Thứ sáu, 19/04/2024

Đền Thiên Tiên và miếu Thái Úy

Di tích đền Thiên Tiên và miếu Thái uý Lý Thường Kiệt thuộc số 120 Hàng Bông, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Theo bài minh trên quả chuông đồng đúc năm Tự Đức thứ 24 (1871) cho biết đền Thiên Tiên thờ bà chúa Liễu Hạnh. Miếu Thái Úy thờ Thái Úy Lý Thường Kiệt. Bên cạnh việc thờ Lý Thường Kiệt, trong di tích còn có điện thờ Mẫu, một loại hình tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ được lưu truyền và tồn tại đến nay. Tuy có nguồn gốc và nội dung thờ cúng khác nhau, song các tôn giáo, tín ngưỡng đều nhằm hướng con người đến điều thiện và tin vào một tương lai tốt đẹp.

Theo tấm bia “Bắc Hạ giáp bi ký” (Bài ký trên bia giáp Bắc Hạ) dựng năm Canh Ngọ niên hiệu Tự Đức thứ 13 (1870) thì cụm di tích đền Thiên Tiên và Miếu Thái uý được nhân dân giáp Bắc Hạ xây dựng từ rất lâu đời, ít nhất có từ thế kỷ XIX, trước năm Tự Đức năm thứ 11 (1858). Trải qua quá trình lịch sử cụm di tích di tích đền Thiên Tiên và miếu Thái Uý đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa: Bia “Bắc Hạ giáp bi ký” dựng năm Canh Ngọ niên hiệu Tự Đức (1870) cho biết “… Năm Canh Ngọ, dân làng bàn bạc muốn trùng tu lại ngôi đền ở nơi nền cũ, mở rộng đền miếu, đắp cao bệ nền…”; Năm 2007, chính quyền và nhân dân địa phương trùng tu lại hậu cung miếu Thái Uý bằng vật liệu kiến trúc bền vững. Kiến trúc hiện nay củadi tích mang dấu ấn của lần trùng tu năm Đinh Hợi (2007) quy mô giữ nguyên vẹn đến hiện nay.

1. Giới thiệu tổng thể: 

Cụm di tích đền Thiên Tiên và miếu Thái Úy được xây dựng liền sát nhau trên một khu đất trong khu vực phố cổ Hà Nội, di tích có qui mô kiến trúc nhỏ. Bên trái đền Thiên Tiên là miếu Thái Úy, tiếp theo là di tích đền Vọng Tiên – nổi tiếng với huyền tích vua Lê Thánh Tông gặp tiên mà Đoàn Thị Điểm đã chép trong “Bích Câu kỳ ngộ”.

Mở đầu của khu di tích là nghi môn trông ra phố Hàng Bông. Nghi môn tạo kiểu tứ trụ có mặt cắt ngang hình vuông, đỉnh của hai trụ phía ngoài tạo hình búp sen. Phần thân của trụ biểu được bổ khung chữ nhật không ghi câu đối chữ Hán, đế trụ thắt cổ bồng. Đỉnh của hai cột giữa là bốn chim phượng chụm đuôi vào nhau dưới dạng lá lật, bốn đầu của chúng được quay ra bốn hướng tạo thành hình trái giành, phía dưới tạo hình lồng đèn trang trí tứ linh (Long, ly, quy, phượng). Phần nối tiếp giữa hai cột trụ chính tạo tạo kiểu cửa vòm, phía trên trang trí các hoạ tiết văn triện móc. Phần mái tạo kiểu hai tầng, bốn mái, các góc mái tạo cong mềm mại. 

Qua cổng là một khoảng sân hẹp dẫn vào miếu Thái Uý. Phía trước, bên trái miếu Thái Uý là một nhà bia có qui mô kiến trúc nhỏ, kiểu phương đình hai tầng, tám mái, được xây dựng vào khoảng năm 1997. Chính giữa dựng tấm bia ghi danh các liệt sĩ của phường Hàng Bông trong cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc.

2. Mô tả kiến trúc: 

a/ Đền Thiên Tiên: Có qui mô kiến trúc nhỏ, nằm liền kề bên phải đền Thái Uý. Đền có qui mô mặt bằng hình chữ “Nhất” gồm một nếp nhà ngang 1 gian, 2 dĩ xây kiểu tường hồi bít đốc. Hai bộ vì hồi kết cấu kiểu vì kèo quá giang, hai bộ vì giữa kết cấu kiểu vì kèo giá chiêng chồng rường con nhị bào trơn đóng bén sơn son. Phần mái lợp ngói ta, phần nền lát gạch men hoa kích thước 20 x 20cm. Phía trước mở hệ thống cửa bức bàn ván bưng trang trí “Tứ quí”.

Nhìn một cách tổng thể về nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc tại cụm di tích đền Thái Úy và đền Thiên Tiên cho thấy không có gì đặc biệt, không có các trang trí trên kiến trúc gỗ như ở một số di tích khác. Tuy nhiên, cụm di tích đền Thái Úy và đền Thiên Tiên vẫn bảo tồn được hình thức kiến trúc mang phong cách dân gian truyền thống. Nét nổi bật ở di tích là nghệ thuật chạm khắc được tập trung trên các di vật hiện còn được lưu giữ tại di tích.

b/ Miếu Thái Úy: Trước đây, di tích có qui mô kiến trúc gồm tiền tế, trung đường và hậu cung, qui hoạch mặt bằng hình chữ “Tam”. Hai nếp nhà tiền tế và trung đường hiện nay được xây hợp nhất bằng một kiến trúc bê tông mái bằng kiên cố, nền lát gạch kích thước 40 x 40cm sử dụng làm “Câu lạc bộ văn hoá phường Hàng Bông”, tại khu vực này không có yếu tố thờ cúng.

