Thứ bảy, 27/04/2024

Sự kiện / Triển lãm tranh "Hổ Nhâm Dần 2022"

Triển lãm tranh "Hổ Nhâm Dần 2022"

28/01/2022 85 view

Năm Nhâm Dần, với hình tượng con hổ - một con vật với tạo hình đẹp và gắn với yếu tố tâm linh của người Việt qua dòng tranh thờ Hàng Trống - tiếp tục gợi hứng, gợi cảm cho các họa sĩ. Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động văn hóa nghệ thuật Mừng Đảng Mừng Xuân năm 2022, Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức triển lãm "Hổ Nhâm Dần 2022" với sự góp mặt của 11 họa sĩ.

Như một thú vui tao nhã và truyền thống mỗi độ Tết đến Xuân về, nhiều họa sĩ lại vẽ tranh con giáp như một ước nguyện cho một năm mới hanh thông thuận lợi. Trong dòng chảy của mỹ thuật Việt Nam, tranh con giáp đã xuất hiện là một đề tài quen thuộc mà có lẽ hầu hết các họa sĩ ít nhiều đều đã cầm cọ vẽ. Dường như, vào thời điểm năm hết Tết đến vẽ con giáp trở thành một tục lệ đẹp của các họa sĩ.

Năm Nhâm Dần, với hình tượng con hổ - một con vật với tạo hình đẹp và gắn với yếu tố tâm linh của người Việt qua dòng tranh thờ Hàng Trống - tiếp tục gợi hứng, gợi cảm cho các họa sĩ. Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động văn hóa nghệ thuật Mừng Đảng Mừng Xuân năm 2022, Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức triển lãm "Hổ Nhâm Dần 2022" với sự góp mặt của 11 họa sĩ.

1. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức - Trưởng nhóm

Nguyễn Mạnh Đức là ông chủ của không gian nghệ thuật nhà sàn (Nhà Sàn Collective) tại Hà Nội - không gian nghệ thuật thử nghiệm phi lợi nhuận đầu tiên và lâu đời nhất tại Việt Nam được thành lập từ năm 1998. Ông còn là người tạo dựng bối cảnh cho những bộ phim điện ảnh, truyền hình mang đậm yếu tố lịch sử, xã hội truyền thống của người Việt xưa. Nhà nghiên cứu, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức từng đoạt Cánh diều vàng - LHP Việt Nam cho hạng mục Họa sĩ thiết kế, phim “Long thành cầm giả ca” vào năm 2011. Ông cũng được biết đến là một họa sĩ bối cảnh có đóng góp quan trọng cho thành công của 23 tập phim truyền hình Lều chõng (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân), tham gia làm bối cảnh cho phim Hạt mưa rơi bao lâu (đạo diễn Đoàn Minh Phượng) và Thời xa vắng (đạo diễn Hồ Quang Minh).

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức hợp tác cùng Trung tâm giao lưu phố cổ từ năm 2012 để thực hiện các chương trình, sự kiện nghệ thuật đến công chúng. 10 năm gắn bó, đồng hành cùng Ban quản lý Hồ Hoàn Kiến và Phố cổ Hà Nội, nhà nghiên cứu, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức đã góp phần không nhỏ vào việc đưa những di sản văn hóa của cha ông sống trong không gian văn hóa đương đại.

2. NSƯT Trần Hùng (1957) - Nguyên quay phim - Hội viên hội Điện ảnh Việt Nam

Sinh ra, lớn lên và dành trọn cuộc đời quay phim để tìm hiểu về Hà Nội, NSƯT Trần Hùng thuộc lòng từng địa danh, di tích, tên mỗi phố phường. Trong cuộc đời cầm máy của mình, Trần Hùng đã giành hai giải Quay phim xuất sắc nhất tại Giải Cánh Diều Vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam cho “Thời xa vắng” và “Chuyện của Pao”.

Yêu hội họa nhưng cuộc đời lại rẽ lối sang quay phim, vài năm trở lại đây Trần Hùng bắt đầu cầm cọ vẽ trở lại. Trần Hùng vẽ như một sự dấn thân, sống với thứ mình yêu nhất.

Trần Hùng góp mặt với “Hổ Nhâm Dần 2022” với bức tranh hổ mang thông điệp “Hãy vui vì mình và Mọi người để vượt qua nạn Covid của Thế kỷ”.

3. Họa sĩ Trương Thúy Anh (sinh năm 1974)

Trương Thúy Anh hiện làm việc tại Công ty tư vấn kiến trúc VAA, Hội kiến trúc sư Việt Nam.

