Thứ ba, 23/04/2024

Kênh doanh nghiệp / / Tất tần tật kinh nghiệm khám phá Phố cổ chi tiết nhất cho khách du lịch tới Hà Nội

Tất tần tật kinh nghiệm khám phá Phố cổ chi tiết nhất cho khách du lịch tới Hà Nội

Trong các chuyến du lịch thủ đô có lẽ điểm đặt chân đầu tiên trong hành trình của bất cứ du khách nào cũng là Khu phố cổ Hà Nội. Đây không chỉ là trung tâm của thủ đô mà còn là nơi lưu giữ những kiến trúc, văn hóa, di tích lịch sử hào hùng của Hà Nội 36 phố phường xưa. Bài viết này sẽ chia sẻ những kinh nghiệm du lịch phố cổ Hà Nội đầy đủ và chi tiết nhất tới bạn! Hãy cùng khám phá ngay sau đây nhé!

1 - Giới thiệu về Phố cổ

Nằm ở phía bắc và tây của quận Hoàn Kiếm, Phố cổ Hà Nội là nơi tập trung của 36 phố phường theo cách gọi của người xưa như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Chiếu, Hàng Tre, Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Trống, Hàng Mành.

Nằm giáp phía Đông của phố cổ là đường Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật, phía Tây là phố Phùng Hưng, phía Nam là các tuyến phố, phía Bắc đến phố Hàng Đậu. Là nơi tập trung đông dân cư sinh sống nhưng mỗi con phố ở đây đều mang một đặc trưng riêng biệt, là điểm nhấn và không thể bỏ qua khi du lịch Hà Nội.

Khu phố cổ được bảo tồn và gìn giữ ngày nay là một hình ảnh thu nhỏ của Hà Nội 36 phố phường xưa. Đến thăm phố cổ bạn sẽ phần nào mường tượng được văn hóa, kinh tế xã hội và con người Thăng Long Hà Nội xưa cũ.

Nét đặc trưng nhất của Khu phố cổ chính là các phố nghề. Từ các làng nghề quanh thành Thăng Long xưa, các thợ thủ công nổi tiếng của Hà Nội tụ tập về đây theo từng khu vực làm nghề cùng nhau tạo nên các khu phố nghề truyền thống. Các phố nghề nổi tiếng của Hà Nội 36 phố phường xưa bao gồm:

  • Phố Mã Mây chuyên dịch vụ du lịch lữ hành
  • Phố Hàng Thiếc chuyên gia công kim loại, đúc thiếc, sắt tây thành các đồ gia dụng
  • Phố Hàng Buồm bán bánh kẹo, mứt tết
  • Phố Hàng Quạt chuyên bán đồ thờ
  • Phố Hàng Mã chuyên buôn bán đồ vàng mã, đồ thờ cúng, đồ trang trí, đồ chơi các dịp trung thu, giáng sinh.
  • Phố Hàng Đào chuyên bán vải vóc các loại
  • Phố Hàng Bạc chuyên gia công, buôn bán vàng bạc trang sức
  • Phố Hàng Bông chuyên bán mền, chăn đệm bật bông

2 - Cách di chuyển đến Phố cổ Hà Nội

Bạn có thể di chuyển tới phố cổ bằng nhiều phương tiện khác nhau một cách dễ dàng, chẳng hạn như xe bus, xe máy, ôtô, taxi, xe ôm… nhưng để tiện cho việc di chuyển nhanh nhất bạn nên lựa chọn xe máy hoặc xe buýt.

Xe buýt

Không cần phải quá lo lắng trong việc đợi chờ xe bởi xe buýt đi qua phố cổ ở Hà Nội có rất nhiều tuyến cho bạn lựa chọn. Bạn có thể tham khảo một số tuyến sau:

Tới bờ Hồ Hoàn Kiếm đi xe 09, 14, 36

Tới Ô Quan Chưởng đi xe 03, 11, 14, 22, 18, 34, 40

Tới chợ Đồng Xuân đi xe 31, lộ trình từ đại học Mỏ tới Bách Khoa

Xe máy

Xuất phát từ Cầu Giấy, bạn có thể đi theo lộ trình Cầu Giấy – Kim Mã – Nguyễn Thái Học – Bà Triệu (Vincom Bà Triệu) – Bờ Hồ. Tới Bờ Hồ, bạn hãy gửi xe và bắt đầu hành trình khám phá 36 phố phường.

