Thứ tư, 01/05/2024

Kênh doanh nghiệp / / Giữa lòng Hà Nội có một Tháp Bút hơn 150 năm ’viết lên trời xanh’

Giữa lòng Hà Nội có một Tháp Bút hơn 150 năm ’viết lên trời xanh’

Hà Nội, ngoài Văn Miếu - Quốc Tử Giám, 36 phố phường cổ, Hoàng Thành Thăng Long,... thì còn có một cụm di tích tại hồ Hoàn Kiếm mà ai đã đặt chân đến đất thủ đô đều nên ghé thăm. Tại đó, có một tòa tháp rất đặc biệt, không đồ sộ nguy nga nhưng vĩ đại, không lộng lẫy lầu son gác tía nhưng vang bóng một thời. Tòa tháp ấy dẫu nhỏ bé, khiêm nhường nép mình bên hồ Hoàn Kiếm, nhưng lại mang một hoài bão thật lớn lao: Viết lên trời xanh! - Đó chính là Tháp Bút trên núi Độc Tôn.

Sử sách ghi chép, hai mươi ba năm sau khi đền Ngọc Sơn được hoàn thành, vào năm Ất Sửu (1865), Án sát đương nhiệm ở tỉnh Hà Nội là Đặng Huy Tá cùng Án sát về hưu là Nguyễn Văn Siêu đã đứng ra trùng tu lại ngôi đền và xây dựng thêm một vài công trình như: Trấn Ba đình, cầu Thê Húc, Đài Nghiên và Tháp Bút.

Tháp Bút uy nghi hiện lên giữa lòng Hà Nội

Nhắc đến cái tên Nguyễn Văn Siêu - người được mệnh danh là Thần Siêu, hẳn những người con đất Việt đều đã từng nghe đến. Nguyễn Văn Siêu (1799-1872) tự là Tống Ban, hiệu Phương Đình. Ông sinh ra tại huyện Thanh Trì (Hà Nội). Từ nhỏ, Nguyễn Văn Siêu đã có tư chất thông minh. Mới 7 tuổi, cậu bé Siêu đã theo cha học viết chữ, đọc sách, 12 tuổi đã có thể tự làm bức hoành phi và đôi câu đối dán ở buồng học.

15 tuổi, Nguyễn Văn Siêu theo học thầy hương cống Trần Công Tiến. Năm 1838, ông thi đỗ Phó bảng ở kinh thành Huế. Khi vua Thiệu Trị lên ngôi, ông được phong chức Thừa chỉ ở Nội các. Ông làm thầy dạy học cho các hoàng tử, trong đó có Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (vua Tự Đức sau này). Sau khi mất (1872), ông được dân giáp Giang Nguyên tôn làm Thành hoàng, thờ chung với thần sông Tô Lịch và Đô Đài Công Nguyễn Trung Ngạn thời Trần. Ông để lại cho đời hàng vạn trang sách về lịch sử, văn hóa, địa lý, triết học, văn học. 

Như vậy, Tháp Bút tính đến hiện nay đã hơn 150 tuổi. Tháp Bút, theo ý tưởng của Thần Siêu là tượng trưng cho nền “văn vật", hiểu nôm na là một công trình hiện vật mang tính dân tộc, có giá trị nghệ thuật và lịch sử.

Tháp dựng trên một cái gò do đá hộc xếp thành, gò này tượng trưng cho 1 ngọn núi có tên là Độc Tôn. Tháp dạng vuông, gồm 5 tầng, đường kính 12m, cao 28m. Đỉnh tháp có hình dạng một ngòi bút dựng ngược, do đó được gọi là Tháp Bút. Cán và ngòi bút trên đỉnh tháp cao khoảng 0,9m. Trên thân tháp, ở vị trí của 3 tầng giữa có khắc theo chiều dọc ba chữ “Tả Thanh Thiên” có nghĩa là “Viết lên trời xanh”. Rất nhiều ý nghĩa có thể phân tích từ ba chữ này: có thể là giãi bày tấm lòng với trời xanh, là cảm hứng đầy tráng khí, là tâm hồn rộng mở bao la,… nhưng chung quy lại, vẫn là thể hiện cái hùng tâm tráng chí của các bậc sĩ phu yêu nước thời bấy giờ.

Khung cảnh Tháp Bút cổ kính trong buổi sớm tinh sương

Đã có bút thì chắc chắn phải có nghiên. Nằm ở đầu cầu Thê Húc chính là Đài Nghiên. Nghiên được đặt trên tòa cửa đầu tiên dẫn vào đền Ngọc Sơn. Nghiên mực được làm bằng đá xanh, đẽo tạc khéo léo theo hình dáng của nửa quả đào cắt ngang theo chiều dọc và được khoét lõm, nghiên mực này được ba con thiềm thừ (con cóc ba chân) đội trên đầu. Trên thân của nghiên được khắc một bài minh thuộc thể thơ Cổ phong - thể thơ ra đời vào thời nhà Đường (Trung Quốc) không theo niêm luật, không hạn chế số câu, số chữ. Bài minh trên Đài Nghiên gồm 64 chữ Hán (tứ ngôn thi) mà tác giả chính là Nguyễn Văn Siêu. 

Chẳng biết tự bao giờ, người ta hay rỉ tai nhau về một sự kiện đặc biệt ở Tháp Bút, Đài Nghiên. Cứ vào sáng ngày mùng 5 tháng 5 Âm lịch khi mặt trời mọc thì bóng của ngòi bút sẽ chấm đúng vào lòng Nghiên mực. Tuy nhiên, ngày nay đã có rất nhiều tranh cãi khoa học cho sự kiện lạ này, nếu sự kiện này xảy ra vào một ngày cố định trong năm thì chỉ có thể theo lịch Dương vì độ dài các năm khác nhau 1 ngày, không thể theo lịch Âm vì độ dài các năm có thể khác nhau đến 1 tháng (29 hay 30 ngày) do có năm nhuận.

Hơn 150 năm đã trôi qua, nhưng Tháp Bút, Đài Nghiên đến giờ vẫn được bảo toàn gần như nguyên vẹn. Giữa vùng đất thủ đô ngày nay đã phát triển, hội nhập đủ đầy những tiến bộ của thế giới, vẫn còn sót lại chút gì đó cổ kính, trầm lắng, khiến người ta mỗi khi nghĩ về lại cảm được cái hồn dân tộc:

“Tháp Bút, nghiên mực còn đây

Cầu cong Thê Húc tháng ngày chẳng phai”

Nguồn: Sưu tầm

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,880,035