Thứ sáu, 26/04/2024

Kênh doanh nghiệp / / Kinh nghiệm đi chơi, sống ảo tại Phố Hàng Mã, Hoàn Kiếm

Kinh nghiệm đi chơi, sống ảo tại Phố Hàng Mã, Hoàn Kiếm

Cứ mỗi dịp lễ tết là người dân Hà Nội lại nô nức đổ về phố Hàng Mã – con phố đầy màu sắc, nhộn nhịp và mang dấu ấn đặc trưng của người phương Đông. Đến với con phố này, bạn sẽ thưởng thức được không khí nhộn nhịp trọn vẹn nhất, vừa có thể sắm cho mình những món đồ vô cùng đẹp, vừa có thể “check-in” những bức hình đầy màu sắc. Hôm nay HK 360 sẽ review cho các bạn kinh nghiệm đi chơi, sống ảo tại Phố Hàng Mã trong bài viết này nhé!

Giới thiệu về Phố Hãng Mã

**Đặc điểm, vị trí của phố Hàng Mã **

Phố Hàng Mã nay thuộc phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nằm theo hướng Đông - Tây, phía Đông khu phố là ngã tư giao với Hàng Đường, Hàng Ngang và Hàng Chiếu, phía Tây là ngã ba giao với đường Phùng Hưng và đường xe lửa. Khu phố Hàng Mã này còn được đánh giá là có vị trí “thiên thời địa lợi” bởi cách chợ Đồng Xuân 1 km về phía Nam và cách Hồ Gươm 0,7 km về phía Bắc. Đây là địa điểm du lịch Hà Nội hấp dẫn thu hút rất nhiều du khách nước ngoài và các bạn trẻ ghé thăm vào mỗi cuối tuần.

Hình ảnh Phố Hàng Mã vào buổi tối

Phố Hàng Mã là một trong 36 phố phườngcổ kính ở Hà Nội. Nơi đây có nghề thủ công truyền thống làm đồ vàng mã để dùng trong việc cúng lễ và đồ trang trí bằng giấy. Phố Hàng Mã dài 339m chạy từ ngã tư Hàng Đường đến phố Phùng Hưng. Trước kia là đất cũ thuộc hai thôn Vĩnh Hạnh và Yên Phú (huyện Thọ Xương cũ). Đến thời Pháp phố Hàng Mã được đặt tên chung với phố Hàng Đồng được gọi là Rue du Cuivre. Dân ở đây bao gồm một số gia đình từ làng Tân Khai lên định cư và mở cửa hàng bán giấy, đồ vàng mã dùng trong lễ cúng bái, đồ hàng giấy dùng trong trang trí.

Nguồn ảnh: HK 360

Kiến trúc Phố cổ của Phố Hàng Mã

Phố Hàng Mã mang nét kiến trúc đặc trưng của Hà Nội cũ với những căn nhà hình ống và chồng diêm đầy chất cổ kính, mang lại sự hoài niệm sâu sắc. Nhà chồng diêm ở đây là kiểu nhà 2 tầng, tầng dưới có mái hiên để che cho cửa hàng, trên tầng 2 có cửa sổ phía ngoài mặt đường. Kiến trúc không mấy nổi bật nhưng lại phản ánh chân thực lối sống, nét sinh hoạt thuở xưa cũ của người dân Hà Thành.

Nguồn ảnh: internet

Cứ mỗi dịp lễ tết, phố Hàng Mã lại như ‘’khoác”” lên mình chiếc áo đầy màu sắc. Các cửa hàng nơi đây bày bán những loại mặt hàng lộng lẫy, đặc trưng của Trung thu như lồng đèn, đồ chơi phát sáng, bóng bay, đèo ông sao, mặt nạ, các vật dụng, đồ chơi thú vị khác…

Nguồn ảnh: internet

Đến đây, không chỉ có những mặt hàng mua bán, mà bạn còn có thể nghe những âm thanh vui nhộn của những chiếc trống, còi quay, kèn, hòa chung vào với không khí tưng bừng. Kẻ bán, người mua tấp nập, hàng nghìn người cùng đi lại nhưng không bao giờ xuất hiện cảnh chen lấn xô đẩy, mọi người ở đây đều chờ đợi, đi theo hàng lối, vừa đi vừa ngắm những mặt hàng, đồ chơi, ngắm đường, ngắm phố.

Nguồn ảnh: internet

Cách di chuyển tới Phố Hàng Mã

Để tới phố Hàng Mã bạn có thể di chuyển bằng xe máy rồi gửi xe ở chợ Đồng Xuân hoặc bãi gửi xe gần uỷ ban phường Hàng Mã. Nếu đi bằng xe bus thì bạn có thể bắt xe 36 xuống phố Hàng Cót rồi đi bộ khoảng 100m là tới Hàng Mã. Ngoài ra, các bạn có thể bắt xe 03, 11, 14, 18, 22, 34 xuống bến Ô Quan Chưởng rồi đi bộ khoảng 500m.

Check in Phố Hàng Mã dịp Tết Trung Thu

Phố Hàng Mã cũng được ví như con phố gắn liền với tuổi thơ của nhiều người dân thủ đô, đặc biệt là mỗi dịp Trung Thu tới. Hàng Mã như một cỗ máy thời gian đưa chúng ta trở về tuổi thơ gắn liền với nào là đèn ông sao, đèn kéo quân, đèn cù, ông tiến sĩ giấy,… cùng những chiếc đèn lồng lung linh đủ màu sắc. Vào dịp này, con phố này được nhiều người ví von như “phố cổ Hội An” thu nhỏ giữa lòng Hà Nội.  

