Thứ sáu, 17/05/2024

Kênh doanh nghiệp / / Mừng Đảng - Mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Mừng Đảng - Mừng Xuân Nhâm Dần 2022

Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Ta, Tết Cả, Tết cổ truyền, Tết Âm lịch) là ngày đầu tiên của năm mới theo Âm lịch, lịch truyền thống của người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung. Tết từ xa xưa đã trở thành một lễ hội quan trọng, ở đó thể hiện tất cả văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán và ẩm thực của người Việt.

Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết Ta, Tết Cả, Tết cổ truyền, Tết Âm lịch) là ngày đầu tiên của năm mới theo Âm lịch, lịch truyền thống của người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung. Tết từ xa xưa đã trở thành một lễ hội quan trọng, ở đó thể hiện tất cả văn hóa, tín ngưỡng, phong tục tập quán và ẩm thực của người Việt.

Với mục đích bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khu vực hồ Hoàn Kiếm, khu Phố cổ Hà Nội nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung, nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị, cá nhân tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa tại các điểm Ban đang quản lý.         

Năm nay, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp, Tết Nguyên đán vẫn không mất đi ý nghĩa mà càng trở nên đặc biệt hơn. Qua các phương tiện công nghệ thông tin, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội mong muốn truyền tải đến nhân dân, du khách một số nét đặc trưng của ngày Tết truyền thống tại khu Phố cổ Hà Nội.

(PHỐ CỔ HÀ NỘI | Facebook)

Từ xưa đến nay, Tết Nguyên đán truyền thống chính là dịp đoàn tụ gia đình, sum vầy cháu con đón chào năm mới. Người Việt đón Tết không chỉ để vui chơi mà còn là cách thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ cha ông, lưu giữ các giá trị truyền thống từ nghìn xưa để lại. Vào dịp này, mọi thành viên trong gia đình sẽ tập trung cùng dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, dựng cây Nêu, gói bánh và mua sắm các vật dụng, đồ ăn thức uống…

Dịp gần Tết, tại nhiều địa phương Bắc Bộ xuất hiện các phiên chợ mỗi năm chỉ họp một lần như: chợ hoa đào, hoa mai, chợ quất, chợ chữ, chợ đồ cổ… để phục vụ thú chơi Tết của người Việt. Các sản phẩm thủ công theo các nghệ nhân từ khắp các vùng ở Bắc Bộ tập trung về Hà Nội, tiêu biểu có thể nhắc tới tranh dân gian, hoa, cây cảnh... Người Hà Nội xưa quan niệm rằng, một năm ăn nên làm ra hay thất bại, vui hay buồn, may mắn hay xúi quẩy phụ thuộc rất nhiều vào ngày Tết Nguyên đán. Bởi vậy, chẳng mấy ai coi nhẹ việc ăn Tết.

Trước Tết vài ba tháng, trên phố Hàng Bồ tràn ngập những quầy bán tranh tết, những ông đồ áo the khăn xếp ngồi nghiêm trang trên chiếc chiếu hoa trải trên vỉa hè. Thời ấy, người ta chuộng tranh gà, tranh lợn của làng tranh Đông Hồ từ Thuận Thành, Bắc Ninh mang sang, hay tranh Hàng Trống bốn mùa vẽ theo lối sơn thuỷ. PGS.TS Đỗ Thị Hảo - Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội cho biết: “Người Hà Nội từ xưa đã cho rằng Tết mà không có câu đối và tranh thì gian nhà như thiếu sự hòa hợp của màu sắc, tức là thiếu sự thoải mái của tinh thần, thì cho dù cỗ bàn có sang đến đâu cũng chưa đủ không khí Tết. Người xưa treo câu đối đỏ và những bức tranh dân gian mộc mạc, thể hiện ước mơ về một cuộc sống thái bình, sung túc…”

Tái hiện không gian quầy tranh Tết xưa tại phố đi bộ Phùng Hưng

Chợ hoa Xuân được mở ở phố Hàng Lược. Đào Nhật Tân, quất Quảng Bá mang xuống nở rực rỡ. Người Hà Nội thường mua một cây quất lớn, đẹp, nhiều lộc bày ở gian nhà chính. Ngoài sân, giữa khoảng giếng trời, cắm một cành đào lớn, và để đến tận rằm tháng giêng.

Chợ hoa Tết truyền thống

Chơi hoa Tết, thú chơi xa xỉ là thủy tiên. Người ta chọn củ hoa đơn, hoa nở đều, không đâm dúi vào nhau và nở hàm tiếu đúng vào sớm mồng một Tết.

Tết Nguyên Đán được người Hà Nội chuẩn bị rất chu đáo. Người vợ trong gia đình phải là một người phụ nữ tháo vát, đảm đang và tự tay mua sắm chuẩn bị Tết. Món ăn Hà Nội là tổng hòa của mọi thứ quà quê, thể hiện tính "kén cá chọn canh", "sành ăn, sành uống, sành mặc, sành chơi" của người Kẻ Chợ. Ẩm thực nổi trội của Tết nguyên đán đất Việt nói chung và người Hà Nội nói riêng là bánh chưng xanh và không thể thiếu nồi thịt đông. Hàng tháng trước Tết, người Hà Nội đã tranh thủ vỗ béo lợn, gà và tích lũy các món khô như măng, nấm hương, miến mọc, tôm he, bóng bì... để mâm cỗ tết khác hẳn ngày dưng, thường có 4 bát 6 đĩa, phong lưu thì 8 bát, 8 đĩa mới gọi là sang, là biết thưởng thức. Đến đầu tháng chạp, người ta bắt đầu lo đến vại dưa hành, ít lạp sườn, hũ trứng muối, chè mạn ngon... Ngoài ra, các nguyên liệu làm mứt như múi khế, quả mơ, miếng bí đã được phơi khô trước đó cả tháng để đến Tết nhà nhà đều có đĩa mứt ngon.

Hoạt động gói bánh chưng tại Ngôi nhà di sản

Người Việt lấy tín ngưỡng thờ phụng tổ tiên làm gốc nên bàn thờ gia tiên lúc này cũng được lau chùi, chỉnh sửa và sắm dần các lễ vật như vàng hương, đồ mã, hoa giấy... và mâm ngũ quả tươi tắn đủ màu tượng trưng cho sự tồn tại của ngũ hành, cũng được trang trọng đặt trên bàn thờ. Người Hà Nội trang trí ban thờ cũng rất công phu: từ hoành phi, câu đối, rồi tam sự, ngũ sự bằng đồng, cho đến ngai thờ, tranh chân dung, bình hoa, nhang nến... Sửa sang, dọn dẹp bàn thờ là việc vô cùng thiêng liêng để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Các thợ thuyền trên khắp các phường nghề, phố nghề khu phố cổ cũng rục rịch sắm sửa lễ vật để dâng lễ cửa đình, làm lễ cáo yết thành hoàng hoặc tổ nghề của phường mình.

Bàn thờ ngày Tết của người Hà Nội tại Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây

Nghi lễ dựng cây nêu

Cây nêu ngày Tết

Theo dòng chảy thời gian, dù một số nếp ăn, chơi có thay đổi, nhưng những phong tục truyền thống tốt đẹp của cha ông vẫn được người Hà Nội gìn giữ, lưu truyền qua các thế hệ, phù hợp với từng thời đại và từng hoàn cảnh.

Thực hiện: Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 28,034,538