Thứ sáu, 29/03/2024

Đền Thuận Mỹ (đền Dâu)

Đền Thuận Mỹ nằm ở số nhà 64 phố Hàng Quạt, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, đối diện là nơi làm việc của một cơ sở văn hóa Cách mạng quan trọng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở Hà Nội: Hội Trí tri (1892 – 1938), nay là trường trung học Nguyễn Văn Tố. Hai chữ “Thuận Mỹ” được trang trí bằng mảnh sành màu hoa lam tại nơi cao nhất ở trán cổng đền. Hình thái tạo dáng này được các nhà kiến trúc mô phỏng theo phong cách tạo hình thời Nguyễn khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Tên gọi và địa danh Thuận Mỹ được nhiều sách nói đến như “Bắc thành dư địa chí lục”, “Phương định dư địa chí” (giữa thế kỷ XIX), “Hoài Đức phủ toàn đồ” (1831), Hà Nội địa bạ (1866). Như vậy, phố Hàng Quạt nguyên thuộc thôn Thuận Mỹ, tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương. Đây là cơ sở lý giải cho tên gọi của ngôi đền Thuận Mỹ. Truyền thuyết trong vùng kể rằng nơi đây xưa kia có bãi trồng dâu rất lớn nên cư dân quen gọi bằng tên nôm là “đền Dâu”. Căn cứ vào bài vị được lưu giữ tại đền có hàng chữ: “Khai thiện công đức thủy tổ” hiện đang được đặt tại bàn thờ trong đền thì ngôi đền này thờ những vị thần đã có công dựng nước thời Hùng Vương.

Về lịch sử ngôi đền thì tục truyền là có từ khoảng thế kỷ XVII – XVIII, do các cụ Tổ người làng Ước Lễ, Thanh Oai, Hà Nội xây dựng. Qua nhiều lần trùng tu và sửa chữa, nay đã trở nên khang trang và vững chắc hơn. Trước kia, đền lợp lá gồi và thưng gỗ xung quanh. Trên các tấm gỗ đều có chạm khắc trang trí rất đẹp. Khi đó diện tích của đền còn hẹp và được chia làm 2 cung. Đến thời Pháp thuộc, đền được xây dựng lại theo kiểu chuôi vồ có 3 phần: Tiền đường, trung đường và hậu cung. Phần hậu cung được tôn cao hơn hẳn so với trung đường và tiền đường. Nhà không có cột, vì kèo bằng gỗ lợp ngói chiếu. Trên các kết cấu kiến trúc không có chạm khắc, trang trí gì đặc biệt. Khi mới xây dựng, những cánh cửa của đền có chạm khắc hoa văn phong phú theo kiểu chạm lộng nhưng khi xây dựng lại, kiến trúc hoàn toàn theo lối hiện đại nên đơn giản hơn trước. Trên bờ nóc và ngoài cổng được đắp nổi nhiều hình trang trí các con vật và hoa lá khác nhau. Các cột gỗ lim đã được thay bằng các cột xây gạch trát vữa, nền nhà cũng được lát bằng đá hoa thay cho gạch bát chỉ (30cm x 30cm). Hiện đền chỉ sử dụng hai cửa ra vào ở hai bên (tả môn và hữu môn) thay vì cửa chính đã bị xây bịt lại từ năm 1971.

Mặt bằng của di tích gồm tiền đường 3 gian: diện tích gian giữa khoảng 24m2, 2 gian bên mỗi gian khoảng 16m2. Gian giữa bố trí các sập thờ, tượng và các đồ thờ. Hai gian bên là hai hàng sập gỗ kê cao 0,6m (để làm nơi tiếp khách), sau 3 gian tiền đường là nhà cầu (gian trung đường) sâu 2,5m. Hậu cung rộng 4,6m, sâu 4m, có cửa giữa 4 cánh và hai cánh nhỏ hai bên, phần bên trong được xây làm 3 tầng bệ thờ.

Các bệ thờ và đồ thờ ở đây được sắp đặt khá cầu kỳ. Những bệ thờ được xếp thành hai tầng, theo lớp. Quan trọng nhất là lớp tượng thổ cao 1,2m, đầu đội mũ cánh chuồn, có sơn son thiếp vàng (những pho tượng này tượng trưng cho các vị tướng lĩnh thời Hùng Vương có công trong việc dựng nước và giữ nước). Gắn liền với lớp tượng này là bài vị “Khai thiện công đức thủy tổ”, có nghĩa là “Biết ơn các vị Thần đã có công dựng nước”. Do có sự sắp đặt lại, nên bài vị này đã được chuyển dời về bàn thờ Hồ Chủ tịch. Ngoài ra, đền còn thờ Thánh Mẫu Âu Cơ và Tiên Dung công chúa trong hậu cung. Những hiện vật và đồ thờ trong đền khá đầy đủ và hoàn chỉnh, 4 tấm bia công đức khắc bằng chữ Hán và chữ Quốc ngữ khá đẹp. Những bức hoành phi, câu đối đều được sơn son thiếp vàng một cách công phu. Đồ đồng và đồ sứ ở đây khá phong phú: những đỉnh đồng được chạm khắc tinh xảo. Đồ sứ to đẹp gồm có lọ lục bình, chóe, thống, bát hương, còn phần lớn là gốm men trắng hoa lam vào thời Nguyễn. Có những lọ lục bình cao gần 1m đặt tại các gian tiền đường và trung đường. Ở di tích này có cả đồ thờ bằng sơn mài (như các sập) trang trí hình cá vàng, rồng, phượng. Những đồ thờ bằng giấy (hoa giấy, lọng giấy, thanh xà…) được làm khá công phu, kết hợp nhiều màu sắc rực rỡ. Các đồ thờ bằng vải (lọng vải, cờ phướn… thêu các con rồng, phượng, hoa sen, hoa cúc) rất tinh tế với nhiều sắc chỉ màu. Ngoài ra còn nhiều cờ phướn bằng vải nhiều màu treo trên kiến trúc của tiền đường và hậu cung. Như một “bộ sưu tập” các đồ thờ cúng phức hợp, đa dạng, nhiều nguồn gốc cùng với cách bài trí tạo được cảnh quan bắt mắt và không khí linh thiêng của ngôi đền.

Ẩn mình trong khu phố cổ Hà Nội, giữa không gian chật hẹp, nhưng di tích vẫn thu hút đông đảo khách tham quan, cúng lễ vào những ngày hội. Hàng năm, khi cả nước tưng bừng trảy hội đền Hùng thì tại đền cũng tổ chức múa kiếm, chèo đò, dệt gấm, thêu hoa, múa đồ mồi và cúng lễ các loại quả, xôi, chuối, oản trong 3 ngày.

Truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” là nét đẹp của văn hóa, dân tộc. Bên cạnh đền Đồng Thuận – 11 Hàng Cá thờ Lý Tiến, đình Hương Nghĩa (13B Đào Duy Từ) thờ tướng quân Cao Tứ, đền Đức Môn thờ tướng Ngô Văn Long… thì đền Thuận Mỹ thờ vua Hùng cùng Thánh Mẫu Âu Cơ và Tiên Dung công chúa là một tập hợp kiểu thức, kiến trúc, đồ thờ, quan niệm tín ngưỡng… của nhiều thời và nhiều ngành – nhân danh một địa danh Hà Nội xưa để mà tồn tại như một di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,541,523