3 - Các địa điểm vui chơi ở Phố cổ Hà Nội

3.1. Hồ Hoàn Kiếm

Nằm ở trung tâm thành phố, hồ Hoàn Kiếm hay còn có cái tên gọi khác là Hồ Gươm, nơi được coi là trái tim của thủ đô Hà Nội, gắn liền với truyền thuyết Rùa thần đòi gươm. Bất cứ ai khi đặt chân đến thành phố vì hòa bình này đều phải một lần ghé qua nơi đây. Không chỉ thu hút du khách với cảnh quan thoáng đãng, mát mẻ, đây còn là nơi gắn liền với truyền thống lịch sử tâm linh của mảnh đất Thủ Đô.

Tọa lạc ngay giữa hồ Hoàn Kiếm là Tháp Rùa cổ kính. Cùng nằm trên một bán đảo nhỏ giữa hồ, bên cạnh Tháp Rùa còn có sự góp mặt của những di sản nổi tiếng khác như: Tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc dẫn vào lầu Đắc Nguyệt hay đình Trấn Ba trên lối dẫn vào đền Ngọc Sơn… Tham qua hồ Gươm, bạn còn được thưởng thức món kem Tràng Tiền nổi tiếng bao đời nay ở mảnh đất Hà Thành. Tất cả những nét đẹp đó đã tạo nên một hình ảnh hồ Gươm mang đậm dấu ấn đặc trưng trong lòng du khách.

3.2. Chợ Đồng Xuân

Ra đời từ năm 1889, chợ Đồng Xuân là khu chợ lâu đời nổi tiếng nhất và lớn nhất ở Hà Nội nằm trong khu phố cổ. Ở đây tập trung đa dạng và phong phú các sản phẩm hàng hóa như quần áo, giày dép, bánh kẹo, đồ gia dụng, đồ chơi, vải vóc với các hoạ tiết truyền thống, đồ lưu niệm, thức ăn… nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là vải vóc và quần áo. Tham quan chợ Đồng Xuân, bạn sẽ được chứng kiến một khung cảnh tấp nập, nhộn nhịp, đông đúc người mua kẻ bán.

Ghé qua chợ Đồng Xuân, bạn đừng quên bỏ qua con ngõ chợ Đồng Xuân nằm ngay bên cạnh chợ bởi đây là tọa độ tập trung của rất nhiều hàng quán ăn uống. Một trải nghiệm thú vị cho những ai muốn khám phá, thưởng thức ẩm thực Hà Nội. Trong cái se lạnh của một buổi chiều Hà Nội, còn gì tuyệt vời hơn là được xuýt xoa bên bát cháo sườn, bát miến lươn nóng hổi hay nhâm nhi đĩa bánh tôm, bún chả, cốc chè… Hãy yên tâm rằng bạn có thể ăn uống thả ga tại đây mà không lo bị xẹp ví nhé.

Đặc biệt hơn, nếu bạn tham quan chợ Đồng Xuân vào tối thứ 6, thứ 7 và Chủ nhật cuối tuần thì bạn sẽ có cơ hội khám phá phiên chợ đêm tại đây nữa đấy. Đây chính là một góc thu nhỏ của cuộc sống nhộn nhịp của Hà Nội khi đêm về. Hãy hòa mình vào không khí đông vui của chợ đêm với đầy đủ các loại mặt hàng và lựa cho người thân, bạn bè những món đồ lưu niệm đáng yêu nhất nhé.

3.3. Phố Hàng Mã

Nằm trong khu phố cổ, phố Hàng Mã được du khách rủ tai nhau là khu phố đông đúc và rực rỡ nhất trong 36 phố phường cổ kính ở Hà Nội. Nổi tiếng với nghề thủ công truyền thống làm đồ vàng mã để dùng trong việc cúng lễ và đồ trang trí bằng giấy, nơi đây được coi là thiên đường của các mặt hàng truyền thống mang đậm dấu ấn dân gian xưa.

Đến thăm phố Hàng Mã vào mỗi dịp lễ tết bạn sẽ thấy nơi đây như khoác lên mình chiếc áo đầy màu sắc. Nếu như vào mỗi dịp tết Trung thu, các cửa hàng lại bày bán những mặt hàng đặc trưng như lồng đèn, bóng bay, đèn ông sao, mặt nạ, đầu lân, trống… thì đến dịp tết Nguyên Đán, cả phố lại tràn ngập sắc màu rực rỡ của các loài hoa, của câu đối đỏ và cả những đồ dùng nhỏ nhỏ xinh xinh để trang trí nhà cửa cho dịp năm mới.