Bắt đầu tự học vẽ từ 2005. Tham gia triển lãm nhóm "Chớp" tháng 1/2021 tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ. Trưng bày solo "Church" tháng 12/2021 tại Mu Lala Art Space

Góp mặt với 3 bức tranh hổ Tại triển lãm “Hổ Nhâm Dần 2022” với lối vẽ hiện đại, Trương Thúy Anh thể hiện cái nhìn cá nhân về con vật linh của năm Nhâm Dần 2022. Đó là con hổ vui vẻ thân thiện chào đón năm mới, là vợ chồng hổ thảnh thơi nghỉ ngơi - cũng là mong muốn của cá nhân Trương Thúy Anh cho một năm mới vui vẻ và an lành.

4. Họa sĩ Võ Lương Nhi (Sinh năm 1961)

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ 1995. Họa sĩ Võ Lương Nhi tham gia đều đặn các triển lãm Mỹ thuật trong nước và quốc tế. Các tác phẩm của chị đã giành được nhiều giải thưởng nghệ thuật xứng đáng. Tranh của chị có mặt trong Bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và trong các bộ sưu tập tư nhân.

Mỗi năm vào dịp Xuân về, họa sĩ Võ Lương Nhi vẫn dành thời gian và cảm hứng cho việc vẽ tranh con giáp.

Là họa sĩ thiết kế Tem bưu chính của Bưu điện Việt Nam, tranh hổ của Võ Lương Nhi đã giành giải Nhất cho tem Bưu chính về đề tài Tết vào Tết Canh Dần 2010.

Hổ Nhâm Dần 2022 được họa sĩ Võ Lương Nhi vẽ với bằng nét bút mềm mại và những mảng màu biến đổi linh hoạt, quệt màu tươi sáng, tiếp nối cảm hứng về màu sắc và đường nét của hổ năm cũ. Những con hổ như biểu tượng cho sức mạnh mà vẫn ung dung trầm tĩnh và đầy uy quyền.

5. KTS - họa sĩ Trần Tiến Dũng (Dũng trống - 1958)

Sinh ra và lớn lên tại Hà nội. tốt nghiệp Đại học kiến trúc Hà Nội năm 1982. Là một kiến trúc sư nhưng Trần Tiến Dũng lại đam mê âm nhạc và chơi trống trong dàn nhạc sinh viên nên có biệt danh Dũng Trống. Trần Tiến Dũng cũng đặc biệt yêu hội họa, là một họa sĩ tự do, vẽ và sưu tập các tác phẩm hội hoạ của các họa sĩ trong nước và quốc tế.

Trần Tiến Dũng đã tổ chức một triển lãm cá nhân mang tên “Khoảng Lặng” Tại 29 Hàng Bài, Hoàn kiếm, Hà Nội từ 30/3 đến 6/4/2021. Họa sĩ cũng đã có triển lãm cùng các họa sĩ tại Tân Việt Gallery tầng B2- R5 Vincom Royall City 72 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội - Từ 30/3 đến 6/4/2021.

Hiện nay tranh và các tác phẩm nghệ thuật của Trần Tiến Dũng đang bày tại Gallery 39 Linh Lang,Ba Đình, Hà Nội.

4 bức tranh hổ của họa sĩ góp mặt tại triển lãm mang thông điệp: “Vẽ như một lời tự sự, như thao tác hoá hồi ức, tâm sự của chính mình”.

6. Tác giả Ngao'sB

Không câu nệ tranh Hổ Thờ dân gian truyền thống nhưng tranh Hổ của tác giả Ngao'sB vẫn biểu lộ khí thiêng của Cõi Đời Cõi Tâm Linh và Tình Mẫu Tử tuyệt vời... Ngao'sB lồng ba cõi trong nhau...cõi Hổ cõi Người - cõi Phật trong Sự Sống Giao Hoà Sinh Sôi như vậy chính là Lời Chúc Mừng Năm Mới Nhâm Dần 2022 May Mắn - Hạnh Phúc - An Khang - Thịnh Vượng tới mọi người...!

7. Tác giả Phan Thiết

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngành sơn mài năm 1983, Phan Thiết sáng tác nhiều tranh trên nhiều chất liệu như sơn dầu, giấy dó, lụa, phấn màu, nhưng thành công nhất là với giấy dó và phấn màu. Tranh Phan Thiết thường có bố cục vững, màu sắc hài hòa, vừa mang hơi hướng cổ điển lại vừa có sự bứt phá, cách hòa sắc vừa trầm vừa bổng, vừa nhặt vừa khoan. Tranh của Phan Thiết nghiêm túc mà trẻ trung cởi mở, âm thầm mà mạnh mẽ, mơ màng mà sắc bén, vững chãi mà phóng khoáng.

