới thiệu về công tác bảo tồn các giá trị di sản vật thể và phi vật thể trong khu Phố cổ, góp phần quảng bá hình ảnh Phố cổ Hà Nội và nâng cao ý thức cộng đồng về bảo tồn di sản.

3 - Những quán ăn ngon gần hồ Hoàn Kiếm

Hồ Hoàn Kiếm là điểm du lịch nổi tiếng, xung quanh khu vực này cũng tập trung nhiều nhà hàng quán ăn ngon hấp dẫn chuyên phục vụ các món ăn đặc sản. Nếu bạn đang tìm kiếm cho mình những quán ăn ngon gần Hồ Hoàn Kiếm đông khách kèm theo những thông tin về địa chỉ, giờ mở cửa và giá cả cụ thể, thì hãy tham khảo những gợi ý dưới đây nhé.

Vị Quảng

  • Địa chỉ: 35 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm Hà Nội
  • Giờ mở cửa: 9h-22h
  • Giá: 10.000đ – 400.000đ

Cơm chay Nàng Tấm

  • Địa chỉ: 79A, Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm Hà Nội
  • Giờ mở cửa: 10h – 21h
  • Giá: 80.000đ – 120.000đ/người

Đông Môn Bistro – quán hải sản ngon

  • Địa chỉ: số 55 Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Giờ mở cửa: 10h - 22h
  • Giá: 200.000đ – 500.000đ/người

Quán hải sản Sầm Sơn

  • Địa chỉ: số 77 Cầu Đất Hoàn Kiếm.
  • Giờ mở cửa: 9h - 22h.
  • Giá: 200.000đ - 350.000đ/người.

Xôi Yến

  • Địa chỉ: 35B Nguyễn Hữu Huân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Giờ mở cửa: 5h sáng đến 10h tối
  • Giá cả: 35.000đ – 50.000đ/suất

Quán ăn ngon

  • Địa chỉ: 18 Phan Bội Châu, quận Hoàn Kiếm Hà Nội
  • Giờ mở cửa: 6h45 sáng đến 9h30 tối
  • Giá: 150.000đ – 250.000đ/người

Phủi quán

  • Địa chỉ: 51A Phan Bội Châu, quận Hoàn Kiếm Hà Nội
  • Giờ mở cửa: sáng từ 10h - 14h. Chiều từ 17h - 22h
  • Giá: 100.000đ - 300.000đ

Khao Lao

  • Địa chỉ: số 9 Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm Hà Nội
  • Giờ mở cửa: 10h – 22h
  • Giá: 100.000đ - 300.000đ/người.

Trên đây là những gợi ý về địa điểm vui chơi, ăn uống và nghỉ ngơi ở quận Hoàn Kiếm. Chúc các bạn có những trải nghiệm thật thú vị khi tới thăm Thủ đô!

Sưu tầm

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,830,069