Thứ bảy, 20/04/2024

Đình Tân Khai

Đình Tân Khai còn được gọi là đình Thái Cam, hiện tọa lạc ở số nhà 44 phố Hàng Vải, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trước đây, di tích thuộc thôn Tân Khai, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương. Theo văn bia thì đình Tân Khai được dựng vào năm Minh Mệnh thứ 3 (1822), cùng với thời điểm dựng chùa Thái Cam.

Đình Tân Khai thờ 3 vị Thành hoàng là thần Tô Lịch, thần Bạch Mã và thần Thiết Lâm. Đây là những vị Thành hoàng của kinh đô Thăng Long đã có công giúp vua Lý Công Uẩn xây dựng kinh thành, vàđã trở thành những vị thần bảo hộ cho kinh đô. Vị thần đầu tiên phải kểđến, là thần Tô Lịch. Ngài được hình thành trong bối cảnh khởi dựng thành Đại La xưa vàđược phong là"Bảo Quốc, Định Bang Quốc Đô Thành hoàng Đại Vương". Năm 1010, vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long lại phong cho Tô Lịch làm: "Quốc Đô Thăng Long Thành hoàng Đại Vương". Vị thần thứ hai được thờ là thần Bạch Mã (còn gọi là thần Long Đỗ) hiệu là"Long Đỗ Thần Quân Quảng Lợi Bạch Mã Đại Vương". Thần được thờ ở đền Bạch Mã - số 76 Hàng Buồm. Vị thần thứ 3 được thờ trong đình là thần Thiết Lâm (thần rừng lim), tương truyền đây là vị thần của vùng Hồ Tây. Về nguồn gốc xuất xứ của vị thần này, hiện nay không có tài liệu nào ghi chép, song có thể thấy việc thờ thần Thiết Lâm ở đình Tân Khai có lẽ bắt nguồn từ tín ngưỡng nguyên thuỷ cổ xưa của người Việt trong việc tôn sùng các lực lượng thiên nhiên làm thần (như thần cây đa, thần cây gạo…).

Đình Tân Khai tuy ra đời vào thế kỷ 19, song trong tâm thức của người dân Hà Nội thì thần Tô Lịch, Bạch Mã, Thiết Lâm vẫn là những vị Thành hoàng tối thượng bảo vệ cho kinh đô Thăng Long, muôn đời được thờ cúng.

Đình Tân Khai trước đây được xây trên một mảnh đất nhỏ, áp lưng vào chùa Thái Cam. Nay nhà Tiền tế đã mất, đình chỉ còn Hậu cung xây kiểu chữ Công, rộng ba gian hai chái, mặt quay về hướng nam. Sân đình nằm dưới tán lá một cây bồđề to, cửa đình có đôi con nghê đứng chầu. Đình xây đầu hồi bít đốc, 2 tầng 4 mái, trên bờ nóc đắp hình lưỡng long triều nhật.

Đình Tân Khai hiện nay chung cổng ra vào với chùa Thái Cam. Cổng này xây kiểu nhà cầu 4 trụ mái bằng, trên đắp cuốn thư đề 4 chữ Hán “Tân Khai Linh Từ”, nhìn chếch ra ngã tư Hàng Vải - Hàng Gà. Trải qua thời gian hai thế kỷ, đất đình chùa bị lấn chiếm một phần và các công trình đã xuống cấp nghiêm trọng. Đầu năm 2015, cổng vào cụm di tích này đã được trùng tu.

Đình Tân Khai đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia năm 1990.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,768,707