Thứ sáu, 03/05/2024

Kênh doanh nghiệp / / Quận Hoàn Kiếm chung tay vì một Hà Nội xanh

Quận Hoàn Kiếm chung tay vì một Hà Nội xanh

Hà Nội - trái tim của cả nước, nơi luôn thu hút lượng lớn nguồn lao động đến sinh sống và làm việc, tạo nên sự phong phú, nhộn nhịp cho Thủ đô

Bài 1: Vấn nạn ô nhiễm và giải pháp của quận nội đô trung tâm

Tuy vậy, quá trình đô thị hóa cùng với việc gia tăng dân số quá nhanh đã dẫn đến quá tải về hạ tầng đô thị, khiến môi trường Thủ đô bị ô nhiễm nghiêm trọng. Điều này đặt ra bài toán khó cho các cấp ủy, chính quyền các quận, huyện về phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường.

Học sinh tiểu học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thực hiện phân loại rác thải.

Ảnh: Lê Huy

Quận Hoàn Kiếm có diện tích nhỏ nhất trên địa bàn TP Hà Nội nhưng lại có bề dày về truyền thống văn hóa, di tích lịch sử, là địa phương với lợi thế lớn để phát triển kinh tế, đặc biệt là thương mại, dịch vụ và du lịch. Song bên cạnh những điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, quận Hoàn Kiếm cũng đang phải đối mặt với những thách thức trong vấn đề môi trường.

Nhức nhối những hình ảnh xấu về môi trường

Theo báo cáo của Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành giám sát hiện trường (FIMO) - thuộc Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn), khu vực có nồng độ bụi PM2.5 cao nhất tập trung ở đồng bằng sông Hồng (Hà Nội và các tỉnh lân cận), trong đó, chỉ số này dao động trong khoảng 37,1 - 38,4𝜇g/m3, cao nhất là tại quận Hoàn Kiếm. Bụi mịn PM2.5 (hình thành từ các công trình xây dựng, khí thải giao thông) dễ dàng xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp, gây nên một số bệnh nguy hiểm như đột quỵ, tim mạch, ung thư...

Cùng với đó là tình trạng đổ trộm chất thải tại khu vực ven bờ sông Hồng, gây ô nhiễm môi trường không khí, nước trên địa bàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân. Đây cũng là vấn nạn khiến người dân vô cùng bức xúc. Và đặc biệt, tình trạng xả rác tại tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm luôn là vấn đề nhức nhối.

Tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm được triển khai từ năm 2016 với mục tiêu tạo một không gian sinh hoạt văn hóa, giải trí cho người dân Thủ đô cũng như du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, những hình ảnh không mấy đẹp mắt như việc các loại rác thải (túi nilon, vỏ hoa quả, bánh kẹo, chai lọ…) rơi vãi trên mặt đường, vỉa hè của các tuyến phố lại thường xuất hiện, tạo những hình ảnh xấu về môi trường Thủ đô. Nguyên nhân chính, đáng buồn lại đến từ ý thức của một bộ phận người dân và một số du khách.

Trước tình hình đó, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền thông qua việc thường xuyên tổ chức cổ động trực quan bằng banner, pano, áp phích tại trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền, trạm tin, khu vực công cộng và trên các tuyến phố, UBND quận Hoàn Kiếm đã phát động rất nhiều chương trình, dự án nhằm bảo vệ môi trường, cải thiện cảnh quan.

Nhằm phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân và các tổ chức ở địa bàn dân cư cũng như trách nhiệm của mỗi người dân tự giác tham gia giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, quận Hoàn Kiếm đã ban hành Quyết định số 02/QĐ-UBND về “Quy chế hoạt động tự quản của khu dân cư trong việc giữ gìn trật tự đô thị - vệ sinh môi trường trên địa bàn quận”.

Điều này nhận được sự hưởng ứng và ủng hộ tích cực khi vào sáng thứ Bảy hàng tuần, đông đảo người dân của 18 phường trên địa bàn quận đã tham gia tổng vệ sinh, dọn dẹp rác thải tại các tuyến phố. Sự tham gia tích cực của các tổ dân phố không chỉ góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường sống, xây dựng quận Hoàn Kiếm ngày càng “sáng, xanh, sạch, đẹp”, mà còn góp phần quan trọng vào việc lan tỏa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân trên địa bàn.

Giải pháp từ những dự án cộng đồng

Tiếp đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã thực hiện các chương trình, dự án để hạn chế và giảm rác thải nhựa. Trong đó phải kể tới các chương trình “Quản lý phân loại rác, phòng, chống rác thải nhựa và túi nilon trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”; “Xây dựng trường học xanh - Vì một Hà Nội xanh”; dự án quản lý môi trường dựa vào cộng đồng tại ngách 43/32 Bạch Đằng…

Trong đó, dự án quản lý môi trường dựa vào cộng đồng tại ngách 43/32 Bạch Đằng được kỳ vọng, bằng chính sự góp sức của cộng đồng sẽ biến khu dân cư đang bị ảnh hưởng bởi rác thải, nước thải chưa được xử lý, thiếu không gian xanh... trở nên sáng - xanh - sạch - đẹp và thêm nhiều khu vui chơi công cộng cho người dân.

Được triển khai từ tháng 11/2021, dự án bao gồm 4 hoạt động chính: quản lý rác thải, xử lý nước thải sinh hoạt, cải tạo sân chơi và cải tạo không gian công cộng xanh. Các dự án đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường. Địa bàn dân cư sạch sẽ, rác được thu gom, nước thải được xử lý, cộng đồng dân cư có không gian xanh, cải thiện chất lượng cuộc sống, chống lấn chiếm khu vực bờ vở sông Hồng.

Đối với đối tượng học sinh, các cấp lãnh đạo, phòng ban chuyên môn của quận Hoàn Kiếm cũng luôn chú trọng về công tác tuyên truyền, giáo dục để các em có nhận thức đầy đủ trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường. Nhằm nâng cao nhận thức cho giáo viên, nhân viên, học sinh tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn về tình trạng ô nhiễm rác thải, tác hại của rác thải đối với con người cũng như môi trường, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai thực hiện chương trình “Trường học tiên phong giảm thiểu và phân loại rác”. Trên cơ sở đó, các trường đã xây dựng kế hoạch hành động, tại mỗi lớp đều có các thùng đựng rác từ vật liệu tái chế và tổ chức việc phân loại rác.

Đơn cử như tại Trường Tiểu học Trưng Vương, việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục về môi trường được lồng ghép vào các hoạt động giảng dạy trên lớp như Địa lý, Mỹ thuật, Âm nhạc... Nhà trường cũng tổ chức những buổi ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chủ nhiệm, sinh hoạt Đội có lồng ghép nội dung tuyên truyền về bảo vệ môi trường như tác hại của chất thải nhựa, túi nilon khó phân hủy, phân loại rác...

Đặc biệt, trong ngày hội được tổ chức tại sân trường, học sinh mỗi khối lớp đều có gian hàng triển lãm sáng kiến, sản phẩm tái chế. Các sản phẩm trưng bày là những món đồ chơi ngộ nghĩnh (các con thú, chiếc xe), vật trang trí (bình hoa, chậu cảnh) hay đồ dùng học tập như bảng số đếm, lắp ghép hình… Vì thế, ý thức về bảo vệ môi trường từ các em học sinh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng từng bước được nâng lên.
(còn nữa)

Nguồn: Báo Kinh tế Đô thị

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,897,834