Thứ năm, 28/03/2024

Toàn cảnh Phố cổ trên cao

10

10

10

Năm 1010, Lý Thái Tổ đã dời đô ra Thăng Long, bắt đầu lịch sử nghìn năm Quốc đô Thăng Long - Hà Nội. Trong cấu trúc “tam trùng thành quách” (trong thành ngoài thị) của kinh thành, phần “thị” nằm ở phía Đông, giữa Hoàng thành và La thành. Thời Nguyễn, do tòa thành Hà Nội thu hẹp lại, nên phần “Thị” được mở rộng thêm về phía Tây.

Khu phố cổ Hà Nội được hình thành từ đầu thế kỷ 15 là hạt nhân của phần “Thị” nằm ngoài Hoàng thành Thăng Long, bao gồm 76 tuyến phố, thuộc phạm vi 10 phường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, có giới hạn phía bắc là phố Hàng Đậu; phía tây là phố Phùng Hưng; phía nam là phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ, Hàng Thùng; phía đông là phố Trần Quang Khải và Trần Nhật Duật. Đây là khu vực tập trung dân cư hoạt động tiểu thủ công nghiệp và buôn bán giao thương, hình thành nên những phố nghề mang những nét truyền thống đặc trưng riêng biệt của cư dân thành thị và kinh kỳ. Cùng với phố cổ Hội An, khu phố cổ Hà Nội được cho là “bảo tàng về lối sống đô thị cổ” của Việt Nam.

Trong phạm vi “phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ”, khu phố cổ còn lưu giữ trên 100 di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến, hàng trăm ngôi nhà “mái ngói rêu phong” có bề ngang hẹp, mặt tiền không thẳng hàng, chiều dài sâu, liền tường, liền mái, được lợp bằng những viên ngói nhỏ… và những phố nghề thủ công nổi tiếng.

Khu phố cổ Hà Nội còn thường được gọi là “Hà Nội 36 phố phường”. Đây chỉ là cách gọi ước lệ những phố và phường nằm cả bên trong và bên ngoài khu phố cổ ngày nay. Đặc điểm chung của các phố cổ Hà Nội là nhiều tên phố bắt đầu bằng từ "Hàng", tiếp đó là một từ chỉ một nghề nghiệp nào đó. Như tên gọi Hàng Đường có rất nhiều cửa hàng bán đường, mứt, bánh, kẹo. Phố Hàng Mã chuyên bán các mặt hàng truyền thống làm từ các loại giấy màu. Phố Hàng Chiếu bán nhiều loại chiếu thảm bằng cói… Sau này, nhiều phố "Hàng" đã được mang tên mới như Hàng Cỏ (tức phố Trần Hưng Đạo ngày nay), Hàng Đẫy (Nguyễn Thái Học), Hàng Lọng (đường Nam Bộ rồi Lê Duẩn), Hàng Nâu (Trần Nhật Duật), Hàng Kèn (Quang Trung), Hàng Bột (Tôn Đức Thắng)…

Khu phố cổ Hà Nội được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 2004. Thành phố Hà Nội đã thành lập Ban quản lý Phố Cổ (trực thuộc UBND quận Hoàn Kiếm) để quản lý, bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị khu phố cổ trên lộ trình đăng ký với UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

10

10

10


Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,540,209