Thứ sáu, 17/05/2024

Kênh doanh nghiệp / / Hà Nội – Nghề xưa, phố cũ

Hà Nội – Nghề xưa, phố cũ

Những con người “trót” yêu mảnh đất kinh kì đều công nhận rằng: Nét đẹp của Hà Nội đến từ chính vẻ rêu phong nhuốm màu thời gian, đến từ vạt nắng vàng rọi lên mái ngói đỏ cong cong xưa cũ, đến từ chính những điều tưởng chừng như xưa như cổ. Không chỉ vậy, những phố nghề xưa cũng đã phần nào giữ lại phần “hồn” của Hà Nội, kéo những con người về ngày xưa, tạo nên nốt trầm cho bản nhạc viết riêng cho mảnh đất này.

 

Phố cổ ngày càng đông đúc, càng có nhiều nghề mới. Đáng buồn thay, trong một vài khoảnh khắc, chúng ta cũng sẽ phải chấp nhận rằng một số nghề cũ sẽ biến mất hoàn toàn.

Làng nghề truyền thống ở Hà Nội: Một nét lịch sử đầy sáng tạo  

Mỗi con phố trong khu phố cổ đều mang những nét đẹp rất riêng: Có nơi nhộn nhịp, có nơi thật yên bình, nhưng có nơi lại trầm mặc và cổ kính.

Nhắc đến Hà Nội, không thể không nhắc tới phố “Hàng”. Hà Nội xưa vốn vẫn nổi tiếng với 36 phố cổ, mỗi con phố lại được đặt tên theo một nghề truyền thống, mang bản sắc rất riêng. Có lẽ, đây chính là một trong những điểu níu chân du khách.

Dạo bước trên những con phố nhỏ, chỉ cần đọc tên đường, là có thể mường tượng được nơi đó có nghề gì. Ví như, phố Lò Rèn với những cửa hàng hình tam giác nho nhỏ chừng 3-4 m2, lúc nào bễ rèn cũng đỏ lửa bên cạnh người đàn ông ngày ngày cặm cụi tay đe, tay búa. Phố Hàng Đồng vẫn có nghề đúc đồng, bán sản phẩm bằng đồng; phố Hàng bạc vẫn gia công chế tác vàng bạc,… rồi phố Hàng Thiếc tuy chỉ dài vài trăm mét nhưng tiếng búa, tiếng gõ vang vọng cả con phố nhỏ.

Với những người thường xuyên đi qua khu phố cổ, chắc đã không còn quá xa lạ với nghề rèn. Tiếng beng beng, tiếng búa và cả những tia sáng bừng lên bên cạnh những người thợ đã dần trở thành “thương hiệu” của nơi đây

Nhưng có lẽ, làng nghề chỉ là một phần. Hấp dẫn hơn cả chính là nơi đây phản ánh được nếp sống yên bình và thói quen sinh hoạt của người dân phố cổ. Sống ở mảnh đất kinh kì lâu năm, những con người này như được thấm nhuần cái nét rất riêng của thành phố: Họ thích những điều nhẹ nhàng, tinh tế. Người Hà Nội, đặc biệt là thế hệ cũ, rất thích sự yên bình. Mỗi nhà mỗi nghề mỗi việc, tấp nập và vội vã. Tưởng chừng như xô bồ, nhưng cuộc sống của những con người nơi đây giống như vòng quay của thời gian, êm đềm và chầm trậm trôi trong chính bước chuyển mình mạnh mẽ của thành phố. Chính nhờ những nét văn hóa đặc sắc này, mà người ta thấy được một Hà Nội thật khác, thật cổ kính của một thời vàng son cũ đã trôi qua.  

Nghề chưa mất bóng…

Ngày nay, không thể phủ nhận được rằng rất nhiều phố “Hàng” đã chuyển sang kinh doanh những mặt hàng khác. Cũng không thể trách, vì đổi thay là một phần của cuộc sống. Đổi thay để thích ứng với thời cuộc, thích ứng với thế giới xung quanh. Thế nhưng, nếp sống của người dân phố cổ, những phố hàng chưa “mất bóng” cũng đủ để người ta cảm nhận được cái hồn cốt, cái tinh túy của phố nghề xưa.  

