Thứ sáu, 17/05/2024

Kênh doanh nghiệp / / Tranh dân gian Hàng Trống - văn hóa độc đáo của nghề làm tranh truyền thống xứ Hà Thành

Tranh dân gian Hàng Trống - văn hóa độc đáo của nghề làm tranh truyền thống xứ Hà Thành

Tranh dân gian Hàng Trống ra đời tại Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ XVI, là kết quả giao thoa tinh hoa giữa Phật giáo và Nho giáo, được các nhà nghiên cứu đánh giá không chỉ mang đậm tính thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, mà còn mang đậm yếu tố văn hóa, thời đại mà nó sinh ra.

Tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian Việt Nam được làm chủ yếu tại phố Hàng Nón, Hàng Trống của Hà Nội xưa. Hàng Trống trước đây thuộc đất cũ của thôn Tự Tháp, tổng Tiền Túc (sau đổi thành Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, nay thuộc quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Phố Hàng Trống hiện nay nằm kề các phố Hàng Nón, Hàng Hòm, Hàng Quạt... 

Sở dĩ gọi là “Tranh Hàng Trống” là vì loại tranh này được sản xuất tập trung ở phố Hàng Trống, Hà Nội. Tuy vậy, tranh Hàng Trống trước kia cũng được làm ở các phố Hàng Nón, Hàng Hòm, Hàng Quạt (Hà Nội), đồng thời bày bán ở các phố ấy, nhưng tập trung làm và bán nhiều nhất vẫn ở Hàng Trống. Đây là một khu vực vốn nổi tiếng về nhiều nghề thủ công mỹ nghệ như tranh dân gian, các loại trống các cỡ, tàn, lọng, tán, mũ mãng,áo xiêm, cờ, quạt, các loại hòm, tráp sơn, các kiểu nón...

Dòng tranh này cũng như các dòng tranh phổ biến khác đều có hai dòng tranh chính là tranh thờ và tranh Tết. Tranh thờ là chủ yếu và thường dùng trong sinh hoạt tín ngưỡng phục vụ đền phủ của Đạo giáo nhất là tranh thờ của Đạo Mẫu (Mẫu Liễu Hạnh ở phủ Giầy, Nam Định). Một số nội dung tranh được vẽ như tranh Tứ Phủ cộng đồng, Bà chúa thượng ngàn, Mẫu Thoải, Ngũ Hổ, Ông Hoàng cưỡi cá, cưỡi ngựa, cưỡi rắn,... Còn tranh ngày tết thì chủ yếu chỉ là nội dung: Chúc phúc, Tứ quý,... Vào các dịp Tết Nguyên đán, phần lớn tranh sẽ bày bán trong các cửa hiệu và phần lớn bầy bán từng quầy trên hè phố, nhất là vào dịp cuối năm, để tiện phục vụ khách hàng sắm Tết.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có lẽ dòng tranh Hàng Trống xuất hiện từ khoảng thế kỷ 16 và thịnh nhất vào khoảng cuối thế 19, đầu thế kỷ 20 và sau đó dần suy tàn. Và chịu ảnh hưởng rõ rệt của các luồng tư tưởng, văn hoá, tôn giáo.... Là kết quả của sự giao thoa tinh hoa giữa Phật giáo, Nho giáo; giữa loại hình tượng thờ, điêu khắc ở đình chùa với những nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá hằng ngày. 

Cách in ấn, tạo màu và vẽ tranh dân gian Hàng Trống: 

Tranh Hàng Trống sử dụng kỹ thuật nửa in nửa vẽ, tranh chỉ in ván nét lấy hình, còn màu là thuốc nước, tô bằng bút lông mềm rộng bản, một nửa ngọn bút chấm màu, còn nửa ngọn bút kia chấm nước lã, tô tranh theo kỹ thuật vờn màu.

Tranh chỉ có một bản đen đầu tiên, sau khi in thì tranh được tô màu lại bằng tay. Từ các bản khắc gốc, những bức tranh đã được in ra, bằng mực Tàu mài nguyên chất. Sau đó là công đoạn bồi giấy. Tùy thuộc từng tranh cụ thể mà có tranh chỉ bồi một lớp, có tranh lại phải bồi đến 2 hay 3 lớp giấy. Khi hồ đã khô thì mới có thể vẽ màu lại. Có khi phải mất đến 3, 4 ngày mới hoàn thành một bức tranh.