Hậu cung: Được xây dựng áp sát phía sau “Câu lạc bộ văn hoá phường Hàng Bông”. Đây là một kiến trúc nhỏ, một gian, hai dĩ kết cấu vì kèo quá giang bào trơn đóng bén làm kiểu trốn cột, mái lợp tôn Austnam, nền lát gạch đỏ kích thước 30 x 30cm.

3. Mô tả về sự bài trí nội thất:

a/ Đền Thiên Tiên:

Tại gian giữa, trên vị trí cao nhất là bộ tượng Phật Thích Ca – Quan thế Âm bồ tát hiện thân của từ bi và Đại Thế Chí Bồ tát tượng trưng cho trí tuệ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XX. 

Hàng thứ hai, là bộ tượng Tam toà Thánh Mẫu - nằm trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ được người đời cho rằng có chức năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người.

Hàng thứ ba, là tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh – một nhân vật quan trọng trong thần điện của người Việt, một trong “Tứ bất tử” của tâm thức tín ngưỡng truyền thống – nghệ thuật thế kỷ XX.

Hàng thứ tư, là bộ tượng Hoàng Bơ - Hoàng Bảy và Hoàng Mười - nằm trong hệ thống của thần điện Mẫu, là các nhiên thần và các nhân thần có công gắn với sản xuất và dựng giữ nước.

Bên phải, thờ Chúa Thượng Ngàn và 12 cô Sơn Trang.

Bên trái, thờ long ngai và tượng thờ Thái uý Lý Thường Kiệt.

Hồi phải, thờ Mẫu Th­ượng Ngàn còn được gọi là Mẫu Đệ Nhị - Cai quản miền rừng núi.

Hồi trái, thờ Thánh Mẫu đệ tam trong khám gỗ phía trước là hai pho tượng Cô, Cậu. Mẫu Thoải (Thủy) còn đ­ược gọi là Mẫu Đệ Tam, vị thần sáng tạo ra mọi miền của nước, biển, sông, suối, đầm, hồ. Ngài được ng­ười nông dân Việt hết sức kính trọng, hệ thống thờ ngài và các thần linh liên quan có mặt ở hầu khắp mọi nơi,­ như một đảm bảo cho nguồn nước nông nghiệp luôn đ­ược đầy đủ, và sau này ngài còn mang chức năng gần giống với Quan Âm Nam Hải trong t­ư cách vị thần gắn với th­ương mại và chài lưới. 

Ngoài ra, tại đền còn được bài trí một hệ thống hoành phi, câu đối, cửa võng, án gian và một số đồ thờ tế với hình thức chạm nổi, chạm bong kênh các đề tài tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX, XX.

Bên cạnh đó, ta còn gặp những mảng trang trí trên các đồ lễ tự như: hương án, mâm bồng, chân nến... tất cả đều được sơn son thếp vàng làm tăng thêm vẻ uy nghiêm cho điện thờ. Đồng thời các di vật này đều được ăn sâu vào tâm thức tín ngưỡng truyền thống của mỗi người dân địa phương.

b/ Đền Thái Úy:

+ Tại nhà Tiền tế: Hiện sử dụng làm “Câu lạc bộ văn hoá phường Hàng Bông” và sinh hoạt cộng đồng trong khu vực dân cư.

+ Tại Hậu cung

Gian giữa, thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và năm pho tượng hầu nữ.

Bên phải, thờ Chúa Thượng ngàn, Tứ phủ chầu Bà và hai pho tượng hầu nữ.

Bên trái, thờ Thái úy Lý Thường Kiệt, hai quan tả hữu, Ngũ Vị Tôn Ông - là bộ tượng gồm năm vị Quan lớn được coi là một lực lượng thực hiện ý đồ của Mẫu ở năm phương và hai vị Quan hoàng.         

Trên đây là khảo tả tổng quan về cụm di tích đền Thiên Tiên và miếu Thái Uý. Tồn tại cho đến nay, di tích vẫn giữ được vẻ cổ kính, trang nghiêm mà lại đan xen những nét đẹp của văn hoá hiện đại. Chính những yếu tố đó đã tạo nên những dấu ấn bảo tồn trên cơ sở của sự phát triển trong cuộc sống hiện đại.

Tồn tại tới ngày nay, di tích đền Thiên Tiên và miếu Thái Úy còn bảo lưu được một bộ di vật có giá trị lịch sử, văn hoá và nghệ thuật cao với nhiều loại hình và chất liệu khác nhau như các bức hoành phi, câu đối, pho tượng lớn nhỏ, các bộ long ngai, khám thờ, hương án… bằng gỗ sơn son thếp vàng.

Hiện nay, tại di tích đền Thiên Tiên – Miếu Thái úy ngoài các dịp tuần tiết sóc vọng thường vào các ngày mùng một và mười rằm hàng tháng, hàng năm nhân dân địa phương thường tổ chức tế lễ vào các ngày mùng 3 tháng 3 giỗ Mẫu Liễu Hạnh và các ngày tiệc liên quan đến hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu tại đền.

Trải qua những biến đổi của tự nhiên và xã hội, tồn tại đến ngày nay cụm di tích đền Thiên Tiên và miếu Thái úy là một trong những di tích lịch sử văn hoá có giá trị cần được trân trọng giữ gìn, góp phần vào việc nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của Khu phố cổ Hà Nội.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,758,890