Giữa Hà Nội thăng trầm, đổi thay cùng dòng chảy thời gian, nghề vẽ truyền thần là một dấu ấn về một nghề từng rất thịnh hành những năm 50, đến 80 của thế kỉ trước ở Khu phố cổ Hà Nội.

Người ta vẫn có thể tìm đến Hàng Chiếu để mua những manh chiếu mới, vẫn đến hàng Đường để tìm kiếm một bọc ô mai chua ngọt, vẫn đến với Lãn Ông để hít hà, để cảm nhận cái phong vị rất riêng của Hà Nội. Rồi đôi khi “nhớ nghề”, nhớ hồn cốt dân tộc, là lại có thể lạc bước đến vài phố Hàng xưa, để nhìn những tia sáng bừng lên bên cạnh những người thợ cần mẫn chế tác vật dụng hàng ngày.  

Chưa kể, những dầu ấn Hà Nội ấy còn nằm cả ở bên trong những con người của thế hệ cũ. Là cụ già móm mém với hàm răng đen bóng, ngồi nhai miếng trầu không bên cạnh sạp hàng cũ, là cụ ông ngồi thoải mái bên chiếc ghế bành, bên cạnh là đặc những chai lọ thủy tinh ánh lên trong ánh nắng vàng.  

Những phố nghề xưa lưu truyền đến nay tạo nên những cung trầm của một bản giao hưởng, để Hà Nội tiên tiến, nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa Việt.

Rồi những nghề cũ hơn, ít phổ biến hơn như nghề làm thiên nga bông của cụ già 83 tuổi phố Hàng Lược. Bán chẳng được bao nhiêu, nhưng nhìn đôi mắt tinh tường, bàn tay nhanh thoăn thoắt tỉ mẩn làm từng chi tiết ở cái tuổi xưa nay hiếm, người ta mới nhận ra được giá trị của những điều xưa cũ ấy rồi trầm trồ thốt lên: “À, hóa ra Hà Nội đã từng có một thời như thế…”

Ở Hà Nội, người ta vẫn tìm thấy nhau

Lạ một nỗi, khu phố cổ giống như một “xã hội thu nhỏ”. Chẳng cần quảng cáo, nhưng lúc cần, những con người sống trong khu này vẫn có thể tìm thấy nhau rất nhanh.  

Muốn làm một con dấu, là người ta sẽ nhớ ngay đến hình ảnh người thầy giáo mắt đeo kính cận, dáng người phúc hậu, ngồi tỉ mẩn làm những con triện, con dấu bằng gỗ thị ở số 6 Hàng Quạt. Muốn “hồi sinh” những chiếc quạt, người ta cũng sẽ nhớ ngay tới “vua quạt cổ” 71 tuổi sống ở phố Tạ Hiện. Tài năng của ông đã nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Rồi mỗi dịp trung thu đến, những người thợ bánh lành nghề đều ao ước có được một chiếc khuôn thủ công tinh xảo của Ông Quang ở 59 phố Hàng Quạt.  

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, Khu phố cổ Hà Nội ngày nay còn lưu giữ những nghề cũ, khiến chúng ta bồi hồi mỗi khi nhớ về

Những con người ở cái tuổi xưa nay hiếm cũng sẽ đến lúc phải ngưng tay. Có những nghề được truyền lại cho con cháu, có những nghề lại không. Nhưng cho dù vậy, thì cốt cách, “hồn” Hà Nội cũng vẫn sẽ còn đọng lại, đủ nhiều để người ta thêm trân trọng, thêm nhớ nhung về một thời trầm mặc cổ kính rất xưa. Thế mới nói, Hà Nội cứ cũ thế thôi, mà không bao giờ hết làm xiêu lòng người...

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 28,032,885