Thứ sáu, 19/04/2024

Kênh doanh nghiệp / / Ô Quan Chưởng - Cửa ô còn lại duy nhất của Thăng Long Hà Nội

Ô Quan Chưởng - Cửa ô còn lại duy nhất của Thăng Long Hà Nội

“Ở đâu năm cửa ô chàng ơi” Câu ca dao trên đã nhắc tới 5 cửa ô nổi tiếng của kinh thành Thăng Long xưa đó là ô Cầu Giấy, ô Cầu Dền, ô Đống Mác, ô Chợ Dừa và ô Quan Chưởng. Nhưng chỉ có duy nhất Ô Quan Chưởng vẫn còn trường tồn với thời gian cho đến ngày nay và mang nhiều dấu ấn lịch sử của kinh thành cũ.

Nói về thành lũy ở Việt Nam thì ở đâu cũng có, nhưng cửa ô thì chỉ ở Hà Nội mới có. Cửa ô là nơi chân quê, những người sơn cước lần đầu tiên vào thành phố chạm trán với kinh thành. Và đến nay, Hà Nội cũng chỉ còn một cửa Ô Quan Chưởng vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Đây là một trong 21 cửa ô mở qua tường phía Đông của tòa thành đất bao quanh khu Kinh thành Thăng Long xưa được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), có tên chữ là Đông Hà Môn (cửa Đông Hà – cửa ô ở phường Đông Hà trước kia). Công trình này đã từng được trùng tu, sửa chữa hai lần, vào năm Gia Long thứ 3 (1804) và năm Gia Long thứ 16 (1817), tuy nhiên, kiến trúc hiện nay là kết quả của lần sửa chữa vào năm 1804.

1. Vị trí Ô Quan Chưởng

Nguồn ảnh: internet

Ô Quan Chưởng nằm ở ngã tư Hàng Chiếu - Đào Duy Từ, ở ngay phía bắc Hồ Hoàn Kiếm. Là cửa ô duy nhất còn trường tồn với thời gian của kinh thành Thăng Long, Ô Quan Chưởng không chỉ mang vẻ đẹp về mặt kiến trúc mà còn in đậm dấu ấn lịch sử Hà Nội xưa. Có lẽ vì thế mà đây là địa điểm du lịch Hà Nội được rất nhiều du khách nước ngoài ghé đến với mong muốn hiểu thêm về lịch sử Hà thành.

Là “nhân chứng sống” cho lịch sử đấu tranh kiên cường của dân tộc. Trải qua năm tháng, tuy xung quanh cửa ô chẳng còn lưu giữ được vẻ đẹp nguyên bản của thời kỳ hoàng kim nhưng Ô Quan Chưởng vẫn luôn là biểu tượng của một Hoàng Thành Thăng Long thấm đượm niềm tự hào dân tộc. Ôm ấp câu chuyện vô giá về lịch sử và trường tồn theo chiều dài phát triển của dân tộc - đây có lẽ là điều làm nên vẻ đẹp của Ô Quan Chưởng.

2. Nguồn gốc lịch sử của Ô Quan Chưởng

Nguồn ảnh: internet

Ô Quan Chưởng là tên người dân đặt để tưởng nhớ công lao và sự hy sinh anh dũng của viên quan Chưởng Cơ – chỉ huy vệ binh đã cùng 100 binh lính nhà Nguyễn chiến đấu chống Pháp khi chúng đánh vào thành Hà Nội vào năm 1873 qua cửa ô Đông Hà.

Cửa ô Quan Chưởng xưa được thiết kế theo kiểu vọng lâu – một kiểu kiến trúc đặc trưng thời Nhà Nguyễn, có mặt trước hướng về phố Ô Quan Chưởng. Đây là nơi tập trung buôn bán chiếu cói, sản phẩm của những vùng ven biển như: Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, được người ta đưa lên Thăng Long – Hà Nội bằng đường sông. Ô Quan Chưởng bao gồm 2 tầng lầu: tầng dưới có 3 cửa, một cửa nằm chính giữa, cao và rộng khoảng 3m, hai cửa phụ nằm ở hai bên, rộng khoảng 1.65m, cao 2.5m. Cả ba cửa đều được thiết kế theo kiểu vòm cuốn. Tầng trên có vọng lâu 4 mái, thu nhỏ ngay tại vị trí phía trên nóc cửa chính, xung quanh có lan can trang trí các hình lục lăng, tứ giác, hoa thị. Giữa phần trên nóc cửa chính và vọng lâu là một khung hình chữ nhật, ở mặt trước có đắp nổi ba chữ Hán: “Đông Hà Môn”.