Hổ Nhâm Dần 2022 của Phan Thiết kế thừa nghê thuật dân gian vẽ Con Giống mỗi khi Xuân về Tết đến... họa sĩ muốn tìm kiếm biểu đạt mới đơn giản hơn và phù hợp với thời đại hơn...!

8. KTS - Họa sĩ Hoàng Đỗ Cường (sinh năm 1959)

Là một KTS - họa sĩ Hoàng Đỗ Cường vẽ rất khỏe. Với Hoàng Đỗ Cường, vẽ tranh như ghi nhật ký hằng ngày. Góp mặt cùng triển lãm với những bức tranh hổ, gia đình hổ vui tươi như một lời cầu chúc năm mới tốt đẹp, an lành.

9. Tác giả: Đỗ Dũng (sinh năm 1956)

Sinh ra miền quê Kinh Bắc, dù lớn lên và mấy chục năm làm việc ở Hà Nội nhưng Đỗ Dũng vẫn gắn bó với miền đất quan họ. Mang phẩm chất của anh Hai quan họ, Đỗ Dũng vẽ nghiêm cẩn chăm chút, bố cục chặt chẽ, chắc chắn.

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Đỗ Dũng dành nhiều thời gian và tâm sức sáng tác tranh về văn hóa dân gian. Ông đã triển lãm riêng Tranh Quan họ

Nhận xét về triển lãm lần này Đỗ Dũng cho rằng: “Triển lãm Chào Nhâm Dần 2022 rất có ý nghĩa với việc bảo tồn văn hóa truyền thống và góp phần làm đẹp khu phố cổ Hà Nội”.

10. Họa sĩ Phương Liên (sinh năm 1960)

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, họa sĩ Phương Liên đã có nhiều triển lãm chung và cá nhân. Với sở trường tranh xé giấy họa sĩ Phương Liên thường lựa chọn đề tài gần gũi, bình dị với cuộc sống hằng ngày như phong cảnh, phụ nữ, tĩnh vật… với màu sắc phong phú, tươi sáng được thể hiện một cách tinh tế.

Góp mặt tại triển lãm “Hổ Xuân Nhâm Dần 2022” Phương Liên phát huy sở trường của mình cùng những bức tranh xé dán gia đình hổ với gam màu vàng, đỏ nỏi bật, tươi vui, rực rỡ mang thông điệp sum vầy, đoàn tụ trong ngày Tết.

11. Họa sĩ Tào Linh (1960)

Họa sĩ Tào Linh vốn là một kỹ sư điện nhưng vẽ không phải là một cuộc chơi ơ hờ. Tào Linh gắn bó với giấy dó mấy chục năm và từng có triển lãm giấy dó cùng họa sĩ Bùi Minh Dũng tại Hà Nội từ năm 1993. Ông đã có nhiều triển lãm cá nhân và triển lãm chung.

Mỗi dịp tiễn măn cũ đón năm mới, giống như nhiều họa sĩ khác, Tào Linh thường vẽ tranh con giáp. “Tiễn Sửu đón Dần”, Tào Linh khai thác chất liệu dân gian từ "Ngũ hổ" - tranh Hàng Trống - nhưng không câu nệ nguyên tắc. Tác phẩm mang tinh thần vui vẻ, tích cực phù hợp trưng bày ngày Tết. Họa sĩ Tào Linh cho biết: "Tôi có hứng thú đặc biệt với con hổ không chỉ vì nó đẹp về mặt tạo hình mà còn bởi những yếu tố văn hóa, tâm linh của người Việt qua tranh Hàng Trống.

Ảnh: NSƯT Trần Hùng tổng hợp và cung cấp

KHAI MẠC TRIỂN LÃM TRANH ‘HỔ NHÂM DẦN 2022’ sẽ được diễn ra vào sáng 28/1/2022 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội - 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Triễn lãm liên tục mở cửa từ 28/1/2022 – 15/2/2022

Các sự kiện trong TẾT VIỆT – TẾT PHỐ 2022 được diễn ra dưới sự tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng chống dịch

Fanpage: PHỐ CỔ HÀ NỘI/ Hoàn Kiếm 360/ Di sản Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội

Webiste: hoankiem360.vn

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,839,600