Thứ tư, 17/04/2024

Kênh doanh nghiệp / / Vẻ đẹp gây thương nhớ của phố cổ xưa

Vẻ đẹp gây thương nhớ của phố cổ xưa

Hà Nội cổ xưa nổi tiếng với 36 phố phường luôn là nguồn cảm xúc bất tận cho những câu thơ, bài hát bay bổng. Mỗi một hàng cây, một con phố nhỏ đều tạo nên vẻ đẹp “gây thương nhớ” cho thủ đô Hà Nội.

“Kẻ Chợ” – tên gọi xưa của Thăng Long – Hà Nội

Người ta thường gọi những người dân sống trong những địa phương ấy bằng từ “kẻ”, kèm theo tên gọi riêng của từng nơi, ví dụ như Kẻ Sặt, Kẻ Mơ… với tên gọi chung là “kẻ quê”. Nhiều cộng đồng cư dân, chủ yếu là các làng nghề, ở các địa phương đã di cư lên Thăng Long làm ăn và định cư ở đây. Với những người này, họ có một quê gốc và một quê mới và từ “kẻ quê” đã biến thành “kẻ chợ”.

Vì sự di dân lên Thăng Long ngày một đông đúc nên mạng lưới chợ cũng phát triển nhanh chóng đáp ứng nhu cầu dân sinh và giao thương hàng hóa. Trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Phan Huy Chú đã kể ra 8 chợ ở Thăng Long gồm: Chợ Cửa Đông, chợ Cửa Nam, chợ Huyện, chợ Đình Ngang, chợ Bà Đá, chợ Văn Cử, chợ Bác Cử và chợ Ong Nước.

Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục những năm 1980

Tên Kẻ Chợ thường dùng để chỉ khu phố phường làm ăn buôn bán của Thăng Long, sau trở thành tên gọi chung cho đô thị Thăng Long – Hà Nội. Trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ Hà Nội và sách của các tác giả phương Tây viết về Đàng Ngoài và Thăng Long gọi Hà Nội xưa là Kẻ Chợ. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cũng dùng từ Kẻ Chợ khi nói hay viết thay cho Thăng Long hay Hà Nội xưa.

Theo các nhà khoa học, tên gọi Kẻ Chợ có thể đã xuất hiện từ thời Lý – Trần. Văn bản sớm nhất ghi lại tên gọi này có lẽ là cuốn “Nói về Châu Á” của Barros, một cố đạo người Bồ Đào Nha, xuất bản năm 1550. Sau đó, tên gọi này được dùng phổ biến trong các cuốn du ký, sách sử địa, trên các bản đồ của các tác giả phương Tây với các biến thể như Ke Chu, Ca Cho, Checio, Chéce, Kacho, Kichou,…

Phố Hàng Bạc xưa cực sầm uất

Sự sầm uất của Kẻ Chợ – 36 phố phường xưa

Kinh thành Thăng Long ban đầu được chia thành 61 phường (nguyên nghĩa của chữ “phường” là “ô đất vuông”), được giới hạn với nhau bằng đường phố. Các phường này tập trung thợ thủ công làm chung một nghề và thường có chung một quê. Cửa hàng dựng dài theo những con phố và bán chung một mặt hàng. “Buôn có bạn, bán có phường” là vậy! Đây cũng là khởi nguồn cho những phố “hàng”.

Kinh thành thời Trần so với thời Lý không có nhiều khác biệt. Sách cũ lưu danh một số phường, như: Cơ Xá là cảng và là nơi ở của cư dân vùng đất bãi; Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, binh khí; Thụy Chương và Nghi Tàm dệt vải, dệt lụa; Yên Thái làm giấy; Đồng Nhân bán áo diệp y…

Phố Hàng Mắm xưa

Sang thời Lê, kinh thành đặt là Phủ Trung Đô, sau đổi tên thành Phụng Thiên, chia làm 36 phường. Theo Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi, phường vừa là một đơn vị hành chính, vừa là phường nghề. Có lẽ cái tên “ba sáu phố phường” cũng từ đó mà ra. 36 phố phường rất sầm uất, buôn bán phát triển. “Đất lành chim đậu”, sau này người Hoa cũng đến đây buôn bán hình thành các khu phố Tàu.

Đến giữa thế kỷ 17, các phố có tên “Hàng” xuất hiện như Hàng Cót, Hàng Hòm, Hàng Chiếu, Hàng Mã, Hàng Gà. Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi lập ra nhà Nguyễn, định đô ở Phú Xuân, Thăng Long không còn là Kinh đô nữa. Thời điểm này các thương cảng lớn như Phố Hiến, Vân Đồn không còn, vì thế mà Kẻ Chợ vẫn giữ được vị trí huyết mạch quan trọng giao thương ở phía bắc.

Kẻ Chợ thời thuộc Pháp

Đến thời thuộc Pháp, các đầm và hồ được lấp lại, các khu phố được chỉnh trang. Người Pháp và người Ấn cũng đến đây buôn bán, hai chợ nhỏ được giải tỏa để thành lập chợ Đồng Xuân rộng lớn hơn. Chợ Đồng Xuân được Pháp chính thức xây dựng vào năm 1890 mang lối kiến trúc Pháp với 5 phần hình tam giác có trổ lỗ như tổ ong.

Cuối thế kỷ 19, đường Đinh Tiên Hoàng đoạn ngã tư Tràng Tiền, Hàng Khay được gọi là phố Hồ (hay Rue du Lac), kéo dài từ phố Tràng Tiền tới đền Bà Kiệu. Từ ngày Giải phóng Thủ đô (1954) phố mang tên Đinh Tiên Hoàng để ghi nhớ công lao vị vua có công dẹp 12 sứ quân, thống nhất đất nước.

Thời kỳ này 36 phố phường vẫn sầm uất, các thuyền buôn vào được đến tận bên trong các khu phố để mua bán trao đổi hàng hóa. Đến năm 1990, nơi đây được gọi là khu Phố Cổ. Người ta không còn thường xuyên gọi là Kẻ Chợ nữa, nhưng những dấu ấn về Kẻ Chợ thời xưa không thể nào bị phai mờ đi trong kí ức của người dân xứ Kinh Thành.

Tổng hợp

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,738,801