Thứ bảy, 20/04/2024

Đình Cổ Vũ

Đình Cổ Vũ là tên gọi chính thức của một di tích hiện diện tại số 85 Hàng Gai, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Đây là công trình văn hóa được xây dựng lâu đời để phụng thờ thành hoàng làng và là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh cho nhân dân.

Đình Cổ Vũ là tên gọi thống nhất được sử dụng trong hồ sơ khoa học di tích. Tên gọi này gắn với địa danh trước đây là phường Cổ Vũ, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội, sau đổi tên thành phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Ngoài tên gọi chính thức nêu trên, di tích còn có tên gọi là đình Cổ Vũ Đông. Tên gọi này gắn với tên địa danh trước đây (thời Nguyễn) của làng là Cổ Vũ Đông. Bên cạnh tên gọi đình Cổ Vũ Đông, di tích còn có tên gọi khác là đình Hàng Ốc. Sở dĩ có tên gọi này vì ở cửa đình có hàng ốc nổi tiếng của bà từ.

Đình Cổ Vũ thờ các thần là Bạch Mã đại vương, Linh Lang đại vương, đức thánh mẫu Bảo Ninh và người được bầu làm hậu thần của di tích. Đình Cổ Vũ là nơi thờ thành hoàng làng đồng thời là địa điểm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của nhân dân. Đây là công trình văn hóa có niên đại xây dựng từ thời Lê. Qua nhiều biến động của lịch sử, đặc biệt là trong thời gian chiến tranh, di tích trở nên hoang phế. Năm 1970, tổ phục vụ của phường dựng lò bánh mỳ và bán nước sôi tại đình. Sau đó phía ngoài đình được sử dụng làm trạm tuần tra canh gác, bên trong làm trường mẫu giáo của phường, chỉ còn phần hậu cung sử dụng làm nơi hành lễ. Năm 2008, chính quyền và nhân dân đã đứng ra tu sửa toàn bộ di tích qui khang trang như hiện nay.

Các hạng mục công trình kiến trúc hiện nay của đình bao gồm: cổng, sân, kiến trúc chính dạng chữ nhị gồm 3 gian tiền tế, 3 gian hậu cung. Đặc biệt, trước đình là cây cổ thụ to được ghi chép trong sách “Phố phường Hà Nội xưa” của Hoàng Đạo Thuý như sau: “Không biết từ bao giờ, nhưng ở một bức tranh vẽ từ năm 1885 đã thấy có cây đa, mà lúc ấy đã bề thế rồi. Cây đa này mọc trước đình Cổ Vũ, là cái đình thứ hai của phố, nay ở số 85 Hàng Gai… Đông Hà và Cổ Vũ là hai đình trong phố, phường Đông Hà và phường Cổ Vũ đình nào cũng có “quan viên” săn sóc việc cúng lễ “xuân thu nhị kì”. Cây đa hiện nay vẫn xum xuê, toả bóng mát, làm cho phố thêm phần cổ kính. Đường kính thân cây kể cả rễ phụ là 1m50, tán lá trùm cả ra đường phố”.

Cổng (Nghi môn):

Từ đường Hàng Gai bước lên vỉa hè là hạng mục Nghi môn đình Cổ Vũ cổ kính dưới bóng cây cổ thụ. Lối đi chính dẫn vào di tích là khoảng cách giữa 2 trụ lớn được kiến thiết theo mô típ sau: đỉnh trụ là nghê, sập hình mặt hổ phù, ô lồng đèn được soi gờ vuông vức, để trơn không trang trí, thân đắp câu đối, đế cổ bồng. Hai trụ lớn được lối với nhau kiểu cuốn vòm bưng cổng gỗ, trên cùng tạo bức cuốn thư đề chữ “Cổ Vũ đình”, dưới trang trí vân triện nổi. 

Nối trụ lớn với trụ nhỏ là tường lửng, giữa tường trổ ô hình chữ nhật gắn hoa chanh. Trụ nhỏ kiến thiết đơn giản hơn trụ lớn, đỉnh trụ để trơn không trang trí.

