Thứ sáu, 03/05/2024

Kênh doanh nghiệp / / Khám phá Hà Nội Thế kỷ XIX

Khám phá Hà Nội Thế kỷ XIX

Cùng theo chân Hoankiem360 trên “Chuyến tàu điện” trở về quá khứ với những khung hình của Hà Nội giai đoạn thế kỉ XIX nhé !

Đã bao giờ bạn nghĩ đến hình ảnh Hà Nội của một giai đoạn chuyển tiếp giữa đô thị thuần Việt tới đô thị kiểu Phương Tây chưa ? Ở đó ta có thể thấy được những mảng màu đầu tiên về sự giao thoa giữa các nền văn hóa. Cùng theo chân Hoankiem360 trên “Chuyến tàu điện” trở về quá khứ với những khung hình của Hà Nội giai đoạn thế kỷ XIX nhé !

Phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền) chụp từ quảng trường Nhà hát Thành phố

Phần tiền cảnh là garage Boillot , một đại lý của hãng xe Peugeot, nằm đối diện với Nhà hát Thành phố Hà Nội và ở điểm đầu của phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền). Con phố này do người Pháp mở đầu tiên nhanh chóng trở thành huyết mạch chính của thành phố, như một hình ảnh đại diện của xã hội đương thời với các cửa hàng sang trọng và lối đi dạo cho tầng lớp giàu có trong thành phố. Phần chân tường của tòa nhà garage Boillot có màu sẫm hơn so với màu sáng của tường (hầu hết mặt tường của các công trình thuộc dãy mặt tiền đều có màu sáng) có thể nhằm để bảo vệ chân tường chống bụi bẩn. Bức ảnh này cũng thể hiện rõ hệ thống điện của thành phố: Cột điện, tuyến cáp, các trụ sứ cách điện gắn trên tường... Chủ trương điện khí hóa Hà Nội là một yếu tố quan trọng góp phần vào quá trình hiện đại hóa thành phố.

Vì đây là một trong số ít những con phố do người Pháp mở mà không trồng cây hai bên đường nên chủ các cửa hiệu hai bên đều cho lắp các mái hiên tránh nắng, một số tòa nhà sử dụng kiểu mái che bằng những bạt có sọc trắng đỏ.

Bên hông Nhà hát Thành phố với một chiếc xe kéo tay

Việc xây dựng Nhà hát Thành phố Hà Nội là một dự án đầu tư công đáng chú ý trong nỗ lực truyền bá văn hóa tại thành phố Hà Nội, đặc biệt thông qua cách du nhập một hình thức sân khấu và biểu diễn mới, khác với các hình thức biểu diễn sân khấu truyền thống của Việt Nam. Tất nhiên, các hình thức truyền thống vẫn tiếp tục được duy trì (một số rạp hát kiểu Việt Nam được xây dựng dưới thời Pháp thuộc), nhưng Nhà hát Thành  phố là một cách để quốc tế hóa bộ môn nghệ thuật này (chỉ có 3 nhà hát được xây dựng tại Liên bang Đông Dương thuộc Pháp ở Hà Nội, Sài Gòn và Hải Phòng) và cũng để áp đặt một tầm nhìn kiểu phương Tây về nghệ thuật và thẩm mỹ.

Thuyền bè bên bờ sông Hồng gần cầu Long Biên lúc hoàng hôn

Khu vực bờ sông gần chân cầu được dùng nơi tập kết các mặt hàng vật liệu để chuyên chở bằng đường sông. Bức ảnh cũng cho thấy phương tiện giao thông đường thủy này chiếm ưu thế, nhưng về  sau không cạnh tranh được với đường sắt và đường bộ mà biểu tượng ở đây là cây cầu Long Biên (cầu Doumer). Công trình đồ sộ này ngoài việc là một kỳ tích thực sự về kỹ thuật (cây cầu dài nhất châu Á vào đầu thế kỷ 20) còn tạo nên sự thay đổi lớn trong mạng lưới giao thông ở miền Bắc Việt Nam.

Đền Ngọc Sơn

Bức ảnh chụp đền Ngọc Sơn cho thấy các tuyến dây điện đã được kéo ra đảo Ngọc trên hồ Hoàn Kiếm .

Hệ thống chiếu sáng công cộng được lắp đặt tại Hà Nội rất sớm: Các đường phố được lắp cột đèn điện từ năm 1895. Tại Paris, đèn đường cũng chỉ xuất hiện từ năm 1878 với đại lộ Opéra là tuyến phố đầu tiên được trang bị 62 cột đèn đường.

Nhà hát thành phố

Nhà hát Thành phố Hà Nội được xây dựng từ năm 1908 đến năm 1916, theo thiết kế của các kiến trúc sư Lagisquet và Harlay.

Kiến trúc tân cổ điển và sự tương đồng với nhà hát Opéra Garnier ở Paris mang lại cho Nhà hát Thành phố Hà Nội tầm quan trọng đặc biệt để truyền bá văn hóa Pháp và củng cố vị thế của khu phố Tây như mong muốn của chính quyền thuộc địa.

Người châu Âu khi đó cho rằng nhà hát nằm quá xa khu phố của họ, nhưng vị trí này trên nền phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền) thể hiện mong muốn phát triển đô thị và sử dụng các công trình công cộng làm chất xúc tác cho quá trình đô thị hóa.

Một chiếc xe kéo tay trước những cửa hiệu và hàng cây phượng vĩ đang mùa ra hoa trên phố Hàng Thiếc

Phố Hàng Thiếc là một con phố tiêu biểu của nghề thủ công và sản xuất bản địa. Tuy nhiên, một trong số những cửa hiệu trong bức ảnh này có bày bán một chiếc bồn tắm theo kiểu phương Tây.  Điều đó cho thấy sự thích ứng của những người thợ thủ công Việt Nam với nhu cầu của khách hàng.

Phần bên phải bức ảnh cũng có một chiếc xe kéo tay. Phương tiện đi lại này được một công chức người Pháp du nhập vào Hà Nội vào cuối thế kỷ 19 theo mô hình xe kéo tay ở Hồng Kông.

Chiếc xe kéo trong bức ảnh này có biển số đăng ký và có thể thuộc về một trong những công ty xe kéo cung cấp dịch vụ cho các quan chức giàu có của Pháp và Việt Nam cũng như tầng lớp thị dân khá giả.

 

Nguồn ảnh: Bảo tàng Albert Kahn cung cấp

Bài viết: Ông Emmanuel Cerise - Giám đốc PRX Vietnam

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,897,575