Nguồn ảnh: internet

Không riêng gì những ngày lễ, nếu đi ngang khu phố này vào những ngày thường, bạn khó lòng kìm lại được những gam màu sắc sặc sỡ, bắt mắt từ những chiếc đèn lồng, những hoa trang trí, đồ vàng mã, chữ song hỷ phục vụ cho đám cưới… và đặc biệt là đồ chơi trẻ con.

Nếu bạn đi buổi sáng hoặc đầu giờ chiều bạn sẽ cảm nhận không khí nhẹ nhàng, bình yên, không quá đông người. Tuy nhiên từ 5h chiều trở đi, khi con phố được thắp sáng bởi những chiếc đèn lồng hai bên đường, bạn sẽ bị choáng ngợp bởi bầu không khí nhộn nhịp từ dòng người nườm nượp đổ về.

Đây là thời điểm “vàng” để có những tấm hình “sống ảo” chất lừ giữa background sống động tuyệt đẹp. Đặc biệt, có nhiều lễ hội Tết Trung Thu độc đáo như rước đèn hay múa lân cũng được tổ chức vào các tối trước và trong ngày rằm. 

Nguồn ảnh: internet

Dù hiện nay, trên thành phố Hà Nội có rất nhiều địa điểm vui chơi khác, thế nhưng phố Hàng Mã vẫn có một nét riêng lôi cuốn mọi người, vẫn trở thành một địa điểm không thể thiếu của mọi người mỗi dịp lễ tết đặc biệt.

Những địa điểm tham quan vui chơi gần Phố Hàng Mã

Phố đi bộ Hồ Gươm

Kết hợp với lịch trình khám phá Hàng Mã, bạn cũng có thể ghé qua phố cổ để trải nghiệm một không gian thật sôi động và huyên náo. Phố đi bộ là nơi tụ họp của rất nhiều bạn trẻ vào dịp cuối tuần. Vào mỗi cuối tuần, nơi đây có sẽ có rất nhiều những tiết mục trình diễn đặc sắc mà bạn có thể dừng chân lại xem cùng đám đông. Hay dạo quanh hồ Hoàn Kiếm và thưởng thức một que kem Thủy Tạ thì còn gì tuyệt hơn nhỉ?

Chợ Đồng Xuân

Chợ Đồng Xuân nằm trong khu phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm, một vị trí vô cùng lý tưởng để tham quan và mua sắm.
- Phía Tây là phố Đồng Xuân, phía Bắc là phố Hàng Khoai, phía Nam là phố Cầu Đông, phía Đông là ngõ chợ Đồng Xuân. 
- Ngay sau Chợ Đồng Xuân là Chợ Bắc Qua, một khu chợ được hình thành từ thập niên 60. Vì vậy nhiều người gọi chung là Chợ Đồng Xuân – Bắc Qua.

Chợ Đồng Xuân chiếm quá nửa dãy phố bên lẻ. Đây vốn là “hậu thân” của hai ngôi chợ cổ của Thăng Long xưa là chợ Bạch Mã và chợ Cầu Đông.
Chợ trên ở cạnh đền Bạch Mã (nay là số 76 phố Hàng Buồm).
Chợ dưới ở cạnh chùa Cầu Đông (nay là số 38B phố Hàng Đường).
Cả hai đều ở bên bờ sông Tô Lịch, trên bến dưới thuyền tấp nập.

Nguồn ảnh: internet

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục trước đây vốn là một bãi đất hoang trồng dừa ven hồ Gươm, dân gian thường gọi là “Vườn dừa”. Sau này, khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, quảng trường được đổi tên thành Place Négrier. Thực dân Pháp rất coi trọng vị trí của quảng trường này và xem nó như trung tâm của Thủ đô Hà Nội lúc bấy giờ. Tuy nhiên, sự ưu ái của Pháp dành cho quảng trường Place Négrier nhanh chóng bị chấm dứt bởi các hành động dã man của chúng. Pháp liên tục cho chém đầu, hành hình những người yêu nước chống Pháp ở Quảng trường Place Négrier. Trong đó phải kể đến sự kiện hành hình của ông cử Tạ Văn Đình năm 1883 và 4 năm sau đó là sĩ phu, thủ khoa Nguyễn Cao.

Nguồn ảnh: internet

Và cũng đừng bỏ lỡ những con phố xinh đẹp khác ngay gần Hàng Mã như Hàng Đường, như Phùng Hưng hay như phố Đường Tàu cổ kính, lãng mạn nhé!

Phố Hàng Mã Hà Nội là một trong những con phố thuộc hệ thống phố cổ ở Hà Nội. Ngày nay, nơi này trở nên sầm uất và được rất nhiều người ghé tới chiêm ngưỡng, checkin. Nếu là người yêu thích sự hoài niệm, yêu những ánh sáng lung linh từ muôn hình vạn trạng những chiếc đèn lồng xinh xắn, thì đừng bỏ qua chốn phố cổ xinh đẹp này nhé!

Xem thêm: Nét Đẹp (hoankiem360.vn)

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,833,222