Thứ sáu, 26/04/2024

Kênh doanh nghiệp / / Múa rối nước – Khi vật vô tri vô giác biết nói…

Múa rối nước – Khi vật vô tri vô giác biết nói…

Những ai yêu và hiểu văn hóa Việt Nam đều biết rằng: Rối nước không chỉ là vật vô tri vô giác, mà còn chứa đựng tâm tư, tình cảm và thể hiện những ước vọng đẹp đẽ của người Việt xưa. Vậy, chẳng ngoa khi nói rằng: những chú rối đang chứa đựng cả hồn cốt dân tộc, đưa người ta về miền xưa cũ…

 

Nói rằng rối nước đang chứa đựng cả hồn cốt dân tộc, cũng chẳng sai

Cho tôi xin một vé về tuổi thơ…

Trong kho tàng nghệ thuật dân gian Việt Nam, múa rối nước chính là bộ môn nghệ thuật song hành cùng lịch sử dân tộc, được xếp vào một trong những loại hình có giá trị cao bậc nhất. Có lẽ, do đã xuất hiện từ thế kỉ 11, nên bộ môn này gắn với tuổi thơ của rất nhiều thế hệ. Vậy nên, nhắc đến múa rối, là người ta lại nhớ về sự yên ả, bình yên, đan xen vào đó là sự thích thú và vui vẻ - điều mà giờ đây hiếm có thể tìm thấy.  

Chẳng nói về những điều xa xôi, cao vời; rối nước đang tập trung khai thác những câu chuyện rất đời, rất thường, hay xuất hiện ở các làng quê Việt Nam

Nhớ về những buổi múa rối, nhiều người lại bồi hồi và xao xuyến đến lạ. Ngồi trong nhà hát múa rối nước Thăng Long ở đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiến, đám trẻ con với đôi mắt to tròn đen lấp láy, ngồi thành hàng lối, mắt hướng vào chiếc rèm đen với những con rối nhiều màu sắc, thi thoảng lại chợt cười rộ lên. Những câu chuyện tưởng chừng như gần gũi, thân thuộc ấy lại mang những bài học rất sâu sắc. Rối dạy con trẻ cách làm người, dạy người lớn cách sống đôn hậu và lạc quan. Vậy nên, rối nước cứ tồn tại mãi, như một cách để lưu lại những điều tốt đẹp, không thể phai mờ, lưu lại kí ức huy hoàng về tổ tiên, cha ông và cả đất nước Việt Nam…

Rối không chỉ là môn nghệ thuật, cũng không sinh ra chỉ để gây sự thích thú. Ông cha muốn, thổi hồn vào những con rối, đưa những lời răn dạy nhẹ nhàng, giúp đám trẻ hiểu ra rằng: Cần phải sống ra sao, làm người thế nào

Để yêu múa rối nước, trước tiên phải yêu Việt Nam, yêu hồn cốt Hà Nội

Những chú rối vốn là vật vô tri vô giác. Cái tài của người nghệ sĩ là biến vật vô tri vô giác ấy thành cái đôn hậu và hiền dịu của các bác nông dân, niềm lạc quan yêu đời của những chú tếu lí lắc, cái tươi mát và gần gũi của quê hương Việt Nam. Nói cách khác, nhiều điều được nghệ thuật hóa, để người ta cảm được, yêu được những thứ tưởng chừng rất nhỏ bé, đơn sơ và giản dị. Đó là điều mà không phải bộ môn nghệ thuật nào cũng có thể cảm nhận được.

Nhưng xem múa rối nước thôi chưa đủ. Trước tiên, phải hiểu, phải yêu văn hóa lâu đời của đất nước Việt Nam. 

Đang rảo chân bước ngoài đường phố nơi phố cổ tấp nập ồn ào, bất cứ ai cũng cảm nhận được sự đối lập khi đặt chân vào xem biểu diễn múa rối, cảm nhận không gian truyền thống ngay từ nét kiến trúc và họa tiết ở cổng chào. Những mái đình cong vút, rặng tre xanh thẫm, cho đến những con rối là em bé chăn trâu thổi sáo, liền anh liền chị mặc áo tứ thân,… tất cả đều được những nghệ nhân thổi hồn vào, khiến sinh động và trong sáng hơn; tạo cho người xem cảm giác như mình đang được trải nghiệm khung cảnh thật ở làng quê Việt Nam.  

Nghệ thuật múa rối xưa nay vẫn mang đậm bản sắc của văn hóa Việt Nam. 

Nghệ thuật múa rối nước xưa nay vẫn vậy. Không chỉ mang đậm bản sắc dân tộc, thể hiện được ước mơ có cuộc sống may mắn, hạnh phúc và bình yên, mà còn mang được sự dịu dàng, màu sắc man mác buồn của chốn đồng quê, thể hiện được cả những tập tục tốt đẹp, chịu khó tần tảo sớm hôm, cho tới sự anh dũng quật cường,… Tất cả những điều đó vừa gần gũi lại vừa linh thiêng, thể hiện khát vọng của cả dân tộc. Vậy nên, bỏ một chút thời gian, đi dọc khu phố cổ, xem một vở múa rối, cũng là cách đơn giản để hiểu thêm về văn hóa, yêu thêm con người, để sống lại một thời vàng son hào hùng

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,827,768