3. Cách di chuyển đến Ô Quan Chưởng

Bạn có thể di chuyển tới Ô Quan Chưởng bằng nhiều phương tiện khác nhau một cách dễ dàng, chẳng hạn như xe bus, xe máy, ôtô, taxi, xe ôm… nhưng để tiện cho việc di chuyển nhanh nhất bạn nên lựa chọn xe máy hoặc xe buýt.

Xe buýt

Không cần phải quá lo lắng trong việc đợi chờ xe bởi xe buýt đi qua Ô Quan Chưởng ở Hà Nội có rất nhiều tuyến cho bạn lựa chọn. Bạn có thể tham khảo một số tuyến sau:

Tuyến số 03: Bến xe Giáp Bát – Bến xe Gia Lâm

Tuyến số 11: Công viên Thống Nhất – Học viện Nông nghiệp

Tuyến số 14: Bờ Hồ - Cổ Nhuế

Tuyến số 22: Bến xe Gia Lâm – KĐT Trung Văn

Tuyến số 19: Đại học KTQD – Đại học KTQD

Tuyến số 34: Bến xe Mỹ Đình – Bến xe Gia Lâm

Tuyến số 40: Công viên Thống Nhất – Văn Lâm

Giá vé: 7000 đồng/ lượt

Xe máy

Xuất phát từ Cầu Giấy, bạn có thể đi theo lộ trình Cầu Giấy – Kim Mã – Nguyễn Thái Học – Điện Biên Phủ – Hàng Khay – Trần Quang Khải – Ô Quan Chưởng. Xuất phát từ Hà Đông, bạn di chuyển theo đường Nguyễn Trãi – Tôn Đức Thắng – Chu Văn An – Trần Phú – Hoàng Diệu – Cửa Bắc – Yên Phụ – Trần Nhật Duật – Ô Quan Chưởng.

4. Nét kiến trúc không thể bỏ lỡ của Ô Quan Chưởng

Ô Quan Chưởng về đêm (Nguồn: internet)

Nếu có cơ hội ghé ngang Văn Miếu Quốc Tử Gíam , bạn sẽ nhận thấy được loại gạch dùng để xây dựng nên cửa Ô Quan Chưởng có nhiều nét tương đồng. Bằng gạch vồ kết hợp với đá có kích thước lớn, sự bền vững đến từ nguyên liệu này cũng là một phần vô cùng quan trọng để cửa Ô Quan Chưởng vẫn vững chắc tận ngày nay.
Thiết kế theo lối kiến trúc đặc trưng của thời đại bấy giờ, cửa Ô Quan Chưởng có kết cấu vọng lâu với bố cục ba phần: cửa chính ở giữa, 2 cửa phụ bên trái và bên phải. Chiều cao 3m với kiểu mái uốn cong đặt trên tầng 2. Đặc biệt, khi đến đây du khách sẽ ấn tượng mạnh với tấm bia đá được đặt bên phía trái cửa chính, trên đó khắc lệnh của Tổng đốc Hoàng Diệu với lệnh cấm những người canh gác tại cửa ô không được sách nhiễu phiền người dân qua lại. 
Tới nay, thành phố cũng đã thực hiện thành công dự án bảo tồn cửa ô với chi phí khá lớn. Những điều này là vô cùng xứng đáng để góp phần giữ lại một nét văn hóa mang đậm vẻ đẹp và lòng tự tôn dân tộc từ ngàn xưa. Mỗi người dân và du khách đi ngang đều như bước qua cánh cửa nối liền dòng chảy lịch sử thời đại.

Cửa Ô Quan Chưởng tuy không phải là một nơi bạn có thể chơi hết sức mình hay thưởng thức những món ngon khó cưỡng. Đây chỉ đơn giản là nơi bạn có thể ghé ngang, tận hưởng khoảng lặng hiếm hoi rất đỗi “Hà Nội" và tưởng nhớ một thời lịch sử đáng tự hào của dân tộc. 
HK 360 hi vọng rằng với những chia sẻ trên bạn sẽ có dịp mục sở thị Ô Quan Chưởng - “cánh của thời đại” giữa lòng thủ đô; và nếu bạn đã sẵn sàng, hãy mau chóng ghé qua  để tìm kiếm những ưu đãi hàng đầu để chuyến du lịch càng thêm trọn vẹn nhé!

Xem thêm: Hồ Hoàn Kiếm (hoankiem360.vn)

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,765,853