Thứ bảy, 20/04/2024

Kênh doanh nghiệp / / Chợ Đồng Xuân - Điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách khi tới Hà Nội

Chợ Đồng Xuân - Điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách khi tới Hà Nội

“Ai có dịp về Hà Nội, nếu chưa đi chợ Đồng Xuân thì coi như mới biết một phần nhỏ, một góc bé, hoặc chưa đến Hà Nội”...

Nói đến lịch sử văn hoá Thăng Long-Hà Nội là nói đến 36 phố phường. Và khi nhắc tới phố cổ, du khách nhớ ngay đến Đồng Xuân -một chợ ra đời và gắn liền quá trình phát triển thương mại của đất Thăng Long. Không chỉ là nơi buôn bán huyên náo, nhộn nhịp nhất Hà thành, chợ Đồng Xuân còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, tinh thần phản ánh cuộc sống, sinh hoạt của người dân kẻ Chợ xưa và cũng là điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách khi dừng chân ở Hà Nội. Hay nói như nhà văn Băng Sơn: “Ai có dịp về Hà Nội, nếu chưa đi chợ Đồng Xuân thì coi như mới biết một phần nhỏ, một góc bé, hoặc chưa đến Hà Nội”.

Bức phù điêu “Hà Nội mùa đông 1946” bên cạnh chợ Đồng Xuân

Chợ Đồng Xuân nằm trong khu phố cổ, phía tây là phố Đồng Xuân, phía bắc là phố Hàng Khoai, phía nam là phố Cầu Đông, phía đông là ngõ chợ Đồng Xuân. Thời xưa, người dân tụ họp hai bên sông, trên bến dưới thuyền, hoạt động buôn bán bằng đường thủy là chính. Theo dòng chảy thời gian, sông Tô Lịch được phù sa bồi đắp, hình thành một bãi bồi và người Pháp dồn dân về buôn bán tại đây. Năm 1890 chính quyền Pháp mới bắt đầu xây dựng chợ Đồng Xuân với kiểu dáng 5 vòm cửa và 5 nhà cầu dài 52m, cao 19m. Mặt tiền theo kiến trúc Pháp, gồm 5 phần hình tam giác có trổ lỗ như tổ ong, tường sắt, mái tôn kẽm. Đây là chợ lớn nhất Hà Nội thời ấy. Sau khi người Pháp xây dựng cầu Long Biên thì việc buôn bán ở chợ Đồng Xuân càng phát triển mạnh nhờ có vị trí giao thông thuận lợi cả về đường bộ, đường thủy và đường sắt. Thời gian càng về sau, chợ Đồng Xuân ngày càng tấp nập, đông đúc và trở thành điểm tham quan, mua sắm hấp dẫn của người dân Thủ đô và du khách mỗi khi đến Hà Nội. Có thời người ta từng ví chợ Đồng Xuân như “cái dạ dày” của Hà Nội, vì mọi sản vật ở khắp các vùng miền đều được đưa về buôn bán tấp nập ở đây.

Chợ Đồng Xuân luôn đông vui, tấp nập

Bên trong chợ

Cuối năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Nằm trong Liên khu I lúc đó, chợ Đồng Xuân diễn ra nhiều trận đánh giữa Vệ quốc quân chống lại lính Lê dương của Pháp. Trong 60 ngày đêm quyết tử để bảo vệ Thủ đô, nhiều chiến sĩ Vệ quốc quân đã chiến đấu ngoan cường và hi sinh anh dũng tại đây. Sáng ngày 18-12-1946, lính Pháp tấn công trụ sở tự vệ Hàng Lược. Thấy tiếng súng nổ, tự vệ phố Đồng Xuân, phố Hàng Khoai và các phố lân cận chuẩn bị chiến đấu. Được lệnh, chợ Đồng Xuân lập tức đóng cửa, nhân dân nhanh chóng lập một chiến lũy bằng bàn ghế, sạp gỗ để tạo thành chướng ngại vật đối với xe địch. Bọn Pháp tức tối vì phải quay lại, chúng đã bắn bừa vào hai bên phố Hàng Giấy khiến một số người dân thiệt mạng. 59 năm sau, đúng dịp kỷ niệm 995 năm Thăng Long- Hà Nội (năm 2005), thành phố đã dựng bức phù điêu “Hà Nội mùa đông 1946” ngay bên cạnh chợ Đồng Xuân để tưởng nhớ những chiến sĩ, đồng bào đã hi sinh trong trận chiến bảo vệ Thủ đô và nhắc nhở thế hệ hôm nay không bao giờ quên những giờ phút lịch sử từng diễn ra tại nơi này.

Hình ảnh chợ Đồng Xuân xưa

Là trung tâm buôn bán sầm uất bậc nhất ở Hà Nội, nhưng hiện nay chợ Đồng Xuân vẫn lưu lại những giá trị văn hóa lịch sử đặc trưng vốn có của nó. Năm 2003, cùng với tuyến phố đi bộ Hàng Đào-Đồng Xuân, chợ đêm Đồng Xuân đã ra đời góp phần đa dạng hóa hoạt động của chợ và phục vụ nhu cầu tham quan, vui chơi, mua sắm của du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh việc kinh doanh, Ban quản lý chợ còn tổ chức các hoạt động nghệ thuật dân gian như hát xẩm, hát chèo, quan họ Bắc Ninh... để tạo không gian văn hoá lành mạnh phục vụ du khách. Tới đây, Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức chợ phiên Đồng Xuân mỗi năm một lần vào mùa thu. Đến phiên chợ này, du khách sẽ tìm thấy nét văn hoá Thăng Long với cảnh mua bán tấp nập, vui vẻ, người bán hàng trong chợ mặc áo dài, giao tiếp với khách hòa nhã, không nói thách các mặt hàng, qua đó làm sống lại một nét đẹp thanh lịch nổi tiếng của người Tràng An xưa.

Nguồn: Sưu tầm

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,771,789