Câu đối tại nghi môn có nội dung như sau:

Vệ quốc uy nghi trung dũng thiên thu nhật nguyệt kính

Hộ dân lập nghiệp trí nhân vạn cổ hải hà ân

Tiền tế:

Gồm 3 gian xây kiểu tường hồi bít đốc, mái ngói ri, bờ nóc không trang trí, hai đầu đắp hai đấu hình chữ nhật. Bờ dải gắn hình lá lật, hoa văn hình học. Hai hồi trổ cửa sổ tròn hình chữ “thọ”. Nền nhà tiền tế lát gạch Bát Tràng, phía trước mở 3 cửa ra vào. Cửa làm dạng bức bàn “thượng song hạ bản”, 3 bậc tam cấp bó vỉa gạch. Phía trước hiên treo 3 bức cuốn thư và câu đối.

Mặt bằng tiền tế gồm 4 hàng chân cột (trốn 2 hàng cột quân phía hậu), bộ khung gồm 4 bộ vì bằng gỗ được làm theo một dạng thống nhất “thượng chồng rường con nhị, hạ kẻ ngồi, kẻ liền bảy hiên”. Phần trang trí chủ yếu trên kẻ bẩy hiên với các đề tài lá lật, vân mây. 

Tại các gian tiền tế, phía trên đều treo cuốn thư, dưới là cửa võng, hai bên là câu đối ca ngợi công đức của các vị Thành hoàng. Phía dưới gian giữa đặt hương án sắp đặt các đồ thờ như: ngai, lư hương, chân nến, lọ hoa… Trên tường hồi bên trái gắn 4 tấm bia đá - niên đại nghệ thuật thời Lê -Nguyễn. Hiên sau tiền tế treo cuốn thư, câu đối và bài trí bộ chấp kích và chuông.

Hậu cung:

Gồm 3 gian xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ri, bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, hai đốc mái đắp đấu hình chữ nhật. Bờ dải làm hình thức giống nhà tiền tế có gắn hình lá lật, văn hình học nhằm tăng tính thẩm mỹ cho di tích. Hai hồi hậu cung trổ cửa sổ tròn hình chữ “thọ” tác dụng làm thông thoáng và tăng ánh sáng trong nhà.

Mặt bằng hậu cung gồm 4 hàng chân cột kê trên những tảng đá hình tròn. Phía trước trổ 3 cửa bức bàn “thượng song hạ bản”. Bộ khung bằng gỗ gồm 4 bộ vì gỗ kết cấu dạng “Thượng chồng rường con nhị, hạ kẻ ngồi, kẻ bảy hiên” có điểm xuyết hoa văn dấu hỏi, lá lật nhẹ nhàng trên các con rường, bẩy hiên…

Trên các gian tại hậu cung đều treo cuốn thư, cửa võng, câu đối nhằm ca ngợi công tích của các vị Thành hoàng. Gian giữa đặt hương án cùng với nhiều hiện vật như đỉnh trầm, chân nến, bát hương… bát bửu và rùa hạc sắp đặt thành 2 hàng và hai ngai thờ đức Bạch Mã đại vương và Linh Lang đại vương. Hai gian bên là ban thờ quan văn, quan võ. Sát hồi gian bên trái đặt ngai thờ của Đức thánh mẫu Bảo Ninh, hồi gian phải đặt ngai thờ Quan thần linh cùng nhiều đồ thờ tự như bát hương, hạc thờ, lộc bình, lư hương, tam sự, chuông, khánh, chiêng tạo sự linh thiêng, bề thế và trang hoàng cho di tích.

Đình Cổ Vũ đối với bản phường có vai trò to lớn trong việc phát huy giá trị văn hoá tốt đẹp mà cha ông để lại, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chính vì điều đó mà nhân dân nơi đây, trải qua nhiều năm tháng, nhiều thế hệ đã ra sức bảo vệ, giữ gìn di tích.

Đình Cổ Vũ đã được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử cấp thành phố theo quyết định số 4285/QĐ-UBND ngày 04/08/2016.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,768,885