Chủ nhật, 28/04/2024

Kênh doanh nghiệp / / Tháp Hòa Phong, Ghi Dấu Một Hà Nội Cổ Kính & Phồn Hoa

Tháp Hòa Phong, Ghi Dấu Một Hà Nội Cổ Kính & Phồn Hoa

Tháp Hòa Phong mang nét đẹp cổ kính đặc trưng của Thủ đô Hà Nội. Nơi đây lưu giữ biết bao khoảnh khắc thăng trầm của dòng lịch sử. Bạn đã biết về Tháp Hòa Phong chưa?

Tháp Hòa Phong mang nét đẹp cổ kính đặc trưng của Thủ đô Hà Nội. Nơi đây lưu giữ biết bao khoảnh khắc thăng trầm của dòng lịch sử. Bạn đã biết về Tháp Hòa Phong chưa?

Hà Nội mùa nào cũng đẹp, bất kể là xuân, hạ, thu hay đông. Vẻ đẹp yên ả, cổ kính của Hà Nội luôn để lại một dấu ấn tốt đẹp trong lòng mỗi người. Có thể nói các công trình kiến trúc ở Thủ đô tuy đã xưa cũ theo năm tháng, không còn tráng lệ như ngày mới xây dựng nhưng chính sự cũ kỹ đó đã tạo nên sự đặc biệt. Tháp Hòa Phong rêu phong cổ kính chính là một trong số đó.

Tháp Hòa Phong nằm trên con phố Đinh Tiên Hoàng, thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Để dễ tìm hơn bạn cứ đến Bưu điện Trung tâm là thấy.

Tháp Hòa Phong tồn tại và ghi dấu trong lòng nhiều thế hệ người dân tại Hà Nội. Sự tồn tại của Tháp Hòa Phòng trên con phố dường như đã trở thành sự quen thuộc. Nhưng ít người biết được Tháp Hòa Phong không thuộc quần thể kiến trúc Tháp Rùa mà là một phần còn sót lại của di tích chùa Báo Ân đã được xây dựng hàng trăm năm trước.

Theo những gì trong tư liệu ghi lại, người đứng ra chủ trì xây dựng chùa là Tổng đốc Hà Ninh - Nguyễn Văn Giai. Ông là người của làng Phù Chánh, Quảng Bình, xuất thân trong một gia đình danh giá, thân phụ là thầy dạy học của Vua Thiệu Trị.

Ông là vị danh thần có nhiều công lao dưới thời Vua Thiệu Trị. Đến năm 1846 khi đang cương vị Tổng đốc Hà Ninh, ông đã đứng ra quyên tiền xây dựng chùa Báo Ân có quy mô hoành tráng. Có thể nói chùa Báo Ân sau khi hoàn thành đã trở thành công trình bề thế nhất Hà Nội thời bấy giờ. Và Tháp Hòa Phong là phần kiến trúc sót lại của chùa Báo Ân.

Dựa vào bản vẽ ban đầu lưu lại, chùa có kiến trúc vô cùng độc đáo và được xây dựng trong một khuôn viên lớn, con đường ven hồ ở phía Đông dẫn đến ngọn Tháp Hòa Phong, tiếp theo đó là cổng chùa, đi qua chiếc cầu đúc sẽ đến lầu Hộ Pháp với hai bên là 4 ngọn tháp cao 3 tầng đối xứng với nhau. Ngày xưa bên trong và xung quanh chùa có trồng rất nhiều sen nên chùa còn có tên là Liên Trì

Có nhiều tài liệu ghi lại sự kiện ngôi chùa bị phá hủy nhưng ngày tháng không đồng nhất. Có tài liệu ghi lại là vào tháng 11 năm 1885, viên Toàn quyền người Pháp De Lanessan đã ra lệnh đốt những ngôi nhà lá dọc bờ Hồ Gươm. Đến đêm ngày 22/1/1886, hơn 300 ngôi nhà ở khu vực đó đã chạy rụi. Đêm ngày 28 một vụ cháy lớn nữa đã thiêu rụi toàn bộ thôn Cự Lâu thời bấy giờ, khiến chùa Báo Ân chỉ còn lại tàn tích. Mãi đến năm 1888 người Pháp đã phá bỏ phần còn lại của chùa để xây bưu điện, chỉ giữ lại Tháp Hòa Phong ở phía sau chùa như ngày nay.

Tháp Hòa Phong có dáng vuông vức, gồm 3 tầng nhỏ dần về phía trên. Tầng 1 của tháp có lối đi dạng vòm cuốn mở ra 4 hướng. Ngay phía trên 4 cửa có đề tên là Báo Ân môn, Báo Nghĩa môn, Báo Đức môn và Báo Phúc môn. Tầng hai của tháp là bốn bức tượng nghê đá hướng về phía Đông. Tầng 3 có biển hiệu ghi “Hòa Phong Tháp”, trên đỉnh tháp có trang trí bầu hồ lô bằng đá, cả cấu trúc tháp đều được làm bằng gạch trần. Có thể thấy kiểu tháp này rất ít xuất hiện trong các công trình kiến trúc Phật giáo.

Ngôi chùa Báo Ân ngày trước nay đã không còn, chỉ còn lại một đoạn giai thoại và ngọn Tháp Hòa Phong xưa cũ. Hàng liễu rũ quanh hồ gươm càng làm tôn lên vẻ đẹp uy nghi của ngọn tháp đơn độc này. Ngọn tháp vẫn đứng đó, vững chãi qua năm tháng, ngắm nhìn dòng người qua lại và trở thành chứng tích sống mãi của Thủ đô Hà Nội.



Thực hiện: Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao Quận Hoàn Kiếm

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,847,730