Thứ sáu, 03/05/2024

Kênh doanh nghiệp / / “NÀNG THỊ” CỦA MÙA THU HÀ NỘI

“NÀNG THỊ” CỦA MÙA THU HÀ NỘI

Có lẽ vẻ đẹp của mùa thu mà không nhắc đến quả Thị thì thực sự đó chưa phải là mùa thu Hà Nội.

“Thị ơi thị rơi bị bà

Bà để bà ngửi chứ bà không ăn”

Dưới cái nắng vàng dịu ngọt của những buổi chiều đầu thu, chắc hẳn không ít trong chúng ta cảm thấy có chút nhẹ nhàng và có chút thong thả hơn. Chẳng có lời giải thích nào hợp lý hơn lời rằng: “Bởi vì mùa thu Hà Nội…” Thật vậy, mùa thu đến cho ta một trải nghiệm của đa giác quan không khí tươi mát xen lẫn chút nắng, cho ta những gói cốm thơm và dẻo hoà quyện với chuối chín, hương thơm béo ngậy, ngọt ngào mùi nếp dẻo của bánh Trung thu… Nhưng có lẽ vẻ đẹp của mùa thu mà không nhắc đến quả Thị thì thực sự đó chưa phải là mùa thu Hà Nội.

Ảnh: Hưng Tạ

Đi dọc những con phố, hay trong những không gian gia đình, ta thấy Thị được bày rất nhẹ nhàng, tinh thế và tính từ đúng hơn cả đó chính là “được nâng niu”. Thị là biểu tượng cho một phong thái của người Hà Nội mỗi khi vào thu: vừa dịu dàng, vừa nâng niu với những điều đẹp và tinh tuý, khoan thai trước sự chuyển đổi, bình thản trước những sắc thái giao mùa. Vì vậy mà quả Thị gắn với mùa thu, những cũng là hình ảnh ước lệ cho một cô gái thảo hiền nên ai cũng yêu thương “chỉ để ngửi chứ không ăn” ai cũng dành ra những lời dịu ngọt để thưa gửi “Thị ơi, thị rơi bị bà”. Hình ảnh của quả thị tròn đầy ban đầu màu xanh nhưng khi chín lại chuyển sang vàng ta lại thấy được một màu sắc của sự chuyển mình của vạn vật, như mùa thu là thời điểm giao thoa giữa nóng và lạnh và đó cũng là sự chuyển mình của một người thanh niên sang tuổi tứ tuần.

Ảnh: Hưng Tạ

Thị đóng góp một phần không nhỏ trong việc hình thành nên một tâm thức của bao người Hà Nội về mùa thu của nơi họ sinh ra và lớn lên, về kí ức sum vầy bên gia đình trong các mâm cỗ Trung Thu có sắc xanh sắc hồng và sắng vàng ấm áp. Mùa thu Hà Nội với nhiều người có thể là hương hoa sữa nồng nàn, hay hương ổi chùng chình qua ngõ nhưng chắc chắn hương Thị thơm dịu nhẹ lại là một sợi dây kết nối của mọi kí hiệu trong một bức tranh khi ta tái trình hiện về mùa thu.

Như ý ở trên, xin được mạn phép khẳng định lại, Thị chính là một sợi dây kết nối của văn hoá Hà Nội nói riêng với văn hoá Bắc Bộ nói chung. Đầu tiên, hình ảnh quả Thị thường gắn với tính nữ hoặc hình ảnh của người phụ nữ, ta thấy điều đó được thể hiện trong chính tên gọi “Thị” cũng là một tên lót được sử dụng khi đặt tên cho các nữ nhi trong gia đình để xác định rằng đây là người con gái của gia đình, dòng tộc nào. Trong các tác phẩm văn học gọi tên Thị cho những nhân vật nữ chính cũng rất phổ biến như nàng Thị trong “Vợ nhặt” hay Thị Nở trong tác phẩm “Chí Phèo” và chính Thị cũng là một lần hoá thân của cô Tấm trong truyện cổ tích “Tấm Cám”. Quả Thị từ cổ tích ta lại thấy được hình ảnh đó luôn gắng liền với người bà, người mẹ cùng giọng kể trầm ấm, đưa ta vào cả một miền di sản văn học dân gian. Từ đó ta thấy được quả Thị mang ý nghĩa biểu tượng lớn cho tính nữ, hình ảnh phụ nữ và ý thức mẫu hệ.

Thứ hai, nếu chỉ là biểu tượng thì có lẽ Thị không phải là loại quả mang tính kết nối văn hoá lớn đến như vậy. Thị chín vàng thơm cũng là lúc để bà và mẹ trong gia đình dạy con cháu học cách đan lát từ mây tre những chiếc giỏ những lẵng lưới để đựng Thị. Chính việc học đan lát là một cách trao truyền di sản giữa các thế hệ, về tinh thần của phố nghề, làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội xưa. Hiện nay, giờ ta thấy dù không có nhiều nhưng những hoài niệm ấy vẫn luôn được nhắc đến như một kí ức về làm đồ thủ công của những người trẻ.

Ngoài việc gắn bó với hình ảnh của văn học và phụ nữ, nếu ta thu phóng toà bộ hình ảnh của cả cây Thị thì phải chăng tác dụng chữa bệnh dân gian của cây thị đã giúp Thị gắn bó với đời sống sinh hoạt của người dân Bắc Bộ và sau này ăn sâu vào văn hoá của người Hà Nội? Từ phần rễ cây có tác dụng chữa nóng sốt, ngộ độc, lá Thị thì chữa táo bón, chữa bỏng và dị ứng.

Cuối cùng, Thị cũng cho ta thấy được cách thưởng thức và phong thái của người Hà Nội. Bắt đầu từ những người gánh hàng rong quẩy đôi quang gánh với hai mẹt hoa quả, họ cũng nhẹ nhàng vui vẻ, trao đổi với người mua, tươi cười kể cả khi họ có mua hàng hay chỉ đến để hỏi, đặc biệt không có sự mặc cả ở đây, cả hai bên cùng rất vui vẻ. Thị tất nhiên cũng có thể ăn nhưng chẳng mấy ai mua về để ăn, thay vào đó người Hà Nội nâng nịu những quả Thị tròn đặt trên những chiếc đĩa để trong không gian phòng khách, để ai khi đến với gia đình họ cũng đều cảm nhận được hương thơm thanh khiết ngọt ngào được tỏa ra này. Thị để đơn độc đã thơm, nhưng để chung với các loài hoa khác như hoa móng rồng, nhài, sen hoàng lan, ngọc lan, mẫu đơn, hoa cau… thì lại là một sự hài hoà hợp lí, khi ta thấy trên những mẹt hoa dân hương trên ban thờ tổ tiên vào những ngày rằm tháng bảy hoặc rằng tháng tám. Điều đó lại càng cho ta thấy người Hà Nội yêu mến và nâng niu Thị đến nhường nào.

Ảnh: Nguyễn Ngân

Mùa Thu Hà Nội của ngày nay cũng đã có nhiều sự biến chuyển, ta thấy được có nhiều lớp phủ văn hoá để tạo nên một mùa Thu Hà Nội mới mẻ hơn nhưng vẫn giữ giá trị truyền thống, ta thấy được mùa Thu Hà Nội là để dành cho những gì của hiện tại của mọi lứa tuổi cùng chia sẻ. Trước những sự biến đổi của đương đại ấy thì hình ảnh về cây và quả Thị thơm vẫn mãi là một giá trị của Hà Nội đi theo cùng năm tháng.

Thực hiện: Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,897,598