Thứ sáu, 26/04/2024

Đền Ngọc Sơn

Đền Ngọc Sơn tọa lạc ở phía đông bắc hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội. Đền là một quần thể kiến trúc liên hoàn tinh tế, gồm: Tháp Bút, Đài Nghiên, cầu Thê Húc, lầu Đắc Nguyệt, đình Trấn Ba, tiền đường, chính điện, hậu cung…

Từ xưa, trên hồ Tả Vọng (hồ Hoàn Kiếm) đã có gò đất cao, tương truyền các tiên nữ thường về đây ca hát. Thời Lý Thái Tổ thường gọi là Ngọc Tượng Sơn, thời Trần gọi là Ngọc Sơn. Trước đây trên đảo Ngọc đã có một ngôi đền cổ. Khi dời đô ra Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã đặt tên ngôi đền là Ngọc Tượng. Đến đời nhà Trần đền được đổi tên là Ngọc Sơn để thờ những người anh hùng đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông. Đến thời Vĩnh Hựu nhà Lê (1735 - 1739), chúa Trịnh Giang đã cho dựng cung Thụy Khánh và đắp quả núi Độc Tôn. Cuối đời nhà Lê, cung Thụy Khánh bị Lê Chiêu Thống phá huỷ. Một nhà từ thiện tên là Tín Trai, đã lập ra một ngôi chùa trên nền cũ gọi là chùa Ngọc Sơn. Đền thờ Quan Công, sau thờ Trần Hưng Đạo. Từ năm 1842, thờ thêm thần Văn Xương đế quân (vị thần trông coi việc văn chương khoa cử) và Lã Tể (vị tiên có tài tìm thuốc chữa bệnh). Năm 1843, đền mới chính thức có tên gọi là Ngọc Sơn. Năm 1865, danh sĩ Nguyễn Văn Siêu đã đứng ra vận động tu bổ và xây dựng lại đền Ngọc Sơn trên đảo Ngọc. Ông cho sửa đền, đắp thêm đất và xây kè đá xung quanh đảo Ngọc, xây đình Trấn Ba, một ngọn tháp hình bút và bắc một cây cầu từ bờ đông lên đảo để từ đó tạo nên một công trình liên hoàn gồm đền Ngọc Sơn – cầu Thê Húc - Tháp Bút - Đài Nghiên ngày nay.

Cổng Nghi Môn: Từ bờ dẫn ra đền Ngọc Sơn có hệ thống các cổng và một cây cầu gỗ. Cổng chính vào đền Ngọc Sơn (cổng Nghi Môn) nằm trên hè phố Hàng Dầu. Cổng được dựng với bốn cây cột xây bằng gạch và hai mảng tường lửng. Trên hai mảng tường có hai chữ Phúc và Lộc cỡ lớn, tô son như lời chúc mọi sự tốt lành cho du khách đến tham quan. Trên đỉnh hai cột giữa được đắp nổi bốn con phượng chụm đuôi, xòe cánh. Hai cột bên là hình hai con nghê chầu vào - những mô típ trang trí quen thuộc trong kiến trúc truyền thống Việt Nam. Ở mỗi cột đều có đắp những cặp câu đối vừa làm tăng vẻ cổ kính của di tích vừa giúp khách tham quan hiểu thêm về lịch sử và cảnh quan cũng như cảm thụ chất thơ, chất văn học và cả ý nghĩa triết học ở đây. 

Qua cổng Nghi Môn, bên trái là Tháp Bút bằng đá xây trên ngọn núi do đá xếp thành. Tháp được nhà nho Nguyễn Văn Siêu cho dựng vào năm 1864 trên núi Độc Tôn. Núi này có đường kính 12m, cao 4m. Tháp vuông bằng đá, có 5 tầng, cạnh đáy tầng 1 là 2m, lên đến tầng 5 là 1,2m. Cả 5 tầng cao 9m. Trên thân tháp có khắc ba chữ Hán lớn, đó là “Tả thanh thiên” có nghĩa là “Viết lên trời xanh”. Có rất nhiều cách giải thích về ý nghĩa của ba chữ này, nhưng cách hiểu được nhiều người chấp nhận nhất là viết lên trời xanh. Ở đây, Nguyễn Văn Siêu ý muốn nói, mượn ngòi bút này, lấy ngấn nước Hồ Gươm làm mực và trời xanh làm giấy mới đủ để viết hết nỗi lòng của các chí sĩ Bắc Hà đương thời. 

