Thứ hai, 29/04/2024

Kênh doanh nghiệp / / Bài cuối: Bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị di sản

Bài cuối: Bảo vệ môi trường, nâng cao giá trị di sản

Nhắc tới du lịch quận Hoàn Kiếm, không thể không nhắc tới khu phố cổ Hà Nội, nơi lưu giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa Hà thành và là một địa điểm không thể bỏ lỡ khi du khách đến với Thủ đô.

Thế nhưng, những giá trị to lớn của khu phố cổ Hà Nội sẽ không thể trường tồn và phát huy nếu môi trường ở khu vực này không được quan tâm một cách thích đáng.

Làm sống lại nhiều không gian di sản

Cùng với việc triển khai nhiều dự án trên địa bàn quận Hoàn Kiếm về bảo vệ môi trường, hồi sinh không gian văn hóa - Kẻ Chợ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phố cổ, UBND quận luôn chú trọng công tác bảo tồn, phát huy rất nhiều công trình, di tích thể hiện sự đa dạng về văn hóa trên khu phố cổ Hà Nội. Có thể kể tới như ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, đình Kim Ngân 42 - 44 Hàng Bạc, Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ 50 Đào Duy Từ, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hội quán Quảng Đông)...

Phố Phùng Hưng được hồi sinh khi chính quyền và Nhân dân quận Hoàn Kiếm thực hiện cải tạo môi trường, tạo nên một không gian văn hóa nghệ thuật. Ảnh: Thu Cúc

Đáng nói, tại các công trình này, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội cải tạo những vách ngăn cũ nát của các gia đình đã từng sinh sống trong công trình, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất bảo đảm vệ sinh, tạo cảnh quan tốt cho du khách khi tới tham quan. Nhờ đó, những vách ngăn, nhà tạm lụp xụp, cũ nát, không bảo đảm vệ sinh nay đã biến thành điểm thăm quan với cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ.

Cùng với việc cải tạo, cải thiện vệ sinh các công trình, di tích trên khu phố cổ, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội còn phối hợp cùng các đơn vị tham gia dự án “Nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng”. Dự án ra đời vào năm 2017 từ chủ trương của UBND TP Hà Nội phát huy giá trị các vòm đá đoạn đường dẫn cầu Long Biên, thuộc khu phố cổ Hà Nội.

Dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai nhưng bằng quyết tâm của chính quyền quận Hoàn Kiếm, cùng với việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ lợi ích của việc cải tạo, dự án “Nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng” đã được thực hiện thành công.

Theo chia sẻ của một số người dân sống tại con phố Phùng Hưng, con phố như được hồi sinh khi dự án khai trương. Con đường khiến cho người dân sở tại cảm thấy hài lòng bởi sự lung linh, trở thành điểm check-in lý tưởng cho du khách, không còn nhếch nhác như trước. Dự án đã tạo nên một hình mẫu, là một trong những bước chân đầu tiên trên con đường biến Hà Nội trở thành một TP sáng tạo.

Tiếp theo thành công của dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng, con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân thuộc dự án cải tạo và nâng cấp bờ vở sông Hồng đã được UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện. Dự án trước hết nhằm cải thiện môi trường sống của người dân trong khu vực, tạo một không gian văn hóa giải trí mới cho cộng đồng.

Nhiều tác phẩm được thiết kế từ những vật dụng tái chế như vỏ chai, lốp xe, thùng phuy, bu gà… vừa thân thiện môi trường, vừa tạo sự khác biệt và độc đáo. Khi con đường nghệ thuật được hình thành, người dân đã bày tỏ sự ủng hộ rất cao, họ cũng có thêm nhiều ý tưởng để duy trì, phát triển cảnh quan nghệ thuật. Đáng nói, trước khi có dự án, đoạn đường ven sông Hồng tại phường Phúc Tân vốn là nơi tập kết rác thải, nhếch nhác, mất vệ sinh.

Một số đề xuất cho môi trường

Để công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đạt hiệu quả cao, cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về môi trường, nhất là những trường hợp đổ trộm chất thải ở bờ sông Hồng. Những chất thải rắn sinh hoạt từ các hộ gia đình cũng cần có phương án thu gom, xử lý theo quy định.

Cùng đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho Nhân dân về bảo vệ môi trường, từ đó tự giác chấp hành nghiêm chỉnh về giữ gìn vệ sinh môi trường và an toàn trong sản xuất… Chính quyền cần tuyên truyền đến người dân tiết kiệm nguồn năng lượng trong sinh hoạt và hoạt động sản xuất. Có thể ưu tiên sử dụng các thiết bị điện dân dụng như bóng đèn compact, các loại pin nạp. Chỉ một thay đổi nhỏ này cũng có thể mang đến lợi ích to lớn. Theo các chuyên gia của Bộ Môi trường Mỹ, chỉ cần mỗi hộ gia đình của quốc gia này thay một bóng đèn compact thì ước tính cả nước đã có thể tiết kiệm được năng lượng điện cho khoảng 3 triệu gia đình khác.

Cùng với đó, chính quyền cũng cần tuyên truyền để người dân, du khách tăng cường sử dụng phương tiện công cộng và xe điện thay cho phương tiện cá nhân, phương tiện chạy nhiên liệu hóa thạch. Phương tiện giao thông tạo ra lượng phát thải khí nhà kính rất lớn, vậy nên, một trong những cách để giảm đáng kể nhu cầu nhiên liệu cho giao thông là sử dụng các phương tiện công cộng hoặc chuyển sang đi bộ, đi xe đạp, xe điện. Di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng sẽ là một lựa chọn cho tất cả mọi người. Đồng thời, xu hướng phát triển giao thông xanh – thông minh đang là hướng đi đúng đắn để tạo ra sự phát triển bền vững.

Trong sinh hoạt hàng ngày, cần hạn chế sử dụng những vật dụng làm từ nhựa, vì nhựa được làm từ dầu và quá trình chiết xuất, tinh chế để biến dầu thành nhựa có cường độ carbon rất cao. Đặc biệt, sẽ mất rất nhiều thời gian nhựa mới bị phân hủy trong tự nhiên. Bên cạnh đó, ưu tiên sản phẩm làm từ nguyên liệu tự nhiên có thời gian phân hủy nhanh để thay thế cho nhựa như những vật liệu tre, giấy…

Với quyết tâm lớn, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, cùng sự ủng hộ, chung tay của người dân, tôi tin rằng môi trường của Thủ đô nói chung và quận Hoàn Kiếm nói riêng sẽ nhanh chóng được cải thiện, ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.

Nguồn: Báo Kinh tế Đô Thị

 

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,859,307