Thứ năm, 25/04/2024

Nhà số 5D phố Hàm Long

Di tích nhà số 5D phố Hàm Long, nơi thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên (3/1929) thuộc phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Thập kỷ 20 thế kỷ trước là thời điểm mà lịch sử dân tộc ta đang tập trung dồn nén những bức xúc lớn đòi hỏi phải được giải đáp để mở đường cho dân tộc đi lên. Chính vào thời điểm đó, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Với việc thành lập "Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên" (1925), Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. 

Đến năm 1928, số hội viên Việt Nam Cách mạng thanh niên của tỉnh bộ Hà Nội đã phát triển tới 200 người. Phong trào cách mạng ngày càng lên cao. Nhiệm vụ bức thiết của những người mác-xít trong Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên là đấu tranh chống âm mưu thâm độc của thực dân Pháp và tay sai, chống lại ảnh hưởng của tư tưởng tư sản và tiểu tư sản, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, xây dựng tổ chức cơ sở của hội.

Từ cuối năm 1928, phong trào đấu tranh của công nhân ngày càng lên mạnh, sự giác ngộ giai cấp của hội viên và quần chúng được nâng cao, xu hướng cộng sản chủ nghĩa ngày càng rõ rệt. Trước tình hình đó, Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên không còn đủ sức lãnh đạo nữa, cần phải có một tổ chức chặt chẽ hơn, có cương lĩnh rõ ràng, có phương pháp hoạt động đúng đắn với cơ sở quần chúng rộng rãi hơn mới có thể đáp ứng được những đòi hỏi của phong trào, lãnh đạo phong trào đi lên theo con đường cách mạng vô sản.

Những thanh niên tiên tiến trong ban lãnh đạo kỳ bộ Bắc Kỳ và tỉnh bộ Hà Nội của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên nhận thức rõ những bức xúc của lịch sử và xu hướng tất yếu của phong trào cách mạng Việt Nam đã bí mật họp tại số nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội để thành lập chi bộ Cộng sản đầu tiên của Việt Nam vào một đêm cuối tháng 3/1929. Chi bộ gồm 8 người: Trần Văn Cung, Trịnh Đình Cửu, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Phong Sắc và Kim Tôn (tức Nguyễn Tuân), Dương Hạc Đính. Đồng chí Trần Văn Cung (Quốc Anh) được cử làm bí thư chi bộ. Tại hội nghị này, chi bộ đã đề ra một số nhiệm vụ, trước hết là tiến tới thành lập Đảng cộng sản, việc phát triển tổ chức công hội, nông hội, việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin.

Ngay sau khi ra đời, chi bộ đã kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Không đầy 3 tháng sau, ngày 17/6/1929 tại số nhà 312 phố Khâm Thiên, tổ chức cộng sản Bắc Kỳ - Đông Dương Cộng sản Đảng - chính thức được thành lập. Chính cương và tuyên ngôn của Đảng được công bố. Chi bộ 5D Hàm Long đã thực sự trở thành nòng cốt của Đông Dương Cộng sản Đảng.

Nhà số 5D phố Hàm Long là một trong số 4 nhà 5A, 5B, 5C, 5D cùng dãy nhà gạch một tầng của một gia đình tư sản cho thuê. Cuối năm 1928, kỳ bộ Bắc Kỳ của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên đã thuê nhà 5D làm trụ sở bí mật và giao cho đồng chí Trần Văn Cung (Quốc Anh) cùng vợ là Nguyễn Thị Liên đến ở và trông nom ngôi nhà. Nhà chỉ có 1 phòng 24m2, sau có sân nhỏ, bếp và nhà vệ sinh. Đồ đạc, tài sản giá trị nhất chỉ có bộ tràng kỷ và chiếc hòm hai đáy dùng để cất giấu tài liệu. Ban đêm, đồng chí Cung thường dùng mặt hòm làm bàn để làm việc.

Năm 1960, ngôi nhà được khôi phục thành nhà lưu niệm trưng bày các tài liệu, kỷ vật gắn liền với sự ra đời và hoạt động của chi bộ 5D Hàm Long. Bộ tràng kỷ, bộ ấm tích, 4 ghế đẩu, một giường gỗ, 2 hòm gỗ, nồi chảo, bát đĩa… là những hiện vật đã được phục chế.

Năm 2000, nhà số 5D phố Hàm Long đã được tu bổ, cố gắng khôi phục diện mạo như thời điểm ra đời chi bộ cộng sản đầu tiên (3/1929).

Nhà số 5D phố Hàm Long đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa năm 1964.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,817,282