Thứ năm, 25/04/2024

Rạp Hồng Hà - Nhà hát tuồng Việt Nam

 

Rạp Hồng Hà trước là rạp Olanhpia (Olympia), ở tại số 51A phố Đường Thành, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. 

Nhà tư sản Vạn Xuân là người đầu tiên bỏ tiền xây rạp Olympia vào năm 1936. Sau khi tiếp quản thủ đô năm 1954, rạp được chính quyền mới sửa chữa xây dựng thành rạp Hồng Hà là nơi biểu diễn chính của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Tuy vậy nơi đây cũng là nơi biểu diễn của các đoàn chèocải lươngkịch nói vào những khi đoàn tuồng không biểu diễn. Rạp Hồng Hà có 393 ghế ngồi, trong đó có 273 ghế gần sân khấu và 120 ghế ở khu vực ban công. Khu vực sân khấu của rạp rộng 7,89 mét, cao 6,41 mét.

Phía trước rạp Hồng Hà là một ngã 6, nơi giao cắt nhiều tuyến phố, đối diện với chợ Hàng Da, nơi chứng kiến sự đấu tranh bền bỉ, kiên cường và bất khuất của quân và dân Hà Nội trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Rạp hát Hồng Hà đã được gắn biển Lưu niệm sự kiện di tích cách mạng kháng chiến vào dịp kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9/2005.

Nhà hát Tuồng Việt Nam đã được Bộ Văn Hóa - Thông Tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chính thức giao cho quản lý Rạp Hồng Hà, đây là địa điểm hoạt động nghệ thuật thường xuyên của Nhà hát Tuồng Việt Nam và các đơn vị nghệ thuật khác có nhu cầu về địa điểm biểu diễn tại Hà Nội.

 Nhà hát Tuồng Việt Nam, tiền thân là Đoàn Tuồng Bắc vốn đã có từ lâu đời và biểu diễn phổ biến khá rộng rãi chẳng những ở các vùng nông thôn mà ở các đô thị lớn ở phía bắc. Do điều kiện vật chất của xã hội phong kiến lâu đời kiểu Á Đông đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của sân khấu Tuồng. Nghệ thuật Tuồng và nghệ sĩ Tuồng luôn bị chế độ thực dân, phong kiến khinh bạc, coi “đào, kép” là “xướng ca vô loài”; đặt địa vị ca hát dưới kẻ cùng đinh. Ấy thế mà nó vẫn sống, vẫn tồn tại. Năm 1954, hoà bình được lập lại, ngoài các đoàn Văn công kháng chiến và miền Nam ra tập kết, phong trào hát Tuồng phát triển, làm giàu thêm hương sắc cho vườn hoa nghệ thuật dân tộc. Trước tình hình phát triển của phong trào Tuồng và vị trí của nghệ thuật sân khấu Tuồng Bắc, đòi hỏi phải có một đơn vị nghệ thuật mẫu mực về tổ chức, tiêu biểu về phong cách. Do đó, năm 1959 Bộ Văn hoá (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) quyết định thành lập Đoàn Tuồng Bắc. Nhiều nghệ nhân Tuồng khắp các tỉnh, thành về Hà Nội tham gia vào việc thành lập Đoàn Tuồng Bắc. Lúc đầu, Đoàn chỉ có 15 người, nơi ăn, chốn ở chưa có, phải ở nhờ nhà dân và tập luyện trong chùa Hà. Vượt qua mọi khó khăn trong bước đi ban đầu, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và nhà nước, được sự giúp đỡ thân tình của Đội Tuồng Liên khu 5 và nhân dân địa phương, số phận nhân vật trong các tích Tuồng như thắp sáng hồn người trong cõi nhân gian. Hàng trăm vở Tuồng có nội dung phong phú, những tác phẩm Tuồng cổ, những trích đoạn tuồng mẫu mực được dàn dựng công diễn đến muôn triệu tâm hồn người Việt Nam và khán giả trên khắp năm châu, bốn biển được đông đảo khán giả nhiệt thành ngợi ca.

Chặng đường 55 năm qua đã ghi nhận sự đóng góp của biết bao thế hệ nghệ sĩ “sinh vì nghệ, tử vì nghệ” đã nuôi dưỡng, phát huy những tinh hoa sân khấu cổ truyền của dân tộc, xây dựng các hình tượng anh hùng dân tộc, danh nhân đất nước, đi biểu diễn khắp mọi nẻo đường của tổ quốc và nhiều nước trên thế giới. Chúng ta tin rằng những di sản quý báu của ông cha ta đã được tinh lọc qua hàng trăm năm mãi toả sáng góp phần làm rạng rỡ nền văn hoá đặc sắc của dân tộc.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,822,589