Thứ sáu, 19/04/2024

Đình, đền Đông Hương

Đình, đền Đông Hương còn gọi là đình, đền Hàng Trống, hiện tọa lạc tại số 84 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. 

Đền Hàng Trống được xây dựng ở vị trí giữa phố Hàng Trống nhìn thẳng ra đường. Nguồn tư liệu thành văn còn lưu tại di tích cho thấy: Đền có khởi nguồn tạo dựng khoảng thời Lê để phụng thờ vị Phúc thần Đào Nương. Truyền thuyết dân gian địa phương kể lại rằng: Thời nhà Lê, giặc Minh mượn cớ sang hỏi tội Hồ Quý Ly hòng cướp ngôi nhà Trần để chiếm nước ta. Nhân dân ai cũng oán hận. Lúc ấy, ở Đông Đô có bà Đào Nương người đẹp, hát hay đã khéo lừa lũ giặc chui vào bao bố (túi vải) ngủ tránh muỗi, rồi đem quẳng xuống sông, giết chết cả lũ. Khi vua Lê Thái Tổ đánh đuổi được giặc Minh, định đô ở Thăng Long, xét công trạng của bà, bèn cho lập đền thờ ở làng Tả Vọng, tức đền Hàng Trống. Hiện nay, tại đền còn lưu giữ bức hoành phi đề: “Khiến thiên chi muội” nghĩa là “Em gái của trời”.

Đền Đông Hương ở vị trí phía sau đền Hàng Trống, nơi phụng thờ tam vị Thánh Mẫu là Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải và Mẫu Liễu Hạnh. Theo “Sự tích các nữ thần Việt Nam” thì ba vị Thánh Mẫu là những nữ thần có công với nước, với dân, được các triều đại sắc phong là “Thượng đẳng Phúc thần”.

Đền Hàng Trống hiện nay có quy mô nhỏ, gồm một nếp nhà 3 tầng, máu lợp giả ngói ống. Nhà quay hướng đông. Ngôi đền đã trả qua nhiều lần tu sửa nên diện mạo hiện nay có nhiều đổi thay.

Đền Đông Hương ở vị trí phía sau, cách một khoảng sân nhỏ. Đền hiện nay là tòa nhà hai tầng, xây kiểu nhà ống, mái lợp giả ngói ống. Tầng trên là điện thờ Mẫu. Tầng dưới là nhà ở của người trông đền.

Hiện nay, tại di tích còn lưu giữ nhiều di vật văn hóa gồm: 3 khám thờ chạm rồng, 15 pho tượng tròn, một hương án thiếp vàng chạm rồng, 6 bức hoành phi, hai đôi câu đối, một bộ phủ việt bằng đồng, một bộ long ngai chạm rồng thế kỷ XIX, một khám kiệu long đình chạm rồng, một quả chuông đồng, sáu đạo sắc phong, trong đó: một sắc Tự Đức thứ 10 (1857), một sắc Tự Đức thứ 33 (1880), một sắc Đồng Khánh thứ 2 (1887), một sắc Duy Tân thứ 3 (1909), một sắc Khải Định thứ 9 (1924), một sắc Bảo Đại thứ 18 (19543) cùng nhiều đồ thờ tự khác như: Bát hương sứ men lam, cây đèn, lọ hoa, hạc đồng, cây nến…

Đền Đông Hương và đền Hàng Trống là di tích tôn giáo, tín ngưỡng có khởi nguồn tạo dựng khoảng cuối thời Lê. Di tích được xây dựng để phụng thờ những vị Phúc thần có công với nước với dân. Lịch sử tạo dựng và phát triển của ngôi đền luôn có mối quan hệ mật thiết với vùng đất và con người nơi đây.

Đền Đông Hương và đền Hàng Trống trong lịch sử là hai di tích, nhưng hiện nay các công trình kiến trúc cũ đã bị thu hẹp, phải quy hoạch trong một không gian chung. Ngôi đền còn lại trong phố nghề Hàng Trống hiện nay là một minh chứng phản ánh quá trình lịch sử hình thành và phát triển của các công trình tôn giáo tín ngưỡng cũng như sự thăng trầm của một phố nghề. Vì thế, di tích sẽ là một điểm tham quan hấp dẫn và lý thú đối với du khách trong và ngoài nước.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,762,654