Bên cạnh việc mua sắm, khi đến đây bạn còn được hòa mình vào sự tấp nập, nhộn nhịp của hoạt động mua bán cùng những âm thanh vui nhộn của những chiếc trống, còi quay và cả những chiếc kèn. Vừa đi vừa tìm hiểu, chiêm ngưỡng những mặt hàng truyền thống, đồ chơi, ngắm đường phố Hà Nội, bạn sẽ thấy phố Hàng Mã mang đậm dấu ấn tâm linh của người phương Đông.

3.4. Ô Quan Chưởng

Được xây dựng vào thời vua Lê Hiển Tông (1749), nằm ở phía Đông của kinh thành Thăng Long, Ô Quan Chưởng là 1 trong 5 cửa ô còn sót lại cho đến ngày nay. Cái tên Ô Quan Chưởng gắn liền với công lao và sự hi sinh anh dũng của một viên quan Chưởng Cơ, người đã quyết tâm chiến đấu chống quân Pháp đến cùng khi chúng tấn công Hà Nội ngày 20/11/1873.

Ô Quan Chưởng được thiết kế theo kiểu vọng lâu với cửa chính ở giữa và 2 cửa phụ 2 bên mang đậm nét kiến trúc đặc trưng của thời nhà Nguyễn. Nằm ngay bên phía trên tường trái cửa chính là tấm bia đá ghi lệnh cấm người canh gác cửa ô không được sách nhiễu dân mỗi khi qua lại do Tổng đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881. Giữa phía trên cổng chính và dưới vọng lâu có đề ba chữ Hán lớn Đông Hà Môn. Ngày nay, khi đến đây, du khách vẫn còn được chiêm ngưỡng những nét kiến trúc độc đáo này.

Trải qua bao năm tháng, Ô Quan Chưởng vẫn hiên ngang đứng đó giữa lòng phố cổ Hà Nội như một minh chứng sống cho tinh thần đấu tranh kiên cường, anh dũng của nhân dân ta, một biểu tượng của kinh thành xưa, mang đậm dấu ấn lịch sử về thủ đô ngàn năm văn hiến.

  • Địa chỉ: nằm trên phố Ô Quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu, gần tới cầu Chương Dương

3.5. Nhà cổ Mã Mây

Nếu bạn muốn chiêm ngưỡng không gian sinh sống của người Hà Nội thì bạn không nên bỏ qua ngôi nhà cổ ở số 87 Mã Mây. Đến đây, bạn sẽ có cơ hội tìm hiểu không gian sinh sống và nét đặc trưng của một ngôi nhà phố Hà Nội xưa. Chính vì vậy mà nơi đây hiện là một trong những địa điểm tham quan hấp dẫn thu hút đông đảo du khách tham quan.

Vào mỗi buổi tối, tại đây thường diễn ra các buổi hát ca trù do giáo phường Thăng Long biểu diễn hay tổ chức các loại hình văn hóa dân gian đặc trưng của người Hà Nội xưa. Bên cạnh đó, nhà cổ Mã Mây cũng là nơi thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa lớn. Nếu có cơ hội ghé thăm căn nhà cổ này, bạn đừng quên thưởng thức những nét đẹp độc đáo của văn hóa xưa nhé.

  • Giá vé vào cửa: 10.000 đồng.
  • Địa chỉ: 87 Mã Mây, Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội

4 - Đến Phố cổ thì ăn gì?

4.1. Ngõ chợ Đồng Xuân

Đây là địa chỉ ăn uống quen thuộc của các bạn trẻ Hà thành nằm ngay bên cạnh chợ Đồng Xuân. Nơi đây tập trung của rất nhiều hàng quán ăn uống với những món ngon đường phố không thể chối từ như bún riêu, bún chả kẹp que tre, phở tíu, cháo sườn, miến lươn, bánh tôm, bún chả, chè… Đây sẽ là một trải nghiệm thú vị cho những ai muốn khám phá, thưởng thức ẩm thực Hà Nội. Hãy yên tâm rằng bạn có thể ăn uống thả ga tại đây mà không lo bị xẹp ví nhé.