Cổng Long Môn - Hổ Bảng: Qua Tháp Bút, tới lớp cổng thứ hai, gọi là cổng Long Môn - Hổ Bảng. Lối đi được giới hạn bằng hai cột trụ với hai bức tường hai bên, một bên là bảng rồng, một bên là bảng hổ, tượng trưng cho hai bảng cao quý nêu tên những người thi đỗ năm xưa. Nhưng đây lại là mô típ quen thuộc ở các quán Đạo giáo và Tam giáo. Đạo giáo tôn Lão Tử làm Giáo chủ vì ông là người có đạo cao đức trọng. Rồng và hổ đã phải thuần phục trước con người phi phàm này, bởi vậy bên cạnh tượng Lão Tử, thường có tượng rồng, hổ và câu đối:

Đạo cao sơn hổ phục

Đức trọng thuỷ long triều.

Đài Nghiên: Tiếp theo lớp cổng thứ 2 là đến lớp cổng thứ 3 có tường cao, có mái, có cửa cuốn, cánh cửa gỗ sơn son. Trên mái đặt một cái nghiên đá, cho nên cổng cũng có tên là Đài Nghiên. Nghiên được tạc theo hình nửa quả đào, cắt ngang theo chiều dọc, khoét lõm. Bề dài quả đào 0,97m, bề ngang 0,8m, cao 0,3m, chu vi 2m. Đội nghiên là ba con cóc như ba cái chân kiềng. Trên nghiên có khắc một bài minh nói về công dụng của cái nghiên mực xét về phương diện triết học. Người đời sau ca ngợi là: "Nhất đài Phương Đình bút". 

Cầu Thê Húc: Sau Đài Nghiên là một cây cầu với tên là Thê Húc, lối dẫn vào đền Ngọc Sơn. 

Năm 1865 dưới triều Tự Đức, Nguyễn Văn Siêu cho xây cầu nối bờ với đền Ngọc Sơn và đặt tên nó là Thê Húc - nghĩa là "Giọt ánh sáng đậu lại" hay "Ngưng tụ hào quang". Cầu gồm 15 nhịp, có 32 chân cột gỗ tròn xếp thành 16 đôi, mặt cầu lát ván, thành sơn màu đỏ sẫm, chữ Thê Húc được thếp vàng. Cầu Thê Húc xưa kia được làm bằng gỗ rất thô sơ. Năm 1952 thị trưởng Hà Nội lúc đó là Thẩm Hoàng Tín đã cho phá bỏ cầu cũ, xây cầu mới sau vụ cầu sập, sử dụng thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm. Cầu được thiết kế vẫn với dáng cầu vòng nhưng độ cong lớn hơn cầu cũ, vẫn giữ nguyên 16 hàng cọc; các dầm ngang và dọc đúc bằng bê tông. Mặt cầu và thành cầu vẫn là gỗ, toàn bộ cầu được sơn màu đỏ, nổi bật trên nền nước xanh ngắt của hồ Gươm.

Đắc Nguyệt Lâu: Sang hết 15 nhịp cầu sơn đỏ là đến Đắc Nguyệt Lâu (Lầu được trăng). Đây là một lầu nhỏ xinh xắn, gồm hai tầng. Tầng hai có hai mái. Trên tầng hai nhìn ra hồ, phía đông có 1 cửa sổ tròn. Trên cửa có tấm biển khắc ba chữ Đắc Nguyệt Lâu, lấy ý từ câu thơ cổ: “Cận thuỷ lâu đài tiên đắc nguyệt”, có nghĩa là “Vì ở gần nước nên toà lầu đón được trăng trước tiên”. 

