Thứ sáu, 29/03/2024

Nhà lưu niệm 90 Thợ Nhuộm

Nhà số 90 phố Thợ Nhuộm nằm ngay góc ngã tư phố Thợ Nhuộm - Quang Trung, thuộc phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, là nơi làm việc của Trung ương Đảng lâm thời, nơi đồng chí Trần Phú viết dự thảo Luận cương Chính trị (từ tháng 4 đến tháng 9 năm 1930).

Mùa xuân 1927, đồng chí Trần Phú được cử sang Liên Xô học trường Đại học Phương Đông. Sau khi học xong, đồng chí xin về nước hoạt động. Tháng 4/1930, đồng chí về đến cảng Hải Phòng, sau đó về Hà Nội, được đồng chí Trịnh Đình Cửu đưa về ở nhà số 47 phố Trần Nhân Tông, rồi chuyển về số 4 Hàng Rươi. Trước sự săn lùng gắt gao của bọn mật thám, Trung ương đã có một quyết định táo bạo: lấy nhà số 90 phố Bông Nhuộm (nay là phố Thợ Nhuộm), nhà của Đuyô (Duot), một tên công chức cao cấp làm thanh tra tài chính thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương làm nơi ở và làm việc của đồng chí Trần Phú.

Đồng chí Trần Phú được bố trí ở căn buồng xép, chỉ vừa đủ kê một tấm phản. Căn buồng có một cửa sổ nhỏ cuốn vòm trông ra phố Quang Trung, cách hè phố một rặng cây râm bụt và hàng rào sắt.

Những ngày sống tại căn phòng trong tầng hầm này, đồng chí Trần Phú đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí trong Trung ương. Tại đây, vào tháng 7/1930 đã tổ chức Hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đảng lâm thời gồm các đồng chí Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Văn Lan và Trần Phú.

Vào khoảng tháng 9/1930, đồng chí Trần Phú sang Thượng Hải (Trung Quốc) để báo cáo với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về tình hình trong nước và xin chỉ thị về bản dự thảo luận cương. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí ở Hương Cảng đã góp ý kiến sửa chữa bản dự thảo trước khi đưa ra thông qua ở Hội nghị lần thứ nhất của Trung ương Đảng (10/1930).

Luận cương chính trị của Đảng năm 1930 với tên đầy đủ là Luận cương Cách mạng tư sản dân quyền là sản phẩm của trí tuệ tập thể, trong đó có phần đóng góp quan trọng của đồng chí Trần Phú.

Tại di tích 90 phố Thợ Nhuộm, mọi tư liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến sự kiện lịch sử đồng chí Trần Phú viết dự thảo Luận cương Chính trị đã được thẩm tra, sưu tầm và phục chế, bảo đảm tính khoa học, trung thực, khách quan. Trong căn hầm lịch sử còn trưng bày 2 tấm phản gỗ là bàn làm việc của đồng chí Trần Phú và của các đồng chí Trung ương đến làm việc, bộ quần áo (áo dài thâm, quần trắng, khăn xếp) của đồng chí Trần Phú khi đi ra ngoài, các giấy tờ tài liệu liên quan đến đồng chí Trần Phú. Năm 1980, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đảng, tại đây đã khánh thành bức tượng đồng chí Trần Phú bằng đồng, cao 0,60m, đặt trên bệ đá cao 1,5m, xây dựng ở phía trong di tích.

Di tích lưu niệm 90 phố Thợ Nhuộm hiện nay do Ban quản lý di tích danh thắng Hà Nội (đóng trụ sở tại đây) trực tiếp quản lý. Di tích mở cửa phục vụ khách tham quan, nhưng khách đến chủ yếu trong các ngày kỷ niệm về Đảng, về đồng chí Trần Phú. Năm 1964, di tích đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,549,952