Thứ sáu, 26/04/2024

Kênh doanh nghiệp / / Ý nghĩa đằng sau những bức tranh Tết kinh điển của phố Hàng Trống xưa

Ý nghĩa đằng sau những bức tranh Tết kinh điển của phố Hàng Trống xưa

Tranh Hàng Trống là một dòng tranh dân gian nổi tiếng, rất thịnh hành vào ngày Tết ở Hà Nội xưa.

Tranh Hàng Trống từ lâu đã được biết đến là một trong những dòng tranh dân gian nổi tiếng của dân tộc Việt Nam. Tranh được được sản xuất tại phố Hàng Trống, Hàng Nón và Hàng Quạt của huyện Thọ Xương, Hà Nội.

Từ xa xưa, tranh được bày bán ở đây là do các họa sĩ tài hoa của bản địa vẽ. Sau đó, một số những họa sĩ từ nhiều nơi khác nhau đến vẽ và sản xuất tranh. Do đó, loại tranh này còn được biết đến với những tên hiệu nổi tiếng như Phúc Bình, Vĩnh Lợi và Thanh An.

Tranh Hàng Trống không giống với Tranh Đông Hồ hay Tranh Kim Hoàng. Loại giấy được sử dụng là giấy có chiều dài, rộng và nền trơn để họa sĩ có thể dễ dàng trong việc vẽ tranh.

Tranh sau khi được in và in ván gỗ thì người nghệ nhân sẽ tiếp tục bồi giấy nhằm giúp bức tranh nổi bật với những nét vẽ đậm và rõ ràng hơn. Tất cả các công đoạn để làm loại tranh này đều được thực hiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ và khéo léo nhằm tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng cao. Sau khi hồ khô người nghệ nhân sẽ vẽ thêm màu lại một lần nữa. Thông thường, những bức tranh thành phẩm cần phải mất từ 3 – 4 ngày. Bức tranh sau khi được hoàn thành sẽ được lồng trục vào hai đầu để treo trên tường.

Những nét khắc của Tranh Hàng Trống từ lâu đã được đánh giá rất cao về chất lượng. Đường nét của tranh thường rất mềm mại, tinh vi và rất mảnh mai.

Cùng Hoàn Kiếm 360 khám phá ý nghĩa của những bức tranh Hàng Trống tiêu biểu nhất.

"Cá chép vượt vũ môn" là bức tranh Hàng Trống được treo phổ biến vào ngày Tết. Có nguồn gốc từ một tích truyện cổ Trung Hoa, bức tranh gửi gắm lời chúc đỗ đạt trong thi cử.

 

Tranh "Tố nữ" thể hiện hình tượng của bốn cô gái đẹp đang diễn tấu các loại nhạc cụ như đàn nguyệt, sáo trúc, điểm phách và múa quạt, là lời chúc cho năm mới niềm vui ngập tràn mọi nếp nhà.

 

Tranh "Tứ bình" hay "Tứ quý bốn mùa" là bức tranh khắc họa bốn loại cây Tùng - Cúc - Trúc - Mai tượng trưng cho bốn mùa trong năm là Xuân - Hạ - Thu - Đông. Bốn loại cây này là bốn loại cây tượng trưng cho những tính cách tốt đẹp, cao quý của con người.

 

Tranh "Cá chép trông trăng" có sự kết hợp của hình tượng Cá chép (tượng trưng cho ý thức, nghị lực vươn lên trong cuộc sống) với Trăng (tượng trưng cho sự viên mãn, vẹn toàn, hoàn mỹ), thể hiện ước vọng về một năm mới nhiều thành tựu.

 

Bức tranh "Chim công" hàm ý chúc tụng đạt được công danh, phú quý.

 

Tranh Tam Đa: Đa Phúc, Đa Lộc, Đa Thọ mang ý nghĩa chúc tụng trường thọ, lắm con nhiều cháu, làm quan nhiều bổng lộc.

 

Tranh "Thất đồng" (Bảy đứa trẻ) thể hiện ước vọng đông con cháu để nối dõi.

 

Tranh "Ngũ Hổ" là tranh thờ nổi tiếng với hình ảnh năm con Hổ được thể hiện với bố cục cân đối, mỗi con mang một dáng vẻ khác nhau: con đứng, con ngồi, con cưỡi mây lướt gió... với năm màu chính là đen, đỏ, xanh, trắng, vàng. Năm màu sắc này là những màu sắc tượng trưng theo quan niệm Ngũ Hành của phong thủy.

 

Tranh thờ "Tam Tòa Thánh Mẫu" thể hiện nét tín ngưỡng đạo Mẫu với hình tượng Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Địa Tiên Thánh Mẫu - những vị thần tiên tượng trưng cho quyền năng sáng tạo trong vũ trụ, cai quản các miền khác nhau của trời, đất, vũ trụ thượng ngàn.

Bằng những tác phẩm ấy, tranh dân gian Hàng Trống còn lưu lại mãi mãi trong tâm trí mỗi người Việt Nam chúng ta. Những tác phẩm của dòng tranh dân gian Hàng Trống là những kiệt tác, toát lên cái sinh động, tinh tế, ý nhị và sâu sắc lạ thường cả về nội dung lẫn hình thức.

Khá nhiều tranh Hàng Trống đã đạt mức kiệt tác, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình dân gian Việt Nam. Từ nội dung, hình thức đến chất liệu, tranh Hàng Trống mang màu sắc đặc trưng riêng của Hà Nội, nhưng cũng rất Việt Nam, không thể trộn lẫn.

Tổng hợp

 

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,832,982