Thứ hai, 20/05/2024

Kênh doanh nghiệp / / GS Hoàng Đạo Kính: Vẽ là “thiền” đối với tôi

GS Hoàng Đạo Kính: Vẽ là “thiền” đối với tôi

Dành cả đời cho công việc trùng tu di tích nhưng không quên những rung cảm của “màu sắc chan hòa, ngập tràn trong ánh sáng và tình đời” như lời ông tự bộc bạch khi treo 30 bức tranh hoa mới của mình tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hà Nội) trong tuần đầu năm mới 2024.

Một bức tranh hoa của GS Hoàng Đạo Kính tại triển lãm.

Đã ngoài tuổi xưa nay hiếm từ lâu, GS, TS, KTS Hoàng Đạo Kính đã được nhiều người biết đến qua nhiều công trình tu bổ: Đình Tây Đằng, chùa Kim Liên, chùa Bút Tháp, chùa Tây Phương, chùa Thầy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, quần thể kiến trúc cung đình Huế, hệ thống tháp Chăm, phố cổ Hội An, làng cổ Phước Tích, Nhà hát Lớn Hà Nội… Ông còn chủ trì thiết kế: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở khu di tích Đá Chông, quần thể chùa Bái Đính, quần thể chùa Tam Chúc… 

Nhưng ít người biết niềm đam mê của ông là vẽ, hai chủ đề chính của ông là phong cảnh - di tích và hoa, sở trường của ông là màu nước. Trên những bước đường bảo tồn - tu bổ các di tích, ở đâu cũng thấy bóng hình quá khứ trầm mặc trong những công trình của tiền nhân, nhưng ông cũng nhìn ra trong những sắc màu ánh sáng chan hòa và tình đời. Trong khi vẽ, ông thấy và cảm được sự cân bằng mà mình “cần như sự thở”. Càng về sau ông càng say đắm vẽ hoa hơn. 

GS Hoàng Đạo Kính đã, đang và chắc là sẽ còn vẽ thêm nhiều hoa. Ông thấy những đóa hoa tự nhiên cũng có một điểm chung với những di tích là cùng mong manh và cần phải nâng niu bảo vệ. Ông vừa vẽ vừa suy ngẫm trên sắc màu và hình họa về nghề, về thế sự, về cuộc sống. Những chiêm nghiệm rồi đúc kết của ông cũng giản dị và chân chất như những bông hoa ông chọn vẽ, nhiều câu cô đọng như những châm ngôn: “Giữa căn nhà Việt và câu ca dao, nhận ra cái chung”, “Nhà không dựng từ móng, từ cột. Nhà dựng từ nếp nghĩ, nếp sống”, “Con cháu kế thừa cái nhà. Cộng đồng kế thừa đô thị”, “Mở rộng lãnh thổ đô thị quá tay là con đường nông thôn hóa đô thị nhanh hơn cả”, “Độ rộng lớn của đô thị nhiều khi tỷ lệ nghịch với văn minh đô thị”, “Nghèo dễ làm cho xây dựng khó trở thành kiến trúc. Giàu dễ làm cho kiến trúc trở thành phù phiếm”… và còn nữa. Ông đã truyền đạt cho nhiều thế hệ học trò như thế. 

GS Hoàng Đạo Kính thường đặc tả hoa. Ông vẽ hoa với những chi tiết đơn sơ gần như tối giản. Những bức hoa ông treo trong lần triển lãm này cũng vậy. Các bức họa hoa của ông không nhiều tầng, đa lớp, phức tạp mà giản dị, chân thực trong kỹ thuật thể hiện. Ý ông gửi gắm trong các bức họa hoa cũng không trừu tượng xa xôi, không cầu kỳ trong cách biểu đạt. Là người quyết đoán trong công việc chuyên môn nhưng cảm xúc với màu, với nét, với hình họa của ông lại mong manh, chân chất. Các nét vẽ của ông không có sự gay gắt, quyết liệt, màu sắc và hình khối trong tranh của ông chuyển đổi mềm mại, dịu dàng, đến cả những loang màu trên nền cũng vậy - nhẹ nhàng, khiêm tốn để tôn lên những bông hoa ở vị trí trung tâm.

GS Hoàng Đạo Kính vẽ hoa như tự sự với mình. Việc vẽ những bông hoa cho ông nhận ra mình đang tự tại, tự nhiên và hạnh phúc. Ông muốn biểu đạt ánh nhìn điềm tĩnh và nhân ái của mình với thiên nhiên, với cuộc đời qua những bức tranh hoa. Màu và bút vẽ cho ông sự cuốn hút vào cuộc hội ngộ giữa xúc cảm và khát khao biểu đạt, giữa triết lý và tình cảm, giữa mơ mộng và thực tại, giữa hội tụ và chia sẻ…

Và ông tự “thú nhận” rằng: “Vẽ là thoát, vẽ là cho…”.

Nguồn: Ngữ Thiên, Thời Nay, Ấn phẩm của Báo Nhân Dân

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 28,062,980