Thứ sáu, 19/04/2024

Đền Hương Tượng

Đền Hương Tượng hiện toạ lạc tại số nhà 64 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Xưa, nơi đây thuộc giáp Hương Tượng, phường Giang Khẩu, sau đổi thành Hà Khẩu, tổng Hữu Túc. Đến thời Nguyễn đổi là tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức.

Các nguồn tư liệu Hán - Nôm hiện còn được bảo quản tại đền như: thần tích, sắc phong, hoành phi, câu đối… cho biết đền Hương Tượng thờ Nguyễn Trung Ngạn - một nhân vật nổi tiếng dưới triều Trần. Làm quan trải 5 đời vua đến chức Đại học sĩ, Trụ quốc, Khai huyện bá, Thân quốc công, ông từng là Đại doãn kinh sư. Ông là một nhà chính trị, một nhà văn có tài, để lại nhiều tác phẩm có giá trị cho đời: “Giới Hiên thi tập”, “Ma Nhai kỷ công bi văn”, “Hoàng Triều đại điển”, “Hình thư”. Hiện nay, thư viện Khoa học Xã hội còn giữ một tập thơ chép tay lại sách năm Ất Mùi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36 (1775) với nhan đề “Vựng tập Giới Hiên thi cảo toàn trật”. Tập thơ của ông được chép toàn bộ trong “Toàn Việt thi lục” của Lê Quý Đôn.

Qua các nguồn tư liệu thư tịch cổ cho biết, di tích đền Hương Tượng được khởi dựng từ triều Trần. Trải qua các triều vua đều được ban sắc phong thần và được trùng tu sửa chữa nhiều lần qua các năm: Vĩnh Hựu năm thứ 3 (1737), Gia Long (1802 - 1820), Minh Mệnh năm thứ 6 (1825), Tự Đức (1848 - 1883), Thành Thái năm thứ 16 (1904). Diện mạo của ngôi đền hiện nay mang dấu vết của lần trùng tu dưới triều Nguyễn.

Đền Hương Tượng được xây dựng theo hướng tây, trông ra phố Mã Mây. Các công trình kiến trúc của đền được tập trung trong một khoảng không gian thoáng mát, ẩn mình dưới gốc cây si già cổ thụ quanh năm tán rủ um tùm. Các bộ phận cấu thành di tích bao gồm: một cổng nhỏ phía trước, sân gạch phía sau, tiếp theo là khu kiến trúc chính. Đền có quy mô kiến trúc kiểu chữ “Tam”, gồm Tiền tế, Trung đường và Hậu cung. Cả ba nếp nhà này được bố cục mặt bằng một gian hai dĩ, xây gạch kiểu tường hối bít đốc tay ngai. Cấu trúc bộ khung nhà Tiền tế bao gồm hai bộ vì chính, được làm thống nhất theo kiểu giá chiêng. Mỗi vì có kết cấu mặt bằng theo lối 4 hàng, chân được kê trên các chân tảng đá xanh hạt mịn, hình lục lăng.

Trung đường nối Tiền tế và Hậu cung có ranh giới giữa các mái làm khít nhau, phía dưới là hệ thống máng thoát nước. Nhà có mái lợp ngói ta, dựng bán mái. Hai bộ vì giữa có kết cấu kiểu vỏ cua trang trí mặt hổ phù.

Hậu cung có phần mái cao vượt lên so với trung đường, thể hiện sự trân trọng đối với nơi tọa lạc của thần. Nhà có 4 bộ vì đuợc làm thống nhất theo kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị” được kẻ soi, bào trơn trông rất nhẹ nhàng. Chính giữa Hậu cung là một sàn gỗ cao: 148cm, rộng 240cm, ván bưng ba mặt, bên trong bài trí long ngai bài vị thờ thần Nguyễn Trung Ngạn có mỹ tự là Tử Y Đại vương.

Đền Hương Tượng hiện còn bảo lưu bộ sưu tập di vật văn hoá có giá trị lịch sử. Trong đó, 6 đạo sắc phong thần của ba triều đại Lê - Tây Sơn - Nguyễn có giá trị đặc biệt hơn cả, sớm nhất có đạo sắc niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783), Chiêu Thống thứ nhất (1787), Quang Trung thứ tư (1791), Cảnh Thịnh thứ nhất (1793), Tự Đức thứ 18 (1865) và Khải Định thứ 9 (1924). Bên cạnh đó là hệ thống bia đá cổ gồm 7 tấm, bia sớm nhất có niên hiệu Vinh Hựu năm thứ 3 (1737). Đặc biệt tấm bia niên hiệu Minh Mệnh năm thứ 6 (1825) có nội dung ghi việc xây dựng ngôi đền. Bia đá trong đền Hương Tượng là những di vật quý giá. Qua nội dung văn bia ta có thể thấy cả một kho tư liệu phong phú về những tên người, tên đất, những sự kiện cụ thể của các danh nhân tại địa phương. Ngoài ra mỗi tấm bia còn có giá trị về nghệ thuật chạm khắc, tạo hình và thư pháp qua mỗi thời kỳ lịch sử, là chứng cứ thể hiện truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời của Thăng Long ngàn năm văn hiến.

Đền Hương Tượng đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 26/02/2008.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,766,368