Thứ sáu, 19/04/2024

Đền Xuân Yên

Đền Xuân Yên hiện nay ở số nhà 44 phố Hàng Cân, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Trước đây, Xuân Yên thuộc thôn Hữu Đông Môn và thôn Xuân Hoa, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long. Đến giữa thế kỷ XIX, tổng này đổi thành Thuận Mỹ, thôn Xuân Hoa hợp với thôn Yên Hoa, thành Xuân Yên.

Truyền thuyết dân gian ở địa phương cho biết: Đền Xuân Yên phụng thờ vị Phúc thần tên là Lân Ngọc, người có công phù giúp cụ Tổ nhà ông Nguyễn Văn Tuân và Nguyễn Quý Bình dẹp quân Chiêm Thành, bảo vệ chủ quyền dân tộc. Khi dẹp xong giặc ngoại xâm trở về, cụ Tổ họ Nguyễn nhớ ơn công ơn của ông Lân Ngọc, đã lập đền thờ tại phố Hàng Cân. Nguồn tư liệu thành văn và những di vật hiện còn tại di tích cũng cho biết thêm về lịch sử ngôi đền. Ngoài việc thờ vị Phúc thần Lân Ngọc, đền Xuân yên còn phụng thờ Mẫu Liễu Hạnh và Đức Thánh Trần, Mẫu Thượng Ngàn.

Đền Xuân Yên có khởi nguồn tạo dựng khoảng cuối thời Lê và đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa. Hiện nay, tại đền còn lưu giữ ba tấm bia hậu, ghi việc tu sửa đền và ghi việc hậu, trong đó một tấm bia niên hiệu Minh Mệnh thứ 2 (1821), một bia niên hiệu Thiệu Trị. Năm 1952, ngôi đền được trùng tu lớn. Đến năm 1994 lại tu sửa phần cung thờ Mẫu.

Đền Xuân Yên được xây dựng trên một khu đất sát đường phố Hàng Cân. Đền quay hướng đông, kết cấu kiểu chữ “Đinh”. Toà tiền tế một gian, đổ trần bê tông hai mái, lợp ngói ta, nền lát gạch hoa. Hậu cung hai gian rộng, xây chạy dọc về phía sau. Mái làm tương tự như nhà tiền tế, một gian lợp ngói ta, một gian đổ mái bằng bê tông cốt thép. Cổng đền làm kiểu tam quan có 3 cửa kiểu vòm, trên nóc cửa chính có đắp hình mặt nguyệt hổ phù. Hai bên tường hồi đắp nổi hình hai ông hộ pháp nổi trên tường.

Đền Xuân Yên hiện còn lưu giữ nhiều di vật có giá trị lịch sử nghệ thuật, thuộc thế kỷ XIX – XX, như 3 tấm bia hậu niên hiệu triều Nguyễn, ghi việc tu sửa đền và ghi việc hậu, trong đó một tấm bia niên hiệu Minh Mạng thứ 2 (năm 1821), một bia niên hiệu Thiệu Trị; 14 pho tượng tròn sơn son thếp vàng lộng lẫy, 1 hương án chạm rồng, 1 bộ thiếp vàng, 1 cây quán tẩy chạm rồng, 1 bức cửa võng chạm rồng, 4 cỗ long ngai chạm rồng, 4 khám thờ chạm tứ linh, 1 tấm nghi môn chạm rồng, 1 quả chuông đồng niên hiệu Tự Đức (1848 - 1883), 4 đôi câu đối ca ngợi cảnh đẹp của đền, 6 bức hoành phi sơn son thếp vàng. Đây là những di vật cổ quý, có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao.

Trong quá trình đô thị hóa hiện nay, sự hiện diện của một ngôi đền cổ trong khu phố cổ Hà Nội, đặc biệt là phố Hàng Cân, một phố buôn bán sầm uất đã cho thấy sức sống trường tồn của di tích tôn giáo tín ngưỡng. Bộ sưu tập di vật hiện nay còn trong đền là những tác phẩm mang giá trị nghệ thuật thế kỷ XIX, là nguồn sử liệu quý giá góp phần nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, phong tục tập quán của một cộng đồng cư dân thuộc kinh thành Thăng Long. Với vị trí ở cửa phía đông kinh thành, cách đình Đông Môn và chùa Cầu Đông không xa, đền Xuân Yên là một điểm tham quan hấp dẫn trong tuyến du lịch phố cổ Hà Nội.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,764,349