Thứ năm, 25/04/2024

Chùa Vĩnh Trù

Nằm ở khu vực trung tâm buôn bán sầm uất của 36 phố phường Hà Nội cổ, của kinh đô Thăng Long xưa, chùa Vĩnh Trù nổi lên với một Tam quan sừng sững, hiện ở số nhà 59 phố Hàng Lược, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trước đây, vào thời Lê, chùa thuộc đất thôn Phủ Từ và thôn Vĩnh Trù, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Phụng Thiên. Thời Nguyễn thuộc tổng Đồng Xuân, sau đổi là phố Hàng Lược.

Chùa Vĩnh Trù được xây dựng vào khoảng thế kỷ 19, cùng thời với chùa Phổ Trì cùng phố. Nguyên xưa đây là đình Vĩnh Trù về sau đổi thành đền và sau lại đổi thành chùa.

Chùa Vĩnh Trù thờ “Tứ vị Hồng Nương”, “Tam toà Thánh Mẫu” và các đức Phật. Về “Tứ vị Hồng Nương”, truyền thuyết cho rằng “Tứ vị” đều là cung phi trong triều nhà Tống (Trung Quốc), gặp năm nhà Tống bị giặc đánh phá, vua tôi thua chạy, bốn mẹ con chạy giặc vềđến vùng biển, nhờ một nhà sư cứu thoát. Nhà sư thấy bà mẹ là Hoàng phi xinh đẹp nên trêu ghẹo. Bà cự tuyệt, nhà sư xấu hổđâm đầu xuống biển tự vẫn. Bốn mẹ con biết không sống được và cảm ơn nhà sư cứu sống trước đây, cũng nhảy xuống biển chết theo. Xác 4 người trôi dạt tới cửa Càn Hải (Nghệ An). Dân vớt lên chôn cất, lập đền thờ gọi là “Đền Cờn Tứ vị”. Các bà hoá thánh âm phù cho dân. Dân miền sông biển thường đặt ban thờ “Tứ vị” trong khoang thuyền để cầu yên sóng gió. Đời Trần, “Tứ vị” giúp các vua đánh tan giặc Nguyên Mông nên càng thiêng liêng. Có nhiều nơi lập đền thờ “Tứ vị”. Riêng ở Hà Nội dọc sông Hồng và sông Tô có 10 nơi thờ “Tứ vị Hồng Nương”.

Cũng như nhiều ngôi chùa khác, chùa Vĩnh Trù thờ Tam Thế phật đại diện cho 3000 vị phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai, tượng Bồ tát, tượng Quan âm Nam Hải kết ấn chuẩn đề, tượng Cửu Long với Thích ca sơ sinh…

Qua các tư liệu trong dân gian và nhà sư trụ trì chùa cho biết: chùa Vĩnh Trù trước đây gọi là đình Vĩnh Trù, có từ lâu đời, làm nơi hội họp của các cụ bô lão trong làng. Thời Pháp thuộc, đình được tu sửa, đổi là đền Vĩnh Trù. Sau đó gọi là chùa Vĩnh Trù thờ Phật. Năm 1950, chùa Vĩnh Trù bắt đầu có sư trụ trì và được trùng tu lớn, xây thêm Nhà giữa (Tam bảo) và Nhà khách phía ngoài.

Hiện nay, chùa bao gồm các công trình: cổng Tam quan theo kiểu nghi môn, chùa chính với 3 nếp nhà theo hình chữ “Tam”, biểu hiện Thiên - Địa - Nhân. Ở mỗi nếp được làm thoáng, trên có máng che để thoát nước nên toàn bộ chùa được tạo thành một không gian thống nhất. Các nếp nhà làm đầu hồi bít đốc có các bộ vì riêng, trốn toàn bộ cột đứng trên xàđai nên nhà thoáng rộng.

Nếp ngoài dùng làm nhà tiếp khách, giữa có ban thờ đặt hai ngai thờ bài vị quan giám sát, dưới còn một ban thờ các quan văn, võ. Chính giữa có y môn rồng chầu hổ phục chạm thủng và bong kênh tạo nên nét sống động của hoa lá. Nếp giữa là nơi thờ Phật được làm theo kiểu vì giá chiêng, có kẻ ngồi nối với toà bên, kẻ trang trí lá hoá rồng, trong xây bệ thờđặt tượng Phật.

Nếp trong (Hậu cung) với kết cấu kiểu vì giá chiêng chồng rường, được ngăn cách với phía ngoài bằng một cửa võng và 2 cửa ra vào. Toà này thờ “Tứ vị Hồng Nương”, “Tam toà Thánh Mẫu”, tượng Ngọc Hoàng, tượng cô cậu… Bức cửa võng ởđây được trang trí tứ linh, tứ quý và chạm thủng rất tinh tế. Hai bộ cửa được chạm khá kỹ, phần trên chạm thủng các hình mây, lá hoá rồng. Làm nền cho hạnh phúc trường niên là dơi cắn chữ Thọ phủ kim tòng, phía dưới chạm tứ quý…

Chùa Vĩnh Trù còn giữ lại một số di vật như: sắc phong, ngai thờ bài vị, tượng Phật, câu đối… và những đồđồng đạt giá trị nghệ thuật cao. Chùa Vĩnh Trù có quy mô kiến trúc không lớn, song vẫn mang đủ dáng dấp kiến trúc cổ truyền của người Việt. Sự kết hợp thờ tự giữa đạo Phật và những thuyết về Thánh cũng là hiện tượng thường thấy ở một số di tích lịch sử - văn hoá của Hà Nội.

Chùa Vĩnh Trù đã được Bộ Văn hoá và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 25/01/1994.

0h-24h

Copyright Hoan Kiem 360 © 2020. Developed & Managed by VinGG
Lượt truy cập: 27,817,377