Hai bên cửa sổ còn có hai câu đối:

Bất yếm hồ thượng nguyệt

Uyển tại thuỷ trung ương

Dịch nghĩa:

Trăng trên hồ ngắm bao nhiêu cũng không chán

Cứ như dầm mình trong làn nước miên man

Ở hai bên cổng cũng có hai câu đối tả cảnh:

Kiều dẫn trường hồng thê đảo ngạn

Lâu đương minh nguyệt toạ hồ tâm

Nghĩa là:

Cầu dẫn dải cầu vồng đậu vào bờ đảo

Lầu in vầng trăng sáng nằm trong lòng hồ

Khoảng giữa cửa và hai câu đối là hai bức tranh đắp nổi, bên bờ Bắc là bức Long Mã hà đồ, bên phía Nam là bức Thần Quy lạc thư. Ở bức Long Mã hà đồ có đắp nổi hình con ngựa đầu rồng, trên lưng có đeo bát quái. Đây là truyền thuyết về vua Phục Hi dựa vào các nét vẽ trên lưng con Long Mã lập ra bảng Bát quái toàn đồ, sau này gọi là Hà đồ. Đó là những con số đếm cũng là những chữ viết đầu tiên của dân tộc Trung Hoa. Về bức Thần Quy lạc thư đắp nổi hình con rùa mang trên mai một cây kiếm và một hộp sách cũng dựa theo một truyền thuyết về vua Đại Vũ khi đi trị thuỷ ở sông Lạc thì thấy nổi lên một con rùa, trên lưng có những chấm đen đặc biệt theo một trình tự. Ông dựa vào các chấm đó mà tạo ra Cửu trù (chín khoảnh). Đời sau gọi là Lạc thư. Từ Hà đồ và Lạc thư mà hình thành nên bộ Kinh Dịch. Lầu Đắc Nguyệt là một kiến trúc đẹp và thể hiện nét thi vị, thanh thoát và đậm chất thơ của toàn bộ cụm kiến trúc đền Ngọc Sơn.

Tiếp theo là khu vực chính của đền. Về kiến trúc, đền Ngọc Sơn là một dãy nhà hình chữ Tam gồm tòa tiền bái, tòa chính điện và hậu cung. Tòa tiền bái thờ Quan Công, tòa chính điện thờ Văn Xương đế quân và tòa hậu cung thờ Trần Hưng Đạo. Ngoài ra trong đền còn thờ Phật A Di Đà. Điều này đã thể hiện rõ quan niệm tam giáo đồng nguyên của người Việt xưa.

Đền chính gồm hai ngôi đền nối liền nhau, ngôi đền thứ nhất hướng về phía Bắc thờ Đức Đại vương Trần Hưng Đạo và thờ Đức Văn Xương Đế quân. Tượng đặt ở hậu cung trên bệ đá cao khoảng 1m, hai bên có hai cầu thang bằng đá. Tượng Đức Văn Xương đứng, tay cầm bút. Phía Nam có đình Trấn Ba (đình chắn sóng). Đình hình vuông có tám mái, mái hai tầng có 8 cột chống đỡ, bốn cột ngoài bằng đá, bốn cột trong bằng gỗ.

Phía Nam đền Ngọc Sơn là Trấn Ba Đình (đình chắn sóng). Xét ngụ ý sâu xa, tên gọi ấy mang nghĩa là chắn những làn sóng văn hóa độc hại xô bồ. Bia đền Ngọc Sơn viết: “Đền thờ mới đã hoàn thành, phía trước là đình Trấn Ba ngụ ý là trụ cột đứng vững giữa làn sóng văn hóa”. Trấn Ba Đình hình vuông, được xây dựng theo lối kiến trúc hai tầng, có 8 cột chống đỡ, bốn cột ngoài bằng đá, bốn cột trong bằng gỗ. Cột trong đình còn có đôi câu đối ngụ ý vừa ca tụng vừa răn dạy người đời:

"Kiếm hữu dư linh quang nhược thủy

Văn tòng đại khối thọ như sơn".

Nghĩa là:

"Gươm có khí thiêng sáng màu nước

Văn theo trời đất thọ như non".

Khu vực hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia ngày 16/01/1995 và xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Đặc biệt năm 2014.

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,826,556