Thứ sáu, 29/03/2024

Kênh doanh nghiệp / / Phố Lý Quốc Sư với những dấu tích lâu đời của kinh thành Thăng Long

Phố Lý Quốc Sư với những dấu tích lâu đời của kinh thành Thăng Long

Phố Lý Quốc Sư là một trong những con phố nổi tiếng nhộn nhịp từ lâu đời vì phố trước đây nằm ngay cạnh phủ lỵ Hoài Đức và sau là huyện lỵ Thọ Xương - 1 trong 2 đơn vị hành chính lâu đời nhất của kinh thành Thăng Long.

Thời Pháp thuộc năm 1919 gọi là phố Lăm-bơ-lô (rue Lamblot). Năm 1945 đổi tên thành phố Nhà Chung. Năm 1949 đổi thành phố Lý Quốc Sư. Những lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên này. Trên phố này có những dấu tích lâu đời nhất của kinh thành Thăng Long.

Chùa Lý Quốc Sư - nơi thời 3 vị thiền sư nổi tiếng nhất thời Lý

Gọi là phố Lý Quốc Sư vì trên phố có một ngôi chùa cùng tên. Lý Quốc Sư (1066-1141) là vị Quốc sư đời nhà Lý. Theo chính sử thì đó là Nguyễn Chí Thành, người làng Điềm Xá (huyện Gia Viễn, nay thuộc tỉnh Ninh Bình). Ông tu đạo Phật, lấy hiệu là Minh Không thiền sư. Do đạo cao đức trọng, ông được vua Lý dựng “tinh xá” cạnh chùa Báo Thiên, làm nơi tu hành. Tinh xá (nơi ở tinh khiết) ấy nay chính là khu chùa Lý Quốc Sư số nhà 50 phố này. Năm 1138, Minh Không chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông nên được phong là Quốc sư (thày của nước). Theo truyền thuyết thì ông không những là một nhà tu hành giỏi nghề chữa bệnh mà còn là ông tổ nghề đúc đồng.

Điều thú vị là trong ngôi chùa Lý Quốc Sư thờ ông bây giờ, ở vị trí cao nhất là Nguyễn Minh Không và bên cạnh là hai người bạn thân thiết của mình: Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Thiền sư Nguyễn Giác Hải. Ba vị thiền sư nổi tiếng bậc nhất thời Lý được phối thờ trang trọng. Lý Quốc Sư trong phục trang áo vàng Phật giáo còn Từ Đạo Hạnh và Nguyễn Giác Hải được tạc trong những phù điêu đá được tô màu rất sinh động. Phù điêu Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Giác Hải là 2 trong 4 phù điêu đá trong chùa Lý Quốc Sư có từ thế kỷ XVI và mô phỏng theo hình người thật chứ không phải mang tính tượng trưng như những pho tượng khác. 

Chùa Lý Quốc Sư có lịch sử lâu đời, ban đầu được gọi là đền vì thờ chính Nguyễn Minh Không, về sau có vị trụ trì đưa thêm tượng Phật vào phối thờ từ đó mới gọi là chùa. Nguyên kiến trúc cũ được xây dựng từ thời nhà Lý, năm 1131 ngay cạnh chùa Báo Ân, vị trí ở khuôn viên Nhà Thờ lớn hiện tại, do biến động lịch sử mới được di dời đến chỗ bây giờ.

Nhà in nổi tiếng nhất xứ Đông Dương

Thời hiện đại, ở số 24 phố Lý Quốc Sư vốn là nhà in của Ngô Tử Hạ, một trong những nhà in nổi tiếng nhất xứ Đông Dương và chủ nhà in cũng là một nhân vật có ảnh hưởng tới lịch sử đương thời.

Khi Cách mạng còn trong trứng nước, chính nhà in của Ngô Tử Hạ đã ủng hộ hàng tạ chì để in ấn những truyền đơn của Việt Minh. Và đặc biệt những đồng bạc đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được in ở chính nơi này. Một sự kiện quan trọng nữa, Ngô Tử Hạ đã từng làm cố vấn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và khi Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi ông nên chọn ngày nào làm Lễ Tuyên bố độc lập, Ngô Tử Hạ đã bảo nên chọn ngày 2-9 vì hôm đó là Chủ nhật.

Ngô Tử Hạ (1882-1973) còn là một chính trị gia đáng ghi nhớ. Ông là thành viên cao tuổi nhất của Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là Chủ tịch Đại hội đồng Quốc hội, là người chủ tọa đọc lời khai mạc và tuyên ngôn của Quốc hội. Và ông cũng là người có mối quan hệ thân giao với Vua Bảo Đại trong thời gian ở Huế và được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm người để thương thuyết với Vua Bảo Đại về việc thoái vị.

Phố Lý Quốc Sư, ở số nhà 43 cũng là nơi ở cuối cùng và lâu nhất của thi sĩ Hoàng Cầm, người con xứ Kinh Bắc với những tác phẩm tiêu biểu như kịch thơ “Kiều Loan”, các bài thơ “Lá diêu bông”; “Bên kia sông Đuống”… được phổ nhạc, đưa vào sách giáo khoa và được nhiều người thuộc. Trên phố, ngoài chùa Lý Quốc Sư thì còn có đền Phủ Ủng thờ Trần Quốc Tuấn và Phạm Ngũ Lão cũng là một nơi rất đáng để tham quan, tìm hiểu.

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,550,082