Thứ năm, 25/04/2024

Quán Vọng Tiên

Kinh thành Thăng Long có nhiều nơi ghi dấu tích của vua Lê Thánh Tông – một vị vua lớn đầu thời Lê với nhiều võ công văn trị đã đưa nước nhà tới một thời kỳ phát triển. Đó là các di tích chùa – đền – điện Huy Văn, chùa Ngọc Hồ (chùa Bà Ngô), chùa Tiên Tích, và quán Vọng Tiên.

Trước thế kỷ XV, quán Vọng Tiên ở khu vực Cửa Nam. Đến thời Hậu Lê, khu vực Cửa Nam nằm giữa một bên là Hoàng thành có cung điện vua Lê, một bên là Phủ chúa Trịnh ở mé đông nam. Hoạt động xã hội và văn hóa ở đây khá sầm suất, được chứng minh bằng những công trình xây dựng với những địa danh còn ghi lại trong sử sách hoặc ít nhiều ở các di tích. Khi Gia Long xây dựng tại tòa thành Thăng Long, quán Vọng Tiên được dời tới vị trí hiện nay (120 phố Hàng Bông). Quán Vọng Tiên là nơi đánh dấu huyền tích vua Lê Thánh Tông gặp “tiên nữ”.

Các sách “La Thành cổ tích vịnh”, “Thăng Long cổ tích khảo” hay “Bích Câu kỳ ngộ” đều cho biết: Vua Lê Thánh Tông (1460 – 1497) có lần đi qua chùa Ngọc Hồ, thấy một người đẹp ở chỗ gác chuông. Nàng ngâm hai câu thơ: 

          “Ở đây mến cảnh mến thầy

          Tuy vui đạo Phật, chưa khuây lòng người”.

Vua muốn được xướng họa. Người đẹp nhường vua làm trước. Vua bảo nàng ra đề. Nàng bèn lấy câu vừa ngâm làm đề. Vua đọc bài thơ, được người đẹp chữa lại một số chữ, đặc biệt câu ba, bốn của bài thơ:

          “Chày kình mấy khắc tan niềm tục

          Hồn bướm ba canh lẫn sự đời”.

Cô gái sửa lại là:

          “Gió xuân thong đạo tan niềm tục

          Hồn bướm mơ tiên lẫn sự đời”.

Vua tán thưởng, mời nàng về cung. Đến cửa điện, nàng biến mất. Vua cho là tiên nữ, bèn cho dựng một lầu cao ở đó (trước cửa Đại Hưng), đặt tên là lầu Vọng Tiên (lầu trông ngóng người tiên).

Quán Vọng Tiên (nay còn gọi là đền Vọng Tiên) có từ thế kỷ XV. Hiện quán thờ Mẫu và thờ Phật.

Hiện nay, kiến trúc di tích có dạng chữ “Tam”, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn và được trùng tu vào các năm Bảo Đại thứ 3 (1928). Từ ngoài, có 3 cửa vào, qua sân đến nhà tiền tế và trung tế, làm theo kiểu chồng diêm, giữ được nhiều mảng chạm nổi, bong, kênh đẹp và khá độc đáo với đề tài các linh vật.

Đáng chú ý hơn là các tư liệu văn tự cổ tại các di tích này, gồm 36 bia chữ Hán, 3 chuông, hàng chục bức hoành phi và câu đối chữ Hán, liên quan đến lịch sử quán Vọng Tiên, ca ngợi chốn bồng lai tiên cảnh, kính đức thánh Mẫu. Các văn bia như “Vọng Tiên quán trùng niên bia chí” còn cho biết người lập dền, vị trụ trì đầu tiên và các vị trụ trì tiếp theo.

Các di tích dạng quán có mối liên hệ đầy thú vị và giúp việc nghiên cứu về lịch sử quá trình Đạo giáo được truyền đến Việt Nam từ thời xa xưa. Thư tịch cổ cho biết: Đô đốc Phong Châu đã cho dựng quán Thông thánh ở Bạch Hạc (Vĩnh Yên) dưới niên nhiệu Vĩnh Huy (650 – 655). Thời Trần Thái Tông (1218 – 1277), con trai thứ sáu của Trần Thái Tông là hoàng tử Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đã giữ môn khách người Tống truyền bá Đạo giáo, tận trung báo quốc, đánh giặc Nguyên xâm lược. Sau khi giặc Nguyên đại bại rút về, đạo sĩ lại trùng tu quán Bạch Hạc, đúc chuông lớn… Tất cả còn được ghi trên bia ký, khắc trên chuông của quán, ghi chép ở sách “Giao Châu ký”, “Lĩnh Nam chích quái”, “Thiên Nam vấn lục”… Như vậy, từ đời Trần, Đạo giáo đã được tôn sung, tục thờ thần rất được coi trọng.

Nằm trên một trục đường chính trong khu phố cổ Hà Nội, sự tồn tại của quán Vọng Tiên đã góp phần làm phong phú thêm khối di sản văn hóa trong khu vực này. Di tích này là một điểm dừng chân thú vị cho du khách tham quan, hành lễ và tất cả những ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,817,562