Thứ năm, 25/04/2024

Quán - Chùa Huyền Thiên

Quán, chùa Huyền Thiên, tên chữ là “Huyền Thiên Cổ Quán”, dân gian vẫn quen gọi là chùa Huyền Thiên hay đền Huyền Thiên. Quán chùa Huyền Thiên nằm giữa phố Hàng Khoai, phường Đồng Xuân, thời Lê là đất thôn Huyền Thiên, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương, phố này trước đây là nơi tập trung bán các loại khoai. Tên phố thời Pháp thuộc là “Ru des Tubercules” (phố Các Củ). Sau cách mạng tháng Tám gọi là phố Hàng Khoai. 

Các sách “Thăng Long cổ tích khảo”, “Hà thành linh tích cổ lục” đã từng nhắc đến bốn ngôi quán nổi tiếng của Thăng Long là Huyền Thiên Cổ Quán, Trấn Vũ Quán, Đế Thích Quán, Đồng Thiên Quán. Quán Huyền Thiên là nơi thờ Huyền Thiên Thượng Đế, một trong những vị thánh tiêu biểu của thần diện Lão Giáo.

Theo quan niệm Đạo Giáo, thần Huyền Thiên là vị thần có nhiệm vụ trấn giữ phương Bắc, người xưa cho rằng phía Đông có vị thần Thanh Long biểu hiện cho mùa xuân, phía Nam có thần Chu Tước biểu hiện cho mùa hạ, phía Tây có vị thần Bạch Hổ biểu hiện cho mùa thu, biểu hiện cho mùa đông là vị thần ở phía Bắc. Thần Huyền Thiên được thờ ở nhiều nơi, riêng Hà Nội đã có Trấn Vũ Quán ở Quán Thánh (Ba Đình), đền Trấn Vũ ở Thạch Bàn (Gia Lâm), Huyền Thiên Đại Quán ở Thuỵ Lâm (Đông Anh) và Huyền Thiên Cổ Quán ở phường Đồng Xuân...

Bản thân truyền thuyết về Huyền Thiên cũng có nhiều biến thể khác nhau. Có truyền thuyết cho rằng: “Vào đời Tuỳ Khai Hoàng (617), sau khi tu luyện đắc đạo tại núi Vũ Đương, Huyền Thiên Thượng Đế thường đi du ngoạn khắp nơi để thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên. Ngài rất nhiều lần xuất hiện ở trần gian để tiễu trừ yêu ma cứu giúp dân lành. Ngài đến hồ Linh Động bên sông Nhĩ, hương Long Đỗ để diệt trừ yêu quái. Sau đó thần tiếp tục ngồi trên gò Kim Quy. Về sau nhân dân vùng này tưởng nhớ công ơn của thần nên xây dựng Quán để phụng thờ...”. Thời Đường do kiêng chữ Huyền nên đổi là Chân, thời Tống kiêng chữ Chân đổi là Trấn, do vậy Thần còn có tên là Huyền Vũ Đế, Chân Vũ Đế, hay Trấn Vũ Đế.

Từ xưa đây đã là một thắng tích được xây dựng trên một bán đảo, (các phố Gầm Cầu, Nguyễn Thiếp và một phần Hàng Giấy, Hàng Khoai...), thời đó còn là hồ, hồ hình vành khuyên còn gọi là hồ Tay Ngai.

Quán, chùa Huyền Thiên có từ thời Lê Thiệu Bình thứ 7 (1439). Bia cũng cho biết thời gian này Quán, chùa cũng đã có 13 gian với cung thờ phật, thờ tiên và pho tượng Huyền Thiên bằng gỗ trầm. Đây cũng là niên đại tu sửa quán sớm nhất được biết đến. Thời vua Lê Huyền Tông niên hiệu Cảnh Trị 6 (1668), quán lại được trùng tu, đục tượng, xây tam quan, gác chuông, hành lang, thiêu hương, thượng điện. Đến thời hậu Lê cũng được tu sửa nhiều lần. Thời Cảnh Thịnh (1793 - 1801) trùng tu đúc chuông. Trên 200 năm sau, niên hiệu Tự Đức 21 (1868), quán lại được trùng tu sửa chữa, cất thêm bảy gian nhà phía sau.

Đầu thế kỷ 20, thực dân Pháp đã cho lấp hồ, mở rộng phố xá, Quán Huyền Thiên cũng bị thu hẹp. Năm Bảo Đại thứ 5 (1930) Quán, chùa Huyền Thiên được mở rộng như hiện nay, phần lớn các hạng mục được xây dựng lại. Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Quán, chùa Huyền Thiên cũng bị tàn phá nặng nề, pho tượng thần bằng gỗ trầm bị cháy. Năm 1948, nhân dân trong thôn cùng khách thập phương quyên góp, Quán, chùa được xây dựng lại như hiện nay.

Bên cạnh ý nghĩa của một kiến trúc di sản tôn giáo, giá trị tiềm ẩn trong Quán, chùa Huyền Thiên còn là các văn bia cổ, hàng loạt các pho tượng Phật, tượng Thánh, tượng Mẫu, và các pho tượng Lão Giáo, cùng nhiều hiện vật phong phú khác. Ngoài ra, tại quán chùa Huyền Thiên trong năm có hai ngày lễ lớn là ngày 3 tháng 3 và 9 tháng 9 âm lịch, lễ rước tiến hành trong ba ngày với nhiều sinh hoạt văn hoá đặc sắc. Tuy lễ hội mở định kỳ 5 năm một lần, nhưng qua hội lễ đã toát lên nét đẹp truyền thống, giúp những người dân ngày càng thắt chặt thêm mối quan hệ xóm làng thân thuộc.

Với tính chất của một ngôi Quán thờ thánh (theo quan niệm Lão Giáo) lại là một ngôi chùa thờ Phật, ngôi đền thờ Mẫu (theo tín ngưỡng dân gian), sự kết hợp hài hoà trong kiến trúc và tôn giáo đã làm Huyền Thiên Cổ Quán trở thành một điểm văn hoá cảnh quan độc đáo trong quần thể các di tích nổi tiếng của khu phố cổ và Thủ đô.

Quán, chùa Huyền Thiên được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia ngày 30/8/2007.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,819,771