Tranh được in trên giấy dó bồi dày hay giấy báo khổ rộng. Có những tranh bộ khổ to và dài, thường bồi dày, hai đầu trên dưới lồng suốt trục để tiện treo, phù hợp với kiểu kiến trúc nhà cao, cửa rộng nơi thành thị.

Tranh Hàng Trống có kỹ thuật và phong cách khác biệt Tranh Đông Hồ trên đất Kinh Bắc. Nếu như ở Tranh Đông Hồ, in viền nét và in màu đều dùng bản khắc gỗ thì ở Tranh Hàng Trống in tranh chỉ dùng ván khắc gỗ in nét tranh trên chất liệu giấy dó…

Các ván khắc in tranh đều phải theo mẫu tranh, các mẫu tranh do các nghệ nhân đảm nhiệm, gọi là “ra mẫu.” Người “ra mẫu” tranh thường là người giỏi nhất của từng nhóm thợ, rất tinh tế, giàu kinh nghiệm, nên khi đặt bút vẽ trên tờ giấy bản là lập tức hiện ra hình ảnh như bay như múa.

Người vẽ mẫu cũng là người đặt lời trên tranh. Chữ trên tranh phải đạt mức: làm rõ nghĩa của tranh, làm cân đối thêm bố cục tác phẩm, mà không bị rườm rà. Có mẫu tranh phải sáng tác hàng tháng mới xong.

Tiếp sau đó đến công đoạn  bồi tranh.., công đoạn này là một khâu quan trọng trong quá trình hình thành một tác phẩm, sự thành công, và tồn tại lâu bền  của tác phẩm phụ thuộc vào công đoạn này, nó là sự truyền đạt kinh nghiệm tích luỹ, khéo léo của những nghệ nhân đời trước để lại cho đời sau.

Sau khi đã có được bản in hoàn chỉnh thì người vẽ tranh dùng bút lông chấm màu để tô lên từng mảng màu đậm nhạt, tuỳ theo nội dung, đường nét và các loại tranh. Do cách tô màu bằng tay (vờn màu bằng tay, nét cản) của tranh Hàng Trống có đặc điểm ở mỗi tờ tranh đều có nét sáng tạo riêng..

Tranh dùng các gam màu chủ yếu là lam, hồng đôi khi có thêm lục, đỏ, da cam, vàng... Tỷ lệ được tạo không hề đúng với công thức chuẩn mà chỉ để cho thật thuận mắt và ưa nhìn.

Những sản phẩm nghệ thuật đặc sắc của dòng tranh Hàng Trống, cũng như tranh Đông Hồ và kể cả tranh của cả dòng tranh Kim Hoàng nữa, từ lâu đã rất nổi tiếng không chỉ ở trong nước, mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Có thể dễ dàng bắt gặp tranh Hàng Trống ở nơi linh thiêng nhất trong các đền, miếu, điện thờ, trong các bộ sưu tập tranh quý giá nhất của các tư nhân và các viện bảo tàng ở nhiều nước trên khắp các châu lục.

Đó là các bức tranh “Lý Ngư Vọng Nguyệt”, bộ tranh “Tố Nữ,”  “Tùng Cúc Trúc Mai,” “Chim Công,” “Thất Đồng,” “Tam Đa,” “ Chợ Quê,” .vv… và hàng loạt tranh thờ như “ Ngũ Hổ,” “Bạch Hổ,” “Hắc Hổ,”  “Đức Thánh Trần,” “Ông Hoàng Ba,” “ Mẫu Thượng Ngàn,”, “Tứ Phủ Công Đồng,”“Tam Phủ”

Bằng những tác phẩm ấy, tranh dân gian Hàng Trống còn lưu lại mãi mãi trong tâm trí mỗi người Việt Nam chúng ta. Những tác phẩm của dòng tranh dân gian Hàng Trống quả là những kiệt tác, toát lên cái sinh động, tinh tế, ý nhị  và sâu sắc lạ thường cả về nội dung lẫn hình thức.

Phải công nhận rằng ở những bức tranh này đã bộc lộ đầy đủ tài năng của những người nghệ nhân vẽ tranh Hàng Trống. So với tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống có phần uyển chuyển hơn, sắc độ trên tranh cũng êm ái hơn.

Khá nhiều tranh Hàng Trống đã đạt mức kiệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam. Từ nội dung, hình thức đến chất liệu, tranh Hàng Trống mang màu sắc đặc trưng riêng của Hà Nội, nhưng cũng rất Việt Nam, không thể trộn lẫn và được nhân dân Việt Nam đến nay vẫn ưa chuộng và là một niềm tự hào dân tộc. 

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 28,034,122