Thứ sáu, 26/04/2024

Đền Hỏa Thần

Đền Hỏa Thần hiện ở 30 phố Hàng Điếu, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Đền được xây dựng từ năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Tấm bia “Hỏa thần Miếu bi ký” dựng vào ngày tốt tháng 7 đời vua Thiệu Trị tại đền cho biết, đền được xây dựng ở ngoài Cửa Đông thành Hà Nội. Lúc đầu, quy chế của đền còn sơ sài, năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), đền được xây dựng bằng nguyên vật liệu bền vững. Bảy năm sau, năm 1848 lại xây thêm Phương đình và Tiền tế. Niên đại này còn để lại trên câu đầu của kiến trúc.

So với các di tích khác trong khu vực phố cổ, đền Hỏa Thần có quy mô kiến trúc khá lớn, kiểu chữ “công” gồm Tiền tế, Phương đình và Cung cấm.

Tiền tế là một nếp nhà ngang ba gian, xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái phủ tôn giả ngói mũi hài cổ. Đầu hai tường hồi xây trụ biểu cao, trên mặt tượng nghê. Bộ khung đỡ mái bằng gỗ với bốn bộ vì làm đơn giản kiểu vì kèo quá giang. Các kết cấu gỗ trong bộ khung nhà được làm đơn giản kiểu vì kèo quá giang. Các kết cấu gỗ trong bộ khung nhà được bào trơn, bào soi tạo ra sự nhẹ nhàng cho kiến trúc. Hai đầu tường hồi gắn hai tấm bia đá ghi lại việc xây dựng và trùng tu sửa chữa di tích. Trên cửa ra vào treo bức hoành phi “Hỏa Thần từ” làm vào tháng trọng xuân năm Giáp Tý, đời vua Tự Đức (tháng 2 năm 1864).

Tòa Phương đình được xây dựng tiếp sau Tiền tế, dẫn vào Cung cấm. Phần kiến trúc này có mặt hình vuông, xây kiểu bốn mái với các góc đao cong. Trọng lượng của bộ mái dồn trên bốn cột gỗ lớn. Đầu hai vì hồi nóc trang trí mặt hổ phù lớn đang ngậm vành trăng. Hai bộ vì chính có kết cấu kiểu giá chiêng chồng rường. Lòng Phương đình đặt ba ban thờ lớn. Ngoài cùng có Tam tòa thánh Mẫu và bốn cô chầu, bàn giữa thờ Phật, trong cùng là chỗ tọa lạc của tượng Đức Ông và sáu Ông hoàng.

Trong toàn bộ kiến trúc đền thì kiến trúc Phương đình được chạm khắc trang trí đậm đặc nhất. Các con rường được chạm nổi vân mây lá lật. Mỗi đấu kê đều trang trí cánh sen. Mỗi đầu dư đều thể hiện hình đầu rồng. Các bức ván trong giá chiêng chạm nổi đề tài phượng trong tư thế đang bay. 

Cung cấm là nếp nhà ngang ba gian, cao vượt lên so với các kiến trúc ở phía trước. Nhà xây theo kiểu tường hồi bít đốc, bốn bộ vì đều làm theo kiểu kẻ chuyền. Mặt trước gian giữa mở hệ thống cửa gỗ kiểu “thượng song hạ bản”. Gian giữa xây bệ thờ cao làm ban thờ Thần Hỏa. Tượng Thần Hỏa được thể hiện trong tư thế ngồi, mặt đỏ, phương phi, áo long bào và được đặt trang trọng trong khám thờ lớn chạm rồng. Hai bên thần có hai tượng thị giả trong tư thế đứng.

Xưa kia, Hà Nội nhà cửa liền sát nhau, vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, tranh, tre, nứa, lá nên hỏa hoạn rất dễ xảy ra và có sức tàn phá dữ dội. Sử cũ đã ghi chép lại tại kinh thành Thăng Long xưa đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn. Vào đầu thời Trần ít nhất đã xảy ra ba vụ cháy lớn. Trước tác hại của hỏa hoạn, người Thăng Long đã chọn hai giải pháp để chế ngự, phòng ngừa tác hại của hỏa hoạn là: Chủ động phòng cháy, chữa cháy, mọi nhà đều chuẩn bị dụng cụ cứu hỏa và phụng thờ thần Hỏa để mong sao hỏa hoạn không xảy ra.

Với mục đích cầu mong thần phù giúp, ngăn ngừa hỏa hoạn ở chốn kinh thành, một số người đã gọi ngôi đền ở 30 Hàng Điếu là đền thờ “Ông tổ nghề phòng cháy, chữa cháy”. Hai tác giả sách “Đường phố Hà Nội” là Nguyễn Vinh Phúc và Trần Huy Bá cho biết “Trước đây, đền Hỏa Thần có một quả chuông to bằng đồng, hễ có hỏa hoạn thì thỉnh chuông lên, Hỏa thần nghe thấy sẽ về trừ hỏa hoạn”.

Đền Hỏa Thần được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia ngày 27/8/1996.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,827,182