Thứ năm, 25/04/2024

Chùa Vũ Thạch

Chùa Vũ Thạch ở số 13B phố Bà Triệu, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (vị trí chùa ở sâu trong ngõ chừng 50m tính từ hè phố Bà Triệu). Nhiều khách thập phương biết đến chùa Vũ Thạch, bởi vì chùa gắn với địa danh làng Vũ Thạch (nay là đoạn đầu phố Bà Triệu - Hàng Khay và Tràng Thi) mà giữa thế kỷ 19 làng có trường dạy học của ông cử Vũ Thạch - Nguyễn Huy Đức (1824 - 1898) nổi tiếng phẩm hạnh, có nhiều năm tháng gắn bó với việc dạy học trên đất Thăng Long.

Tương truyền chùa Vũ Thạch có thể được khởi dựng từ thời nhà Lý. Văn bia trùng tu vào năm Tự Đức thứ 10 cho biết chùa Vũ Thạch có tên chữ là “Quang Minh tự” (mang ý nghĩa đề cao trí tuệđể khai sáng thu phục lòng người) do một vị sư tổ Từ Tạng huý là Vượng khi xây dựng xong chùa Hoè Nhai, Bà Đá, thì tới một vùng đất ở phía Nam hồ Lục Thuỷ (hồ Hoàn Kiếm ngày nay) xây dựng tiếp chùa Vũ Thạch vào năm Đinh Tỵ (triều Tự Đức). Từ Tạng là Tổ thứ 4 chùa BàĐá. Đây thường là nơi lui tới của nhiều quan chức và tao nhân mặc khách. Một thời gian sau, ngôi chùa hỏng nát dần, nhiều người “hằng tâm hằng sản” bỏ tiền nhà vàđi khuyến giáo dựng thêm tiền đường, hậu điện, tô tượng Bồ Tát, La Hán tổ sư. Năm 1863, do sự phát triển của đô thị, chùa được dời tới địa điểm hiện nay, cách nơi cũ 50m, được xây dựng.

Cho đến những năm đầu thế kỷ 20, dân cư ở đây vẫn còn thưa thớt. Chùa ở gần hồ Hoàn Kiếm, phong thuỷ đắc địa nằm trong cụm di tích đình - đền - chùa Vũ Thạch, gắn với đời sống tín ngưỡng của nhân dân, và là điểm sinh hoạt văn hoá truyền thống của địa phương

Chùa Vũ Thạch mới được trùng tu, tôn tạo lớn vào năm 1995 trên cơ sở vị trí và khuôn viên cũ gồm: Tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, tháp mộ, nhà khách. Cổng chùa nằm sát hè phố Bà Triệu có kiểu dáng đơn giản.

Tòa tam bảo có kết cấu kiến trúc chữ “đinh” trên hệ thống sàn mới, cột bê tông, nền cao ốp đá hoa… Toàn bộ cột, vì kèo bằng gỗ của chùa được tạo dựng lại, làm cho tòa thượng điện trở nên lộng lẫy, uy nghiêm.

Tiền đường gồm 3 gian 2 dĩ với 4 bộ vì kèo kiểu giá chiêng chồng rường con nhị, 3 hàng cột gỗ kê trên quả bồng.

Hậu cung gồm 4 gian 1 dĩ có hệ thống vì tương tự như tiền đường. Phía trước Tam bảo còn giữ được một số cây lâu niên tạo nên cảnh quan đẹp và cần thiết cho một di tích cổ.

Tại chính điện của chùa Vũ Thạch, các pho tượng Phật giáo được thiết đặt đầy đủ theo hệ phái Bắc tông. Bia tháp mộ vị sư tổ Hoà thượng Thích Thanh Tường (Đinh Xuân Lạc) mất năm 1943 có tên “Linh Quang Diệu Quang Tháp” đã ghi việc công đức, sửa sang đình Vũ Thạch. Đây là vị Hoà thượng trụ trì chùa Vũ Thạch có học vấn uyên thâm và có nhiều công lao đối với chùa. Theo thần phả Linh Quang (chùa BàĐá) và sách "Tiểu sử danh tăng Việt Nam" cho biết: Hoà thượng Thanh Tường trụ trì chùa Vũ Thạch là tác giả của nhiều bài nghiên cứu in trên tạp chí "Tiếng chuông sớm" là tiếng nói của "Bắc kỳ Phật giáo Cổ Sơn Môn", góp phần hoằng dương Phật pháp ở Bắc kỳ và Hà Nội.

Ngoài những tấm bia, tháp mộ và hệ thống chuông, tượng treo dựng trong chùa, các ban thờ đều được trang trí với những cửa võng sơn son thiếp vàng, chạm khắc cầu kỳ và bày kèm những đồ tế khí được chế tác tinh xảo.

Trong chùa Vũ Thạch, đặc biệt, còn lưu giữ được lượng di vật cổ phong phú về chủng loại, có niên đại hàng trăm năm. Đó là các pho tượng, các đôi cấu đối, các bức đại tự ca ngợi cảnh chùa và mang ý nghĩa triết lý của đạo Phật. Nhà Mẫu, nhà Tổ còn có các hoành phi, câu đối ca ngợi Thánh Mẫu, tạm dịch là:

“Thượng đế đã trao quyền, một dải non sông gìn giữ

Dân lành mang ơn đức, ngàn trung mưa gió chở che”.

Hàng năm vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, phường Tràng Tiền tổ chức lễ dâng hương. Định kỳ 4 năm một lần tổ chức lễ hội quy mô lớn trong đó có rước kiệu. Chùa và đình, đền Vũ Thạch không chỉ là khu di tích trang nghiêm, nơi thực hiện tín ngưỡng của nhân dân trong phường mà còn là địa điểm tham quan du lịch của đông đảo quần chúng nhân dân và bè bạn quốc tế mỗi dịp về thăm Thủđô và quần thể di tích danh lam thắng cảnh Hồ Gươm. 

Chùa Vũ Thạch được Bộ Văn hoá và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo ngày 12/12/1986.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,822,545