  • Giá dao động từ 15.000 đến 25.000 đồng

4.2. Bún chả Hàng Buồm

Đến Hà Nội, không thưởng thức bún chả là bạn đã mất đi một nửa sự trọn vẹn của chuyến hành trình rồi đấy. Món ngon Hà Nội dân dã này đã khiến không biết bao nhiêu thực khách phải đổ gục bởi sự thơm ngon, hấp dẫn. Tại bún chả Hàng Buồm, chỉ với 25.000 đồng là bạn đã có ngay một bát bún chả thơm phức. Những sợi bún trắng tinh được chấm cùng trong nước chấm chua ngọt ăn kèm với những miếng thịt viên chả nướng đậm đà cùng rau sống tươi xanh chắc chắn sẽ chinh phục cả những vị khách khó tính nhất, làm cho thực khách không khỏi thèm thuồng.

  • Địa chỉ: số 43 Hàng Buồm, Phường Hàng Buồm, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

4.3. Ốc luộc phố Đinh Liệt

Đây là tọa độ ăn vặt được khá nhiều du khách lựa chọn thưởng thức trong hành trình ghé thăm phố cổ Hà Nội. Thực đơn của quán đa dạng, phong phú các món ăn như ốc luộc, xào, hấp, nem chua rán và nhiều đồ ăn vặt khác. Những địa ốc nóng hổi tỏa hương thơm ngát như lôi kéo người qua đường khi vô tình đi ngang qua đây. Vào những ngày se lạnh, thưởng thức ốc nóng chấm cùng nước chấm chua chua cay cay quả là lý tưởng.

  • Giá dao động: 70.000 đồng/ món
  • Giờ mở cửa: 4 rưỡi chiểu
  • Địa chỉ: 1 Đinh Liệt, Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội

4.4. Lòng xào, phở xào phố Nguyễn Siêu

Một địa điểm ăn uống Phố cổ đình đám mà bạn nên thưởng thức đó là phở xào, phở rán và lòng xào ở khu phố Nguyễn Siêu, đây một sự độc đáo, mới lạ trong nét ẩm thực phố cổ. Chỉ cần dừng chân ở đầu phố là bạn đã phải nức mũi trước mùi thơm đặc trưng, hấp dẫn của món ăn. Phở xào hoặc phở rán ăn kèm với lòng xào thêm một chút nước chấm xì dầu, ăn với dưa chuột chua ngọt thì quá là tuyệt vời. Tuy chỉ mở cửa mấy tiếng buổi tối nhưng quán luôn tấp nập khách ra vào, đủ để bạn thấy sự hấp dẫn của món ăn rồi phải không nào.

  • Giờ mở cửa: 7h – 9h
  • Địa chỉ: số 10, 16 Nguyễn Siêu, Hà Nội

4.5. Các món ăn vặt khác

Kem Tràng Tiền

Cũng giống như phở Hà Nội, kem Tràng Tiền là một đặc sản nổi tiếng của thủ đô mà nhất quyết bạn không nên bỏ qua. Trong hành trình du lịch phố cổ bạn hãy ghé số 35 phố Tràng Tiền để có thể thưởng thức những que kem sữa dừa, kem ốc quế hay kem cốm, socola ngọt dịu, thơm phức và mát lạnh.

Hoa quả dầm phố Tô Tịch

Nói đến hoa quả dầm người dân thủ đô ai cũng sẽ nghĩ ngay tới phố Tô Tịch. Sau khi đi dạo Hồ Gươm hay Phố cổ mà được nhâm nhi những cốc hoa quả dầm tươi ngon, mát lạnh chắc chắn du khách sẽ thấy vô cùng ngon miệng.

Nộm bò khô phố Hàm Long

Là món ăn vặt Hà Nội nức tiếng gần hồ Gươm, nộm bò khô vô cùng dễ ăn mà nhất định khi dạo quanh Hồ Gươm, Phố cổ bạn nên ngồi thưởng thức cùng bạn bè.

Nem chua rán ngõ Tạm Thương

Được mệnh danh là thiên đường nem chua rán, ngõ Tạm Thương lúc nào cũng đông khách. Nem chua rán ở đây được rán giòn rụm vừa tới lại được bày trên những khay lót lá chuối kèm với dưa chuột, xoài xanh, củ đậu nên không hề ngấy như nhiều nơi khác.

5 - Kinh nghiệm tham quan Phố cổ Hà Nội

5.1. Mua sắm ở Phố cổ

Phố cổ Hà Nội là nơi tập trung đa dạng và phong phú những món đồ dễ thương mà bạn có thể mua về làm quà cho người thân và gia đình. Bạn có thể đến những con phố quen thuộc như chợ đêm phố cổ, chợ Đồng Xuân hay phố hàng Bạc, hàng Ngang, hàng Đào để mua những món đồ thủ công, những món quà lưu niệm, quần áo, giầy dép, các trang sức bằng bạc, các loại đồ ăn như ô mai…

Một lưu ý nho nhỏ cho bạn khi mua sắm đó là bạn nên đi mua hàng vào buổi chiều để có thể thoải mái chọn lựa và trả giá thay vì mua sắm vào buổi sáng bởi những người bán hàng ở đây rất kiêng khách mua hàng buổi sáng vào hỏi mà không mua gì.

Nếu bạn muốn mua sắm tại chợ đêm phố cổ bạn sẽ chỉ có thể đợi đến tối thứ 6, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, chợ mở cửa từ 18 đến 23h. Đây là một trong những địa điểm buôn bán sầm uất với số lượng gian hàng tham gia lên tới gần 4000. Các mặt hàng ở đây rất đa dạng và phong phú từ quần áo với giày dép, đồ dùng gia dụng, các đồ thủ công, quà lưu niệm… với giá cả bình dân.

5.2. Gợi ý một số khách sạn, homestay ở khu vực Phố cổ

Nếu du khách có ý định khám phá phố cổ trong vài ngày và có nhu cầu nghỉ dưỡng qua đêm tại đây thì chúng tôi xin gợi ý cho bạn một vài địa điểm để bạn có thể lựa chọn:

Rising Dragon Villa Hotel

  • Giá phòng: 510.000 – 1.600.000 đồng/ đêm
  • Địa chỉ: 43A Bát Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Phố Cổ, Hà Nội

Hanoi Romance Hotel

  • Giá phòng: từ 2.025.000 đồng/ đêm
  • Địa chỉ: 19 Trung Yên, Đinh Liệt, Hoàn Kiếm, Phố Cổ, Hà Nội

Apricot Hotel

  • Giá phòng: từ 2.600.000 đồng/ đêm
  • Địa chỉ: 136 Hàng Trống, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

5.3. Gợi ý lịch trình tham quan Phố cổ trong một ngày

Với những địa điểm tham quan, mua sắm hay ẩm thực ở trên, quý du khách có thể có nhiều cách để lên lịch trình tham quan Phố cổ sao cho phù hợp nhất với quỹ thời gian của mình. Sau đây chúng tôi xin chia sẻ lịch trình tham quan Phố cổ trong thời gian 1 ngày dựa trên kinh nghiệm chuyến đi thực tế như sau:

8h sáng: Tới ngõ Đồng Xuân thuộc phố Hàng Chiếu để ăn sáng. Hợp lý nhất bạn nên chọn ăn phở Hà Nội hoặc bún riêu cua, bún ốc.

8h30: Tham quan quan mua sắm tại chợ Đồng Xuân – khu chợ lớn nhất, lâu đời nhất của Hà Nội

9h00: Tham quan Ô Quan Chưởng nằm ở ngay đầu phố Hàng Chiếu

9h30: Tham quan Đền Bạch Mã

10h15: Thăm nhà cổ Mã Mây ở số 87 phố Mã Mây - Hàng Buồm

11h: Thăm đình Kim Ngân ở số 42-44 phố Hàng Bạc

12h: Ăn bún đậu mắm tôm tại ngõ Phất Lộc phố Hàng Bạc

14h chiều: Tham quan Hồ Gươm, Đền Ngọc Sơn, Tháp Bút

15h: Mua vé xem múa rối nước tại Nhà hát múa rối nước Thăng Long hoặc xem chương trình nghệ thuật tại Nhà hát lớn hoặc tham quan phố đi bộ Hồ Gươm nếu đi vào dịp cuối tuần

16h: Uống bia trên phố Tạ Hiện hoặc cà phê, trà đá vỉa hè, ăn vặt các món như ăn hoa quả dầm ở phố Tô Tịch, nộm bò khô ở phố Hồ Gươm, ăn ốc ở phố Đinh Liệt…

18h: Mua quà lưu niệm cho gia đình người thân hoặc bạn bè

19h: Ăn Chả cá Thăng Long 21 Đường Thành hoặc phở xào trên phố Nguyễn Siêu

20h: Đi chợ đêm phố cổ trên phố Hàng Đào, Hàng Ngang nếu đi vào dịp cuối tuần hoặc đi dạo xung quanh để ngắm Hồ Gươm, phố cổ về tối.

Nguồn: Sưu tầm

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,799,626